Chức năng, nhiệm vụ của Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Sở Ngoại vụ) là đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao (sau đây viết tắt là Bộ) có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (sau đây viết tắt là Bộ trưởng) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đối ngoại và triển khai các nhiệm vụ đối ngoại theo ủy quyền của Bộ trưởng tại các tỉnh, thành từ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trở vào phía Nam (sau đây viết tắt là các tỉnh, thành phía Nam); đồng thời, tham mưu và trực tiếp triển khai các hoạt động đối ngoại của thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Thành phố) theo sự chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Sở Ngoại vụ có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy; được mở tài khoản tại Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật; trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Quản lý các hoạt động đối ngoại tại Thành phố và các tỉnh, thành phía Nam trên cơ sở ủy quyền của Bộ trưởng theo chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế; hỗ trợ và hợp tác với các cơ quan trong Thành phố (kể cả các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn) và các tỉnh, thành phía Nam để đảm bảo thực hiện những quy định của Nhà nước trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài:
a) Tham mưu cho Bộ trưởng trong việc: tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại, các nhiệm vụ của Ngành ngoại giao về chính trị, kinh tế, văn hóa, biên giới lãnh thổ và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các tỉnh, thành phía Nam;
b) Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại tại các tỉnh, thành phía Nam theo ủy quyền hoặc phân công của Bộ trưởng; chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ xử lý các vấn đề nhạy cảm, phức tạp trong công tác đối ngoại tại Thành phố và các tỉnh, thành phía Nam.
2. Tham mưu cho Lãnh đạo Thành phố và tổ chức thực hiện công tác đối ngoại của Thành phố:
a) Xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác đối ngoại của Thành phố; tổng hợp, báo cáo tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có yếu tố nước ngoài trên địa bàn Thành phố; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật nhằm quản lý hoạt động đối ngoại tại Thành phố;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các đoàn lãnh đạo Thành phố đi thăm, làm việc hoặc tham dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài; đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại Thành phố; triển khai quan hệ hữu nghị hợp tác của Thành phố với các địa phương trên thế giới; làm đầu mối triển khai công tác ngoại giao phục vụ kinh tế và ngoại giao văn hóa trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng của Thành phố triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; điều phối quan hệ kinh tế song phương và đa phương, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Thành phố.
3. Nghiên cứu, tổng hợp, dự báo, tham mưu cho Bộ về tình hình đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa;
4. Quản lý hoạt động của các cơ quan lãnh sự, các văn phòng kinh tế - văn hóa (trừ các công tác liên quan đến xét tăng biên chế; mở rộng, thu hẹp khu vực lãnh sự; chấp thuận người đứng đầu; thăm lãnh sự phạm nhân người nước ngoài thuộc quyền quản lý của Bộ Công an) và các cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế đóng tại Thành phố và các tỉnh, thành phía Nam; hướng dẫn, quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi, miễn trừ và nghi lễ ngoại giao đối với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Thành phố và các tỉnh, thành phía Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và theo thông lệ quốc tế.
5. Thực hiện công tác lãnh sự tại các tỉnh, thành phía Nam theo ủy quyền của Bộ trưởng, bao gồm:
a) Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung và hủy giá trị của hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cấp công hàm đề nghị phía nước ngoài cấp thị thực;
b) Cấp thị thực, gia hạn tạm trú và cấp phép nhập cảnh cho người nước ngoài do các cơ quan, tổ chức tại các tỉnh, thành phía Nam mời, bảo lãnh thuộc thẩm quyền của Bộ theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh đối với người nước ngoài và theo phân công của Bộ;
c) Thực hiện công tác hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự giấy tờ, tài liệu;
d) Xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài, tổ chức và pháp nhân nước ngoài cũng như các vụ việc có yếu tố nước ngoài khác tại Thành phố và các tỉnh, thành phía Nam;
đ) Thực hiện một số công tác bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài theo phân công của Bộ;
e) Thực hiện các công việc lãnh sự khác theo ủy quyền của Bộ trưởng.
6. Chủ trì, phối hợp tổ chức đón tiếp và phục vụ các đoàn cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc tại Thành phố và các tỉnh, thành phía Nam.
7. Phối hợp thực hiện công tác thông tin đối ngoại, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước và nghiệp vụ đối ngoại tại Thành phố và các tỉnh, thành phía Nam.
8. Phối hợp với Vụ Thông tin Báo chí quản lý và hướng dẫn hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài và văn phòng thường trú của báo chí nước ngoài tại các tỉnh, thành phía Nam.
9. Xây dựng và quản lý trang thông tin điện tử của Sở Ngoại vụ.
10. Quản lý, chỉ đạo hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc phục vụ các hoạt động đối ngoại: lễ tân, hội nghị hội thảo, dịch vụ lưu trú… nhằm triển khai các hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế; phối hợp thực hiện chức năng bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ ngoại giao và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; phát triển các hoạt động hợp tác về văn hóa, giáo dục, khoa học và kỹ thuật giữa Việt Nam với Pháp và các nước có sử dụng tiếng Pháp…; đảm bảo thực hiện các quy định về cơ chế tự chủ, đảm bảo hiệu quả hoạt động và quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất của các đơn vị sự nghiệp.
11. Tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính theo chương trình, kế hoạch và sự phân công của Bộ trưởng.
12. Thực hiện chế độ tiền lương, chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức người lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Ngoại vụ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.
13. Thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an toàn cơ quan và kỷ luật lao động.
14. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị được giao và ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng và Lãnh đạo Thành phố phân công.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Sở Ngoại vụ có Giám đốc và các Phó Giám đốc do Bộ trưởng bổ nhiệm và miễn nhiệm theo quy định.
Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở Ngoại vụ.
Các Phó Giám đốc giúp Giám đốc quản lý, điều hành hoạt động của Sở Ngoại vụ theo sự phân công và ủy quyền của Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công và ủy quyền.
2. Sở Ngoại vụ có các đơn vị trực thuộc như sau:
a) Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại;
b) Phòng Lãnh sự;
c) Phòng Lễ tân;
d) Phòng Tổ chức Cán bộ;
đ) Phòng Văn hóa Thông tin đối ngoại;
e) Văn phòng;
g) Trung tâm Dịch vụ đối ngoại và Hội nghị quốc tế;
h) Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng kiến thức ngoại giao và ngoại ngữ;
i) Viện Trao đổi văn hóa với Pháp.
Các đơn vị từ điểm a đến điểm e khoản 2 Điều này là các đơn vị giúp việc, tham mưu cho Giám đốc Sở; các đơn vị từ Điểm g đến Điểm i là những đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ trưởng quyết định thành lập và giải thể.
Người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này do Giám đốc Sở Ngoại vụ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
3. Giám đốc Sở Ngoại vụ có trách nhiệm quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị từ điểm a đến điểm e khoản 2 Điều 3 Quyết định này; xây dựng, ban hành quy chế hoạt động của Sở và của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc phù hợp với Quy chế làm việc của Bộ và các quy định liên quan.
4. Biên chế công chức, viên chức, số lượng người làm việc của Sở Ngoại vụ do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở xác định vị trí việc làm.
VHTTĐN
Cập nhật 28-01-2019