Thành phố Thượng Hải (CHND Trung Hoa)
Vị trí của Thượng Hải trên đất nước Trung Quốc
Bản đồ hành chính Thượng Hải
Bản đồ đô thị Thượng Hải
a. Thông tin cơ bản:
Dân số:
Tổng dân số thành phố Thượng Hải năm 2006 là 18,67 triệu người. Mật độ dân số là 2.945 người/km2.
Diện tích:
Tổng diện tích thành phố Thượng Hải là 6.340,5 km2, chiếm 0,06% tổng diện tích cả nước Trung Quốc, khoảng cách từ Bắc đến
Vị trí địa lý:
Thượng Hải nằm ở bờ tây Thái Bình Dương, phía đông Trung Quốc, thuộc vùng đồng bằng châu thổ Trường Giang, phía đông là biển Đông Hải, phía nam giáp vịnh Hàng Châu, phía tây liền kề hai tỉnh Giang Tô, Triết Giang, phía bắc là nơi sông Trường Giang đổ ra biển.
Địa hình:
Địa hình thành phố chủ yếu là đồng bằng có độ cao trung bình 4m so với mực nước biển, phía Tây Nam có một số gò đồi thấp với đỉnh cao Đại Kim Sơn cao 104m, cao nhất thành phố. Hệ thống sông hồ chằng chịt với sông chính là Hoàng Phố và Ngô Tùng, hồ Điện Sơn giáp giới tỉnh Giang Tô có diện tích 63 km2; ven biển có các đảo lớn như Sùng Minh, Trường Hưng, trong đó đảo Sùng Minh có diện tích 1.083 km2, là đảo lớn thứ ba của Trung Quốc.
Trên sông Hoàng Phố
Khí hậu:
Thượng Hải thuộc vùng khí hậu gió mùa cận nhiệt đới, bốn mùa phân biệt rõ ràng, lượng mưa, ánh sáng nhiều. Nhiệt độ bình quân hàng năm khoảng 17,50C, thời gian mặt trời chiếu sáng trong năm khoảng 1.778,3 giờ, lượng mưa khoảng 1.254,9 mm, hơn 70% lượng mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 9. Từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7 hàng năm, thành phố có khoảng thời gian xảy ra hiện tượng thời tiết Mai Vũ (trời mưa nhỏ và kéo dài đến gần 20 ngày).
Đơn vị hành chính:
Thành phố phân thành 18 khu và 1 huyện: Các khu Hoàng Phố, Phố Đông, Sạp Bắc, Trường Ninh, Dương Phố, Phổ Đà, Lô Loan, Tịnh An, Bảo Sơn, Từ Hối, Hồng Khẩu, Gia Định, Mân Hàng, Tùng Giang, Kim Sơn, Thanh Phố, Nam Hối, Phụng Hiền và một huyện Sùng Minh.
Khu Phố Đông về đêm
Lịch sử:
Thượng Hải có tên gọi tắt là “Hộ” hoặc “Thân”. Cách đây khoảng 6.000 năm về trước, vùng phía tây Thượng Hải bây giờ đã hình thành, còn vùng phía Đông có lịch sử hình thành ngắn hơn, vào khoảng 2000 năm. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, Thượng Hải là đất phong của Xuân Thân Quân Hoàng Yết nước Sở, do vậy Thượng Hải còn có tên là “Thân”. Vào thời nhà Tấn (thế kỷ IX, V trước Công nguyên), các cư dân ở vùng duyên hải và vùng Tùng Giang đa phần sinh sống bằng nghề đánh cá, họ chế tạo một công cụ đánh cá làm bằng nan tre gọi là “hộ”, từ đó cả vùng này còn có tên là “Hộ”.
Năm 751 vào thời nhà Đường, khu vực Thượng Hải thuộc huyện Hoa Đình, phạm vi từ phía bắc đến vùng Hồng Khẩu ngày nay, phía nam giáp biển, phía đông đến Hạ Sa.
Năm 991 vào thời nhà Tống, do thượng du Tùng Giang bị tắc nghẽn, đường bờ biển mở dài ra phía đông, thuyền bè ra vào phải đỗ tại “Thượng Hải Phố” – một sông nhánh của Tùng Giang (cũng tức là sông Hoàng Phố đoạn từ phía đông bến Thượng Hải đến Thập Lục Phố).
Năm 1267 vào thời nhà Nam Tống, bờ tây Thượng Hải Phố bắt đầu xây dựng thị trấn, đặt tên là trấn Thượng Hải. Năm 1292, nhà Nguyên tách trấn Thượng Hải khỏi huyện Hoa Đình, thành lập huyện Thượng Hải, đánh dấu lịch sử bắt đầu xây dựng thành phố Thượng Hải.
Từ thế kỷ XV thời nhà Minh, Thượng Hải trở thành trung tâm thủ công nghiệp của cả nước. Năm 1658, vua Khang Hy nhà Thanh thiết lập hải quan Thượng Hải. Đến giữa thế kỷ XIX, Thượng Hải trở thành hải cảng tập trung đông đảo các thương nhân.
Từ sau hai cuộc chiến tranh nha phiến (1839 – 1842 và 1856 – 1860), Thượng Hải biến thành cửa khẩu thông thương của thực dân. Trong khoảng 100 năm sau đó, nhiều nước tiến hành xâm chiếm Thượng Hải, đặt tô giới riêng.
Ngày 27/5/1949, thành phố Thượng Hải được giải phóng, viết nên trang sử mới cho sự phát triển của thành phố. Thượng Hải hiện nay là thành phố có nhiều di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng, là trung tâm kinh tế lớn nhất của Trung Quốc.
Trên đường phố Thượng Hải ngày nay
Chính trị:
Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương:
Chính quyền Nhân dân Thành phố và các Ủy ban, Cục cơ quan chức năng như Ủy ban Phát triển và Cải cách, Ủy ban Giáo dục, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Ủy ban Nông nghiệp, Ủy ban Các sự vụ Tôn giáo và Dân tộc, Cục Công an, Cục Dân chính, Cục Tài chính, Cục Dân sự, Cục Lao động và Xã hội, Cục Y tế, Cục Thủy lợi, Cục Thống kê, Cục Thể dục Thể thao…
Tòa Thị chính Thượng Hải
Lãnh đạo Thành phố Thượng Hải:
Bí thư Thành ủy: Du Chính Thanh.
Thị trưởng: Hàn Chính.
Kinh tế:
GDP:
Năm 2006, GDP toàn thành phố Thượng Hải ước tính đạt 1.029,7 tỷ Nhân dân tệ (NDT), thu nhập bình quân đầu người 55.153 NDT.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, thu nhập tài chính của thành phố liên tục tăng trưởng với mức tăng bình quân mỗi năm 18,5%. Năm 2005, Thượng Hải hoàn thành mức thu tài chính 409,6 tỷ NDT. Năm 2005, doanh thu về du lịch đạt 58,5 tỷ NDT, tăng 15,8% so với năm trước, chiếm 6,4% GDP toàn thành phố, đón tiếp 5,714 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu 3,608 tỷ USD; đón 90,12 triệu lượt khách nội địa với doanh thu 13,084 tỷ NDT, tăng 7,6%.
Xuất nhập khẩu năm 2005 tiếp tục tăng với tổng kim ngạch đạt 186,37 tỷ USD, tăng 16,5%; trong đó, kim ngạch nhập khẩu là 95,623 tỷ USD, tăng 10,5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 90,742 tỷ USD, tăng 23,4%.
Vai trò của Thượng Hải đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc:
Thượng Hải là thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, một trong những thành phố lớn nhất thế giới, là hải cảng quan trọng, trung tâm thương mại tài chính ngân hàng sầm uất và công nghiệp hiện đại bậc nhất của Trung Quốc.
Nông nghiệp Thượng Hải được cơ giới hóa cao. Cây trồng lương thực như lúa nước, lúa mạch chiếm gần một nửa tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Cây trồng kinh tế chính là bông, cải dầu. Đặc sản nông nghiệp nổi tiếng có cá chép Trường Giang, cá lô bốn mang Tùng Giang, cua Điện Sơn, trái cây như đào, lê vỏ mỏng nước nhiều.
Từ đầu thế kỷ XVI, Thượng Hải đã là đô thị thủ công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc. Đến nay, Thượng Hải đã trở thành thành phố công nghiệp lớn nhất cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm gần 90% tổng giá trị sản xuất của thành phố, đứng hàng đầu so với các tỉnh, khu khác. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp đóng tàu, thiết bị động lực, máy móc, dụng cụ đo lường, hóa chất, vi điện, viễn thông, sinh học, vật liệu mới… đều đứng hàng đầu cả nước. Ngành luyện kim, tơ sợi, sản xuất ôtô, điện khí gia dụng… có quy mô sản xuất lớn. Ngành công nghiệp dệt may của Thượng Hải rất phát triển, chiếm khoảng 60% hàng xuất khẩu của thành phố này.
Các ngành nghề là thế mạnh:
Dịch vụ, thương mại, tài chính, công nghiệp…
Giao thông vận tải:
Thượng Hải là đầu mối giao thông đường hàng không, đường sắt, đường ôtô lớn nhất ở miền Hoa Đông, là hải cảng lớn nhất của Trung Quốc và là một trong 10 cảng lớn của thế giới. Cảng Thượng Hải là cửa ngõ đường biển chủ yếu của Trung Quốc, trải dài trên 170 km với 60 bến đậu.
Cảng Thượng Hải
Đường sông với hệ thống sông chính Hoàng Phố và Ngô Tùng có chiều dài trên 2.100 km. Độ dài đường sắt trên 750 km với các tuyến Tân Hộ, Hộ Hàng nối các thành phố lớn khác trong cả nước. Chiều dài đường ôtô hơn 4.000 km, trong đó có tuyến đường ôtô cao tốc Hộ Ninh, Hộ Hàng. Thượng Hải còn là trung tâm hàng không quan trọng, là một trong những sân bay quốc tế lớn nhất thế giới, có đầy đủ đường bay nối các thành phố lớn của Trung Quốc và thế giới.
Tàu điện từ sân bay quốc tế Thượng Hải về trung tâm thành phố
Văn hóa - xã hội:
Một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng:
Thượng Hải có 16 di tích bảo vệ trọng điểm cấp quốc gia, 114 di tích bảo vệ cấp thành phố, 29 di tích kỉ niệm. Thượng Hải giữ được nhiều di tích, nhà vườn đặc sắc thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Các danh thắng nổi tiếng có chùa cổ Tịnh An được xây dựng từ thời Tam Quốc, chùa cổ Long Hoa, chùa Ngọc Phật, Dự Viên, Khổng Miếu Gia Định, hồ Túy Bạch. Thượng Hải còn là thành phố có truyền thống cách mạng với nhiều di tích cách mạng như di tích Hội nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 1, nơi ở của Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lỗ Tấn…
Chùa Ngọc Phật
Dự Viên
Thắng cảnh thời hiện đại có Bến Thượng Hải, Tháp truyền hình Đông Phương…
Tháp truyền hình Đông Phương
Các lễ hội đặc sắc của Thượng Hải:
Lễ hội Văn hóa dân gian.
Website chính thức:
b. Hoạt động hợp tác:
Văn kiện ký kết:
Ngày 14 tháng 5 năm 1994, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Viết Thanh và Phó Thị trưởng Thành phố Thượng Hải Sa Lân đã ký “Bản thỏa thuận thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh nước CHXHCN Việt Nam và Thành phố Thượng Hải nước CHND Trung Hoa” tại TPHCM.
Hoạt động giao lưu:
Các đoàn đã trao đổi:
Các đoàn TPHCM sang thăm Thượng Hải:
-
Tháng 07-2000 và tháng 10-2002: Đoàn do Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết dẫn đầu.
-
Tháng 7-2006: Đoàn do Phó Chủ tịch HĐND Huỳnh Thành Lập dẫn đầu.
-
Tháng 11-2006: Đoàn do Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín dẫn đầu.
Các đoàn Thượng Hải sang thăm TPHCM:
-
Tháng 05-2000: Đoàn do Bí thư Thành ủy Thượng Hải Hoàng Cúc dẫn đầu.
-
Tháng 10-2002: Đoàn đại biểu Tổng Công hội Thượng Hải
-
Tháng 01-2003: Đoàn đại biểu Đại hội Nhân dân Thượng Hải.
-
Tháng 10-2002 và tháng 03-2005: Đoàn đại biểu Thành Đoàn Thượng Hải.
Các hoạt động giao lưu:
TPHCM đã tổ chức cuộc trình diễn quảng bá du lịch tại Thượng Hải vào tháng 10-2002.
(Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 30-1-2007)
Các tin liên quan:
- Thành phố Vladivostok (Liên bang Nga) (06-07-2009)
- Thành phố Minsk (Cộng hòa Belarus) (25-05-2009)
- Thành phố Yokohama (Nhật Bản) (25-05-2009)
- Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) (13-01-2009)
- Tỉnh Hyogo (Nhật Bản) (03-10-2008)
- Thành phố Busan (Hàn Quốc) (01-08-2008)
- Thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga) (23-06-2008)
- Thành phố Geneva (Liên bang Thụy Sĩ) (11-07-2007)
- Tỉnh Champasak (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) (18-04-2007)
- Thủ đô Viêng Chăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) (18-04-2007)
Cập nhật 30-10-2007