Personal tools

    Search

    


Thành phố Lyon (Cộng hòa Pháp)

Lyon là đầu tàu kinh tế của vùng Rhône – Alpes, một trong những vùng kinh tế hàng đầu của Pháp chỉ sau vùng L’Ile de France, với đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội.

26.3.07_BandoTPLyon

 

Bản đồ thành phố Lyon

Thành phố Lyon: 

Địa lý:

Thành phố Lyon là thành phố quan trọng nhất trong vùng Rhône-Alpes, chiếm một vị trí khá ưu đãi ở trung tâm thung lũng sông Rhône. Phía Bắc tiếp giáp với vùng Beaujolais, phía Tây là dãy Mont du lyonnais, phía Đông và Bắc là đồng bằng Dombes và Isère.

 

Dân số: 445 274 cư dân

 

Diện tích:

Bao gồm cả sông: 4.787 ha

Không bao gồm sông: 4.575 ha

 

Vị trí:

Kinh độ: 40 56’ 37’’ độ kinh Đông

Vĩ độ: 450 43’ 23’’ độ vĩ Bắc

 

26.3.07_TPLyontutrencao

Thành phố Lyon nhìn từ trên cao

 

Tổ chức:

Hội đồng thành phố gồm 73 thành viên, được bầu bằng hình thức bỏ phiếu phổ thông trực tiếp với một nhiệm kỳ kéo dài 6 năm. Hội đồng đứng đầu là Thị trưởng, tham gia các vấn đề cộng đồng như: thảo luận và bỏ phiếu ngân sách, quản lý các di sản công, thiết lập và tổ chức các dịch vụ công, chi phí cho trợ cấp xã hội và y tế, quản lý các công trình văn hóa, thể thao công cộng. Thành phố Lyon có 6.000 công chức.    

 

Thành phố Lyon được chia thành 9 quận, mỗi quận có trụ sở của Hội đồng Quận, đứng đầu là Quận trưởng. Hội đồng Quận được bầu bằng hình thức bỏ phiếu phổ thông trực tiếp cùng thời điểm với bầu Hội đồng Thành phố. Hội đồng Quận được Hội đồng Thành phố tham khảo ý kiến hầu hết các vấn đề liên quan đến quận, nhất là về quy hoạch đô thị. Từ cuối năm 2002, các Hội đồng khu phố được thành lập nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân vào các dự án của thành phố.

 

26.3.07_ToathichinhLyon

Tòa Thị chính Lyon

 

Kinh tế:

Lyon và vùng phụ cận là vùng kinh tế năng động, một điểm đến hấp dẫn ở Châu Âu và là điểm tập trung phát triển lớn thứ hai của Pháp sau Paris. Thành phố Lyon cùng với các đối tác địa phương đã tạo thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở trên vùng đất này, như L’ADERLY, Phòng Thương mại và Công nghiệp Lyon và Le Grand Lyon. Là vùng đất có truyền thống lâu đời về phát kiến kinh tế và kỹ thuật, Lyon nổi tiếng thế giới về: cơ khí, dệt, hóa dược, y  tế.

 

26.3.07_Soie-Lyon

Tơ lụa Lyon nổi tiếng thế giới

 

Nhiều cơ sở sản xuất được thế giới biết đến cho thấy tiềm năng kinh tế và và sự đa dạng của vùng. Thực tế, Lyon là đầu tàu kinh tế của vùng Rhône – Alpes, vùng kinh tế hàng đầu của Pháp sau vùng L’Ile de France với đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội.

 

Từ thời Cổ đại, Thành phố đã biết khai thác vị trí địa lý cũng như tận dụng hệ thống sông ngòi để trở thành một trung tâm phân phối lớn thời Phục Hưng. Qua 2.000 năm lịch sử, Thành phố đã có những thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Là đầu mối thương mại, trao đổi tiền tệ và giao thông, Lyon đã là thành phố có nhà băng đầu tiên ở Pháp. Ngoài những dòng chảy hàng hóa và vốn, Lyon còn đón nhận những dòng chảy khác của hàng hóa phi vật chất, của danh tiếng, dịch vụ, dấu hiệu của một khu vực đã mang tính quốc tế.

 

Cộng đồng đô thị Lyon phát triển (về khía cạnh kinh tế) cũng là kết quả của những hoạt động được tiến hành trong mối quan hệ mật thiết với các trường đại học và các viện nghiên cứu danh tiếng của Thành phố. Vị trí chiến lược của Thành phố cùng hệ thống giao thông không ngừng lớn mạnh cũng giải thích cho sự thu hút và tính năng động của nền kinh tế vùng.

 

Văn hóa:

Thành phố Lyon có một nền văn hóa lâu đời với khoảng 30 viện bảo tàng với các hoạt động sưu tập và triển lãm diễn ra thường xuyên góp phần vào đời sống văn hóa nghệ thuật sôi nổi của Thành phố; hệ thống 15 thư viện liên tục phát triển, một phòng truyền thông đặc biệt phục vụ cho sân khấu, đặc biệt Maison de Danse đang thu hút rất nhiều khách quốc tế, hiện là nơi duy nhất ở Pháp cung cấp các điệu nhảy có từ khắp thế giới, từ cổ điển đến hiện đại.

 

Nhà hát Théâtre des Célestins là nhà hát duy nhất ở Pháp (cùng với Comédie – Francaise và Nhà hát L’Odéon) hơn hai thế kỷ nay diễn bi kịch. Hai dàn nhạc cổ điển, Orchestre de l’Opéra de Lyon, l’Orchestre National de Lyon à l’Auditorium danh tiếng cũng ở tại đây. Ngoài ra, còn có Les Subsistances, phòng dành cho hoạt động sáng tạo và thể nghiệm các loại hình ngôn ngữ khác của nghệ thuật biểu diễn: khiêu vũ, kịch và các loại hình xiếc mới.

26.3.07_Celestin-Lyon

 Nhà hát Célestins

 

Lịch sử:

 

26.3.07_Odeum-Lyon

Odeum - Lyon

 

Lịch sử của Lyon bắt đầu từ thời La Mã thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Lyon được coi là thủ phủ của 3 xứ Gaules (ngày nay là nước Pháp, Bỉ, và một phần Bắc Ý) có quy chế chính trị, kinh tế, quân sự và tôn giáo. Song việc này chỉ kéo dài 3 thế kỷ cho đến khi đế chế La Mã suy tàn. Trong một giai đoạn dài, những thay đổi đã làm suy yếu Thành phố cho đến khi nhà thờ mang lại cho nó sức sống mới vào thế kỷ XI.

 

Thời Phục Hưng: Sự thịnh vượng của Thành phố không ngừng lớn mạnh và đạt đến cực thịnh vào thời Phục Hưng. Từ cuối thế kỷ XV, sự ra đời của những hội chợ lớn và những nhà băng đã thu hút về Lyon những nhà buôn đến từ khắp châu Âu, sau đó là giới thượng lưu, trí thức và văn nghệ sĩ.

 

Sự bành trướng này biến mất vào thế kỷ XVII và XVIII. Cùng lúc đó, hàng tơ lụa Lyon được thế giới biết đến. Thành phố phát triển về mặt địa lý và xuất hiện các bệnh viện, quảng trường và các tòa nhà đẹp.

 

Cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 đã đánh dấu một sự chững lại, nhưng sau đó Hoàng đế Napoléon I lại tiếp tục chính sách bành trướng. Lyon trở thành một thành phố công nghiệp và dẫn đến đô thị hóa. Nếu các cuộc nổi dậy của công nhân ngành tơ lụa làm đen tối thời kỳ này thì sự phát triển mạnh mẽ của Thành phố lại không thể chối cãi. Và điều đó đã cùng với Lyon bước vào thế kỷ XX.

 

Đô thị hóa không ngừng lớn mạnh đã thay đổi bộ mặt của Lyon. Sự phát triển của giao thông, cơ sở hạ tầng, văn hóa vào những năm 1960 đã cho ra đời khu phố Part - Dieu. Một thay đổi lớn nữa diễn ra vào những năm 1980: nâng cấp cấu trúc hạ tầng của trung tâm. Những công trình đô thị lớn được đưa vào chiến lược phát triển song song với chính sách bảo tồn các di sản. Trong vòng mười năm, Lyon đã trở thành một trung tâm hòa hợp những thành tựu của quá khứ và những phát triển của tương lai. Hai mặt khác nhau này trong quá trình phát triển của Lyon được ghi khắc lại trên những di sản đồ sộ và bộ mặt đô thị hiện tại của Thành phố.

 

26.3.07_Dothihoa-Lyon

 

Du lịch:

2.000 năm lịch sử đã để lại những dấu ấn liên tục lên thành phố Lyon. Những di sản văn hóa giàu có phản ánh từng thời kỳ khác nhau của lịch sử: trên 500 ha diện tích, du khách có thể khám phá toàn bộ lịch sử của Thành phố không bị gián đoạn từ thời mới thành lập cho đến sau này. Lyon đã ghi tên vào Di sản thế giới của nhân loại.

 

26.3.07_Dulich-Lyon

Kiến trúc cổ Lyon

 

Hoạt động hợp tác:

 

Văn kiện ký kết:

* Thỏa thuận Quan hệ Hợp tác Hữu nghị ký ngày 17-1-1997 giữa Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải và Phó Thị trưởng thành phố Lyon Christian Phillip.

 

* Bản Ghi nhớ các lĩnh vực hợp tác ưu tiên ký ngày 27-9-2004 giữa Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua và Phó Thị trưởng thành phố Lyon Gilles Buna.

Nội dung: Xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên gồm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản lịch sử; quy hoạch và phát triển đô thị, giao thông đô thị và xác định chi tiết các dự án hợp tác sẽ triển khai.

 

* Thỏa thuận về các Lĩnh vực hợp tác ưu tiên ký ngày 13-6-2005 giữa Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải và Thị trưởng thành phố Lyon Gérard Collomb.

Nội dung: Nâng cấp chính thức Bản Ghi nhớ các lĩnh vực hợp tác ưu tiên thành Thỏa thuận về các Lĩnh vực hợp tác ưu tiên.

 

Các đoàn trao đổi:

+ Đoàn TPHCM sang Lyon:

Đoàn cán bộ lãnh đạo một số Sở của TPHCM sang Lyon tham dự hội thảo "Hợp tác phi tập trung trong lĩnh vực giao thông đô thị" từ ngày 5 đến 7-7-2006.

 

+ Đoàn TP Lyon sang TPHCM:

- Đoàn do Phó Thị trưởng Lyon kiêm Phó Chủ tịch Cộng đồng Đô thị Lyon, Chủ tịch Viện Quy hoạch Lyon sang TPHCM trao đổi về vấn đề hợp tác từ ngày 19-7 đến 23-7-2006.

- Đoàn do Phó Thị trưởng Lyon Gilles Buna dẫn đầu sang TPHCM nhân "Những ngày Rhône - Alpes tại TPHCM" từ ngày 7 đến 10-3-2007.

 

 

Dự án hợp tác:

+ Quy hoạch đô thị và chiếu sáng công cộng:

Dự án Quy hoạch tổng thể phường Bình Trưng Đông, Thủ Thiêm (VNM003) giữa Viện Quy hoạch TPHCM, Viện Quy hoạch Lyon và tỉnh Namur - Bỉ: Dự án mở rộng đô thị và phát triển bền vững. Dự án đã kết thúc về mặt chuyên môn với cuộc hội thảo ngày 29 đến 30-10-2002.

 

Dự án Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm: Hợp tác với Viện Quy hoạch Lyon trong giai đoạn tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch tổng mặt bằng khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm cũng như trong giai đoạn thiết kế quy hoạch chi tiết.

 

Chương trình ETAP: Nghiên cứu một số nội dung thuộc lĩnh vực giao thông công cộng giữa Sở Giao thông Công chánh, ADEME, Viện Nghiên cứu kinh tế về giao thông vận tải của thành phố Lyon

 

Công trình chiếu sáng trụ sở UBND TPHCM: Công trình đã được thi công hoàn chỉnh và khánh thành vào tháng 9-2004. Thành phố Lyon đã cử các chuyên gia kỹ thuật tham gia tư vấn cho dự án và hỗ trợ chuyên môn cho công trình.

 

+ Y tế:

Chương trình hợp tác giữa Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ y tế - Sở Y tế TPHCM và các trường đại học của Lyon để trao đổi sinh viên thực tập.

Từ những năm 1990, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ y tế đã có mối quan hệ  trao đổi sinh viên đến thực tập tại trung tâm và giới thiệu đến các bệnh viện của thành phố. Mối quan hệ này càng ngày càng được củng cố, mở rộng trong lĩnh vực giảng dạy đào tạo và trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật y khoa.

 

+ Giáo dục đào tạo:

Đào tạo Kỹ sư Phát triển: Giữa Trường Cao đẳng Bán công Công nghệ và Quản trị Doanh nghiệp (trực thuộc Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Khu Chế xuất TPHCM-HEPZA) và Viện Quốc gia về Khoa học Ứng dụng của Pháp-INSA (Lyon): Đã ký bản Ghi nhớ Hợp tác tháng 1-2001.

 

Hợp tác giữa trường Trung học Công nghiệp TPHCM và trường La Martinière Terreaux – Lyon: Dự án Đào tạo ngành Kỹ thuật thương mại và Lạnh công nghiệp.

 

(Nguồn: http://www.lyon.fr)

(Y.T., Phương Linh, Sở Ngoại vụ TPHCM, cập nhật ngày 26-3-2007)

 

Created by thanhdm
Last modified 28-03-2007