Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)
Bản đồ Quảng Đông
Vị trí của tỉnh Quảng Đông ở Trung Quốc
a. THÔNG TIN CƠ BẢN:
Dân số: Tổng dân số thường trú của tỉnh Quảng Đông có trên 90 triệu người, trong đó bao gồm Hoa kiều có quê quán Quảng Đông, người Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan gần 30 triệu. Quảng Đông là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc khác nhau, trong đó người Hán có hơn 81 triệu người, chiếm 98,5% tổng dân số toàn tỉnh, dân tộc thiểu số có 1,27 triệu người gồm Dao, Choang, Hồi, Xá ….
Diện tích: Tổng diện tích tỉnh Quảng Đông là 180.000 km2, chiếm 1,87% diện tích lục địa cả Trung Quốc. Đường bờ biển gấp khúc, dài hơn 4.300 km.
Vị trí địa lý: Tỉnh Quảng Đông, tên tắt là Việt, gồm 21 thành phố trực thuộc, nằm ở phần Nam đại lục Trung Quốc, phía đông giáp tỉnh Phúc Kiến, bắc giáp tỉnh Giang Tây, Hồ Nam, tây kề khu Quảng Tây, nam trông ra biển Đông, trong vùng châu thổ Chu Giang nối liền với hai khu hành chính đặc biệt Hồng Kông, Ma Cao, phần tây nam là bán đảo Lôi Châu cách tỉnh Hải Nam qua eo biển Quỳnh Châu.
Tỉnh Quảng Đông phân thành 21 thành phố cấp khu vực trực thuộc bao gồm Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Phật Sơn, Thiều Quan, Hà Nguyên, Mai Châu, Huệ Châu, Sán Vĩ, Đông Quản, Trung Sơn, Giang Môn, Dương Giang, Trạm Giang, Mậu Danh, Triệu Khánh, Thanh Viễn, Triều Châu, Yết Dương, Vân Phù.
Trên đường phố Thâm Quyến
Thủ phủ: Thành phố Quảng Châu
Thành phố Quảng Châu với sông Châu Giang về đêm
Khí hậu: Khí hậu mang tính chất cận nhiệt đới, gió mùa ẩm ướt. Địa hình cao về hướng bắc, thấp về phía nam, có những dãy núi nổi tiếng như Nam Lĩnh, La Phù, Cửu Liên Sơn, phía nam là đồng bằng châu thổ Châu Giang.
Tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Islam, Công giáo…
Lịch sử:
Trong lịch sử, vùng Quảng Đông là nơi cư trú của cư dân Bách Việt. Nhà Tần (221– 206 trước Công nguyên) thống nhất Trung Quốc, đặt nơi đây thành quận Nam Hải, Hợp Phố, bắt đầu mở ra con đường lưu thông xuyên suốt từ bắc xuống nam, đẩy mạnh giao lưu buôn bán.
Thời Đường (618 – 907) đặt đạo Lĩnh Nam, thời Tống (960 – 1279) đặt Quảng Nam Đông Lộ, thời Nguyên (1279 – 1368) đặt Giang Tây Hành Trung Thư Tỉnh.
Tên tỉnh Quảng Đông bắt đầu có từ thời Minh, Thanh (1368 – 1911). Thời kỳ này, kinh tế Quảng Đông phát triển mạnh mẽ, đây là nơi diễn ra hoạt động ngoại thương sôi nổi nhất cả nước. Thời Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc (1403 – 1425), Trịnh Hòa bảy lần dẫn đoàn thuyền xuất dương xuống phía nam, sang cả Châu Phi, thúc đẩy giao lưu buôn bán giữa Trung Quốc, đặc biệt là Quảng Đông với các nước. Sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất (1840 – 1842), do sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân, kinh tế Quảng Đông bị bọn tư bản thực dân mại bản lũng đoạn. Ma Cao là nhượng địa cho Bồ Đào Nha, Hồng Kông thành nhượng địa cho Anh và Quảng Châu Loan thành nhượng địa cho Pháp. Vào thế kỷ XIX, Quảng Đông cũng là cảng chính cho làn sóng người lao động Trung Quốc ra đi đến các nước Đông Nam Á, miền Tây Hoa Kỳ và
Trong thời kỳ những năm 50, phong trào Thái Bình thiên quốc nổ ra ở Quảng Đông. Đây cũng là trung tâm của các phong trào chống Mãn Châu thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong đó phải kể đến tên tuổi của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn.
Chân dung Tôn Trung Sơn
Chính trị:
i. Cơ cấu tổ chức của chính quyền tỉnh:
Theo hệ thống cơ cấu tổ chức của chính quyền trung ương Trung Quốc.
ii. Lãnh đạo tỉnh:
Bí thư tỉnh ủy: Uông Dương
Chủ tịch tỉnh: Hoàng Hoa Hoa
Kinh tế:
i. Vai trò của Quảng Đông với sự tăng trưởng của Trung Quốc:
Quảng Đông là địa phương đi đầu trong công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Tổng giá trị sản phẩm toàn tỉnh hàng năm thuộc hàng đầu Trung Quốc. Sau 30 năm cải cách và mở cửa, Quảng Đông đã có những biến đổi hết sức to lớn, không ngừng giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Tốc độ tăng trưởng của tỉnh hàng năm bình quân đạt 13,7%. Năm 2007, tổng giá trị sản phẩm của tỉnh đạt 3060,6 tỷ RMB, tăng 14,5% so với năm trước, chiếm 1/8 GDP cả nước. Ngân sách tài chính nguồn từ Quảng Đông đạt 775 tỷ RMB, chiếm 1/7 cả nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 634 tỷ USD, chiếm 1/3 cả nước.
ii. Các lĩnh vực là thế mạnh:
Tổng diện tích đất trồng nông nghiệp của Quảng Đông là 4,34 triệu hecta, đất rừng 11 triệu hecta. Tài nguyên nước phong phú. Quảng Đông còn là quê hương của kim loại, kim loại màu, toàn tỉnh có trữ lượng khoảng 88 loại, trong đó có cao lanh, đất dính, thạch anh, Gedi, Telu có trữ lượng hàng đầu cả nước, bạc, chì, bitmut, uranium, khoáng chất monadit, phốt pho, yteri, cát pha lê, vỉa đá có chứa dầu, đá xanh có trữ lượng lớn thứ hai trong cả nước.
Động thực vật phong phú, thuộc chủng loại bảo vệ cấp 1 quốc gia có ngân sam, dẻ ngựa, thuộc chủng loại bảo vệ cấp 2 có 24 loại như bạch đậu sam, thủy sam, vải rừng. Chuối, vải, nhãn, thơm nổi tiếng Lĩnh Nam, có giá trị kinh tế cao. Động vật bảo vệ cấp 1 quốc gia có 22 loài như hổ Hoa Nam, báo mây, khỉ chó, cá heo Trung Hoa, khỉ mặt gấu.
Tài nguyên biển đa dạng, sản phẩm đánh bắt xa bờ và nuôi trồng hải sản ven bờ mỗi năm đạt hơn 3,8 triệu tấn; bán đảo Lôi Châu còn là cơ sở nuôi ngọc trai lớn của cả nước.
iii. Giao thông vận tải:
Hệ thống giao thông tỉnh Quảng Đông hoàn thiện, phát triển với đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Tuyến vận chuyển đường sông dài trên 10.000 km, xếp thứ hai trong cả nước, đứng sau tỉnh Giang Tô. Đường biển tỉnh Quảng Đông phát đạt, có hơn 100 cảng biển lớn như Hoàng Phố, Trạm Giang, Sán Đầu, Sán Vỹ, Xích Loan, Xà Khẩu, Diêm Điền, Áo Đầu, Thủy Đông, Tân Sa… Các tuyến đường sắt Bắc Nam có Kinh – Quảng, Quảng – Cửu… Đường bộ toàn tỉnh dài hơn 91.800 km, trong đó có 12 tuyến quốc lộ như Bắc Kinh – Quảng Châu, Bắc Kinh – Thâm Quyến, Trùng Khánh – Trạm Giang… Đường cao tốc trong tỉnh có tuyến Quảng Châu – Thâm Quyến – Chu Hải, Quảng Châu – Phật Sơn – Khai Bình. Bạch Vân ở Quảng Châu, Hoàng Điền ở Thâm Quyến là hai sân bay quốc tế của tỉnh với nhiều chuyến bay nối các thành phố trong cả nước và nước ngoài.
Sân bay Quảng Châu
Văn hóa – Du lịch:
Quảng Đông là nơi non xanh nước biếc, bốn mùa hoa nở, có nhiều phong cảnh đẹp, cũng là cái nôi của phong trào cách mạng Trung Quốc. Hiện tỉnh có 16 di tích trọng điểm cấp quốc gia, trong đó có 11 di tích cách mạng.
Các danh thắng nổi tiếng có núi đỏ ở Thiều Quan, núi Đạo giáo La Phù, vực Phi Lai ở Thanh Viễn, Tây Hồ ở Huệ Châu, Tinh Hồ ở Triệu Khánh, suối nước nóng Tùng Hóa, Hoàng Hoa Cương, nhà kỷ niệm Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu… Núi đỏ được công nhận là công viên địa chất thế giới, nằm ở phía nam huyện Nhân Hóa, thành phố Thanh Viễn, có hình dáng phong phú, tập trung nhiều cảnh quan xinh đẹp. Diện tích công viên địa chất núi đỏ khoảng 290 km2, khu bảo tồn bên ngoài khoảng 400 km2.
Núi đỏ ở Thiều Quan
Hoàng Hoa Cương
Website chính thức:
B. HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC:
Văn kiện ký kết:
Nhân chuyến thăm TPHCM của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Đông do ông Uông Dương - Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông, dẫn đầu, Biên bản ghi nhớ về tăng cường quan hệ hợp tác giữa TPHCM, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã được lãnh đạo chính quyền hai bên ký kết ngày 10-9-2008 với sự chứng kiến của Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông Uông Dương. Trong Biên bản ghi nhớ, hai bên nhất trí việc thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác giữa TPHCM và Quảng Đông dựa trên những nguyên tắc chính “Bình đẳng và cùng có lợi; Tích cực và có hiệu quả; Bổ sung thế mạnh giữa hai bên”. Giai đoạn trước mắt từ 2 đến 3 năm, hai bên sẽ tập trung hợp tác trên bốn lĩnh vực tiềm năng và khả thi nhất, bao gồm thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch.
Hoạt động giao lưu:
Cùng với đà phát triển chung tốt đẹp của quan hệ hai nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã có những bước tiến triển mới. Tiềm năng hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam như TPHCM với tỉnh Quảng Đông mang tính bổ sung cao cho nhau. Hai bên đã và đang phát huy, khai thác thế mạnh của nhau trong hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư nhằm đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ yêu cầu phát triển của mỗi bên. Quảng Đông là nơi có quan hệ buôn bán nhộn nhịp nhất với Việt Nam. Hiện kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam và Quảng Đông chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch thương mại giữa hai nước. Năm 2007, kim ngạch song phương đạt 2,5 tỷ USD chiếm 1/6 kim ngạch mậu dịch hai nước. Trong 3 năm tới, hai bên cố gắng đưa kim ngạch mậu dịch giữa Việt Nam – Quảng Đông đạt 5 tỷ USD.
(V. Hải, Phòng Kinh tế Chính trị Đối ngoại – Sở Ngoại vụ TPHCM ngày 31-12-2008)
Các tin liên quan:
- Thành phố Vladivostok (Liên bang Nga) (06-07-2009)
- Thành phố Minsk (Cộng hòa Belarus) (25-05-2009)
- Thành phố Yokohama (Nhật Bản) (25-05-2009)
- Tỉnh Hyogo (Nhật Bản) (03-10-2008)
- Thành phố Busan (Hàn Quốc) (01-08-2008)
- Thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga) (23-06-2008)
- Thành phố Thượng Hải (CHND Trung Hoa) (30-10-2007)
- Thành phố Geneva (Liên bang Thụy Sĩ) (11-07-2007)
- Tỉnh Champasak (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) (18-04-2007)
- Thủ đô Viêng Chăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) (18-04-2007)
Cập nhật 13-01-2009