Thông tin về tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)
Bản đồ tỉnh Quảng Đông
Địa lý:
Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), tên tắt là Việt, gồm 21 thành phố trực thuộc, vị trí ở Nam Trung Quốc, phía đông giáp tỉnh Phúc Kiến, bắc giáp các tỉnh Giang Tây, Hồ Nam, tây kề khu Quảng Tây, nam trông ra biển Đông, trong vùng châu thổ Chu Giang nối liền với hai khu hành chính đặc biệt Hồng Kông, Ma Cao, phía tây nam là bán đảo Lôi Châu cách tỉnh Hải Nam qua eo biển Quỳnh Châu.
Tổng diện tích tỉnh Quảng Đông là 180.000 km2, chiếm 1,87% diện tích cả Trung Quốc. Đường bờ biển gấp khúc, dài hơn 4.300 km. Khí hậu mang tính chất cận nhiệt đới, gió mùa ẩm ướt. Địa hình cao về hướng bắc, thấp về phía nam, có những dãy núi nổi tiếng như Nam Lĩnh, La Phù, Cửu Liên Sơn, phía nam là đồng bằng châu thổ Chu Giang.
Tỉnh Quảng Đông có 21 thành phố trực thuộc là: Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Phật Sơn, Thiều Quan, Hà Nguyên, Mai Châu, Huệ Châu, Sán Vĩ, Đông Quản, Trung Sơn, Giang Môn, Dương Giang, Trạm Giang, Mậu Danh, Triệu Khánh, Thanh Viễn, Triều Châu, Yết Dương, Vân Phù.
Quang cảnh Quảng Đông
Năm 2004, dân số của tỉnh Quảng Đông là 83,04 triệu người. Quảng Đông là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc khác nhau, trong đó người Hán có hơn 81 triệu người, chiếm 98,5% tổng dân số toàn tỉnh, dân tộc thiểu số có 1,27 triệu người gồm Dao, Choang, Hồi, Xá… Tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Islam, Công giáo.
Lịch sử:
Trong lịch sử, vùng Quảng Đông là nơi cư trú của cư dân Bách Việt. Nhà Tần (221 – 206 trước Công nguyên) thống nhất Trung Quốc, đặt nơi đây thành quận Nam Hải, Hợp Phố, mở ra con đường lưu thông từ bắc xuống nam, đẩy mạnh giao lưu buôn bán. Thời Đường (618 – 907) đặt là đạo Lĩnh Nam. Thời Tống (960 – 1279) đặt là Quảng Nam Đông Lộ. Thời Nguyên (1279 – 1368) đặt là Giang Tây Hành Trung Thư Tỉnh.
Tên tỉnh Quảng Đông bắt đầu có từ thời Minh, Thanh (1368 – 1911). Thời kỳ này kinh tế Quảng Đông phát triển mạnh mẽ và là nơi diễn ra hoạt động ngoại thương sôi nổi nhất cả nước. Thời Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc (1403 – 1425), Trịnh Hòa (một vị quan trong triều đình và là nhà hàng hải nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc) đã bảy lần dẫn đoàn thuyền vượt biển xuống phía nam, sang cả Châu Phi, thúc đẩy giao lưu buôn bán giữa Trung Quốc, trong đó đặc biệt là tỉnh Quảng Đông với nhiều nước. Sau Chiến tranh Nha phiến lần nhất (1840 – 1842), kinh tế Quảng Đông bị thực dân, tư bản chi phối.
Quảng Đông có nhiều phong cảnh đẹp, cũng là cái nôi của phong trào cách mạng Trung Quốc. Hiện tỉnh có 16 di tích trọng điểm cấp quốc gia, trong đó có 11 di tích cách mạng. Các danh thắng nổi tiếng có núi đỏ ở Thiều Quan, núi Đạo giáo La Phù, vực Phi Lai ở Thanh Viễn, Tây Hồ ở Huệ Châu, Tinh Hồ ở Triệu Khánh, suối nước nóng Tùng Hóa, Hoàng Hoa Cương, nhà kỷ niệm Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu…
Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương
Kinh tế:
Quảng Đông là địa phương đi đầu trong công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Tổng giá trị sản phẩm toàn tỉnh hàng năm thuộc hàng đầu cả nước. Năm 2004, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh đạt 357,13 tỷ USD, tăng 25,3% so với năm trước. Tổng giá trị sản phẩm toàn tỉnh năm 2004 đạt 1.603,95 tỷ nhân dân tệ. Tổng giá trị sản lượng nông nghiệp toàn tỉnh năm 2004 đạt 218,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 5,2% so với năm trước; tổng giá trị sản lượng công nghiệp năm 2004 đạt 801,16 tỷ nhân dân tệ, tăng 20%.
Năm 2004, lượng du khách và thu nhập từ du lịch của tỉnh Quảng Đông đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Lượng khách nhập cảnh qua cửa khẩu toàn tỉnh trong năm đạt 87,41 triệu lượt người, tăng 25% so với năm trước, trong đó khách nước ngoài là 4,57 triệu lượt người, tăng 59,9%; khách từ Hồng Kông là 60,02 triệu lượt người, tăng 25,7%; khách từ Ma Cao là 20,86 triệu lượt người, tăng 16,4%; khách từ vùng lãnh thổ Đài Loan là 1,955 triệu lượt người, tăng 40,7%. Tổng thu nhập du lịch quốc tế toàn tỉnh đạt 5,38 tỷ USD, tăng 26,1%; tổng thu nhập du lịch trong nước đạt 121,91 tỷ nhân dân tệ, tăng 23,7%.
Tổng diện tích đất trồng nông nghiệp của Quảng Đông là 4,34 triệu hécta, đất rừng là 11 triệu hécta. Thực vật đa dạng, thuộc chủng loại quý hiếm được xếp vào mức bảo vệ cấp 1 quốc gia có ngân sam, dẻ ngựa, thuộc chủng loại bảo vệ cấp 2 có 24 loại như bạch đậu sam, thủy sam, vải rừng… Cây ăn trái nổi tiếng như chuối, vải, nhãn, thơm Lĩnh Nam có giá trị kinh tế cao. Động vật quý hiếm, được xếp loại bảo vệ cấp 1 quốc gia có 22 loài như hổ Hoa Nam, báo mây, khỉ chó, cá heo Trung Hoa, khỉ mặt gấu…
Tài nguyên khoáng sản phong phú, khoảng 88 loại. Cao lanh, đất dính, thạch anh, gedi, telu có trữ lượng hàng đầu Trung Quốc; bạc, chì, bitmut, uranium, khoáng chất monadit, phốt pho, yteri, cát pha lê, vỉa đá có chứa dầu, đá xanh có trữ lượng lớn thứ hai cả nước.
Tài nguyên biển dồi dào, sản lượng đánh bắt xa bờ và nuôi trồng hải sản ven bờ mỗi năm đạt hơn 3,8 triệu tấn. Bán đảo Lôi Châu là cơ sở nuôi ngọc trai lớn của cả nước.
Đường cao tốc ở Quảng Đông
Hệ thống giao thông toàn tỉnh hoàn thiện và phát triển với đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Tuyến vận chuyển đường sông dài trên 10.000 km, xếp thứ hai trong cả nước, chỉ đứng sau tỉnh Giang Tô. Đường biển có hơn 100 cảng lớn như Hoàng Phố, Trạm Giang, Sán Đầu, Sán Vỹ, Xích Loan, Xà Khẩu, Diêm Điền, Áo Đầu, Thủy Đông, Tân Sa… Các tuyến đường sắt bắc nam có Kinh – Quảng, Quảng – Cửu… Đường bộ toàn tỉnh dài hơn 91.800 km, trong đó có 12 tuyến quốc lộ như Bắc Kinh – Quảng Châu, Bắc Kinh – Thâm Quyến, Trùng Khánh – Trạm Giang… Đường cao tốc trong tỉnh có tuyến Quảng Châu – Thâm Quyến – Chu Hải, Quảng Châu – Phật Sơn – Khai Bình. Hai sân bay quốc tế của tỉnh là Bạch Vân ở Quảng Châu, Hoàng Điền ở Thâm Quyến có nhiều chuyến bay tuyến trong nước và nước ngoài.
(V.H., Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 31-7-2006)
Related news:
- TPHCM và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị (20-11-2009)
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) (12-09-2008)
- Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tiếp Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) (12-09-2008)
- Đoàn đại biểu Chính hiệp TP Quảng Châu thăm và làm việc tại TPHCM (20-09-2006)
- Một số thành phố của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) (03-08-2006)
- Đoàn đại biểu Sở Ngoại vụ TPHCM tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (02-08-2006)
- Thành phố Trạm Giang (Quảng Đông, Trung Quốc) - một cầu nối quan trọng giữa Trung Quốc và khu vực ASEAN (02-08-2006)
- Đoàn đại biểu Sở Ngoại vụ TPHCM thăm tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (28-07-2006)
- Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) (24-07-2006)
Last modified 02-08-2006