Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Thông tin cơ bản về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào


Quốc kỳ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

 

Bản đồ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

 

  • Vị trí địa lý: Nằm trong khu vực Đông Nam Á, tại trung tâm bán đảo Đông Dương; phía bắc giáp Trung Quốc, tây bắc giáp Myanmar, tây nam giáp Thái Lan, phía nam giáp Campuchia và phía đông giáp Việt Nam. Lào là quốc gia không có biển.
  • Diện tích: 236.800 km2 (3/4 là núi và cao nguyên, được chia thành 16 tỉnh, 1 thành phố và một đặc khu).
  • Thủ đô: Viêng Chăn (Vientiane).
  • Khí hậu: Lào có khí hậu lục địa, chia làm hai mùa: mùa khô (từ tháng 11đến tháng 6) và mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 11).
  • Dân số: 5,218 triệu người. Lào có 68 bộ tộc chia làm 3 hệ chính là Lào Lùm (Lào Loum) chiếm 65% dân số, Lào Thâng (Lào Theung) chiếm 22% và Lào Xủng (Lào Soung) chiếm 13% dân số.
  • Tôn giáo: Đạo Phật chiếm 85% dân số.
  • Ngôn ngữ: Tiếng Lào.
  • Đơn vị tiền tệ: Đồng Kíp (Kip).
  • Ngày quốc khánh: 2-12-1975.

Lịch sử:

Vào năm 1353, Vua Phà Ngừm (Fa Ngum) thống nhất các tiểu vương quốc thành Vương quốc Lạn Xạng (Lan Xang – có nghĩa là Triệu Voi).  Đây là thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Lào. Sau đó, do mâu thuẫn trong Hoàng gia mà Lạn Xạng bị chia thành 2 Vương quốc (1707) và sau là 3 Vương quốc (1713) là Luông Phabăng (Luong Prabang), Viêng Chăn (Vientiane) Chămpaxắc (Champasak). Từ đó đến năm 1893, Lào bị lệ thuộc vào Xiêm (Siam). Từ năm 1893 đến 1945 Lào thuộc địa của Pháp. Ngày 12-10-1945, nhân dân Lào, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Lào Itxala (Itsala), đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền và tuyên bố độc lập. Nhưng sau đó lại bị Pháp xâm lược trở lại. Năm 1955, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ra đời, tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhân dân Lào tiến hành kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày 2-12-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào, nhân dân Lào lật đổ chế độ Quân chủ lập hiến. Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời.

Tình hình kinh tế:

Là nước nằm sâu trong lục địa, không có đường thông ra biển, đất đai chủ yếu là đồi núi và cao nguyên (chiếm ¾ diện tích), Lào có nhiều tài nguyên thiên nhiên với các mỏ khoáng sản như thiếc, sắt, than, kẽm, lưu huỳnh và đá sapphire. Diện tích rừng bao phủ khoảng 47% diện tích mặt đất với nhiều loại cây gỗ có giá trị kinh tế cao, các loại mây tre, các loại cây thuốc… Trong các cánh rừng của Lào còn tồn tại nhiều loài động vật phong phú như voi, hổ, gấu, nai…

Tổng GDP của Lào là 11,92 tỷ đô la Mỹ; thu nhập GDP tính theo đầu người là 356 đô la Mỹ/năm (số liệu 2005). Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế trọng yếu, tạo ra khoảng một nửa tổng GDP và thu hút 85% dân số làm việc trong lĩnh vực này. Ngành tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 92,98% tổng đầu tư quốc gia. Hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ, điện, sản phẩm rừng và hàng nhập khẩu chính là đồ tiêu dùng, các thiết bị máy móc…

Trong những năm gần đây, kinh tế Lào có nhiều tiến bộ. Sản xuất lương thực tăng rõ rệt từ 1,6 triệu tấn năm 1986 lên 2,6 triệu tấn năm 2005, đưa Lào vào hàng các nước tự túc lương thực, có dự trữ quốc gia và xuất khẩu. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Lào năm sau tăng nhanh hơn năm trước, từ khoảng 6% năm 2000 lên 7,2% năm 2005. Đến năm 2005, Lào có quan hệ thương mại với 50 nước và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại với 19 nước, hưởng quy chế Chương trình ưu đãi tổng quát (GSP) của 35 nước. Đất nước Lào đang trong giai đoạn đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các bộ tộc Lào từng bước được cải thiện.

Chính trị:

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là Đảng cầm quyền, không có Đảng đối lập. Đảng NDCM Lào được thành lập ngày 22-3-1955, là người khởi xướng, tổ chức lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Lào, được nhân dân Lào tin yêu và ủng hộ. Đường lối đổi mới hình thành từ Đại hội lần thứ V của Đảng NDCM Lào (1991), được hoàn thiện tại Đại hội lần thứ VI (1996). Đại hội lần thứ VII của Đảng triển khai đường lối đó thành chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020 nhằm mục tiêu đưa nước Lào thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quốc hội do dân bầu, quốc hội gồm 115 thành viên với nhiệm kỳ 5 năm. Người đứng đầu nhà nước là Chủ tịch nước, do Quốc hội bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng, do Chủ tịch nước chỉ định và được Quốc hội thông qua. 

Chính sách đối ngoại:

Đại hội Đảng VII (3-2001) nêu chủ trương kiên định đường lối đối ngoại độc lập, hữu nghị và hợp tác; chính sách hợp tác đa phương, đa dạng; tăng cường hợp tác mọi mặt với các nước bạn chiến lược XHCN trong đó nhấn mạnh: thắt chặt truyền thống đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Việt Nam; quan hệ hợp tác toàn diện với Trung Quốc; mở rộng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng; tích cực tham gia hoạt động trong hiệp hội các nước ASEAN, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế. Hiện nay Lào có quan hệ ngoại giao với 107 nước, có quan hệ thương mại với 40 nước.

Thời gian gần đây, Lào đã có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động quốc tế và khu vực như tổ chức thành công nhiều Hội nghị quốc tế như Hội nghị Bộ trưởng khu vực sông Mekong - sông Hằng về hợp tác du lịch (10-11-2000), Hội nghị bàn tròn về tài trợ cho Lào lần thứ 7 (21-11-2000), Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN - EU (11-12-2000)... Quốc hội Lào đã phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hiệp ước cấm sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí giết người hàng loạt.

Tháng 7-1997, Lào đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Lào đã tổ chức thành công nhiều hội nghị của ASEAN tại Viêng Chăn (Hội nghị Bộ trưởng Y tế, Lao động...) 

Nguồn: Báo Nhân dân (số 18575, ngày 19-6-2006)

Các nước trên thế giới (Bộ Ngoại giao, 2000)

http://www.laoembassy.com/; http://en.wikipedia.org/wiki/Laos

http://www.mofa.gov.vn/

 

(Tổng hợp: T.Trinh, Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, ngày 21-6-2006)

 

Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 27-06-2006