Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Vài suy nghĩ về việc nâng cao hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài tại TPHCM

Trong thời gian từ năm 1993 đến năm 2008, TPHCM tiếp nhận nguồn viện trợ từ các tổ chức PCPNN tổng cộng là 108,654,948 USD, riêng năm 2008, Thành phố tiếp nhận 15,061,296 USD gồm viện trợ dự án và các khoản viện trợ phi dự án, trong đó có sự đóng góp của các cơ quan ngoại giao như các Tổng Lãnh sự quán, các cơ quan hợp tác phát triển

Nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đã đến với Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt từ sau năm 1965, nhân dân Việt Nam đã tiếp nhận nguồn viện trợ, hàng cứu  trợ cho cả hai miền Nam Bắc từ các nước bạn bè, từ một số tổ chức PCPNN. Sau giải phóng miền Nam năm 1975, hàng ngàn tổ chức PCPNN đã đến Việt Nam giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, viện trợ nhân đạo và phát triển.

 

Tại TPHCM, cùng với quá trình phát triển của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM (Liên hiệp), các tổ chức PCPNN đã và cùng đồng hành với Liên hiệp trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội, hỗ trợ người nghèo.

 

Từ những năm 1990, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM (Liên hiệp) đã thực hiện chức năng làm đầu mối vận động các tổ chức hữu nghị, các tổ chức PCPNN, các tổ chức và cá nhân người nước ngoài viện trợ nhân đạo và phát triển cho Thành phố. Trải qua gần hai thập kỷ, quan hệ hợp tác giữa TPHCM với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có những bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, sự gia tăng về số lượng tổ chức PCPNN, các lĩnh vực hợp tác cùng với giá trị và hiệu quả viện trợ liên tục tăng hàng năm.

 

Đến nay, Việt Nam có quan hệ với khoảng hơn 700 tổ chức PCPNN, trong đó có khoảng trên 550 tổ chức được cấp phép hoạt động ở Việt Nam, trong số đó tại TPHCM có 140 tổ chức PCPNN: khu vực Châu Âu có 51 tổ chức, Châu Á - Thái Bình Dương có 23 tổ chức, Châu Mỹ có 66 tổ chức (Mỹ và Canada). Tuy nhiên, số tổ chức PCPNN có dự án hoạt động tại TPHCM chiếm khoảng 50%, số tổ chức còn lại hoạt động ở các tỉnh hoặc chưa có dự án hoạt động.       

 

Trong thời gian từ năm 1993 đến năm 2008, TPHCM tiếp nhận nguồn viện trợ từ các tổ chức PCPNN tổng cộng là 108,654,948 USD, riêng năm 2008, Thành phố tiếp nhận 15,061,296 USD gồm viện trợ dự án và các khoản viện trợ phi dự án, trong đó có sự đóng góp của các cơ quan ngoại giao như các Tổng Lãnh sự quán, các cơ quan hợp tác phát triển; các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Thành phố tham gia tài trợ các dự án nhỏ, hoạt động từ thiện xã hội. Đa số các chương trình, dự án viện trợ PCPNN triển khai khắp các quận, huyện, tập trung vào một số lĩnh vực: xóa đói giảm nghèo, y tế, phòng chống HIV/AIDS, giáo dục, dạy nghề, phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường, các vấn đề xã hội như: giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, tín dụng cho người nghèo tăng thu nhập, cải thiện môi trường sống… Hoạt động của các tổ chức PCPNN còn góp phần tăng cường sự hiểu biết của quốc tế về Việt Nam, qua đó mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân và các đối tác của các nước với Việt Nam nói chung, với TPHCM nói riêng.

 

Trong nhiều năm qua, thực hiện chức năng làm cầu nối vận động nguồn viện trợ và quản lý hoạt động PCPNN, Liên hiệp tổ chức những cuộc gặp gỡ định kỳ với các tổ chức PCPNN, với các đối tác Việt Nam, với các cơ quan hữu quan để chia sẻ thông tin, hỗ trợ khảo sát, xây dựng, phê duyệt dự án, cấp, gia hạn giấy phép, visa cho các  tổ chức PCPNN. Sự phối hợp, hỗ trợ của Liên hiệp với các tổ chức đoàn thể, xã hội, các ban, ngành, quận, huyện ngày càng nhịp nhàng và đồng bộ hơn, góp phần giúp hoạt động PCPNN ngày càng đạt hiệu quả khả quan.

 

Liên hiệp xây dựng quan hệ tốt với các tổ chức PCPNN, đối tác Việt Nam thông qua các hoạt động như tư vấn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ hợp tác; củng cố và tăng cường quan hệ với các tổ chức PCPNN được cấp phép hoạt động ở TPHCM. Đối với tổ chức PCPNN mới chưa có dự án và đối tác Việt Nam, Liên hiệp thiết lập mối quan hệ, làm cầu nối. Đối với các tổ chức PCPNN, cá nhân người nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự phát triển, Liên hiệp phối hợp với các đối tác, đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tặng kỷ niệm chương, huy hiệu Thành phố, bằng khen của Ủy ban Nhân dân Thành phố.

 

Từ thực tế những hoạt động nêu trên, Liên hiệp đã góp phần tạo niềm tin giữa các tổ chức PCPNN, các đối tác Việt Nam, lãnh đạo Thành phố với cơ quan đầu mối, từ đó thực hiện nhiệm vụ vận động, quản lý hoạt động phi chính phủ trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả hơn.  

 

Tuy là Thành phố đông dân nhất trong cả nước, có trình độ phát triển cao về nhiều lĩnh vực, TPHCM có nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết trong  tiến trình xây dựng và phát triển. Thực hiện chính sách huy động mọi nguồn lực phục vụ cho công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển, lãnh đạo Thành phố luôn tạo thuận lợi để các cơ quan, đơn vị, tổ chức phi chính phủ trong nước có quan hệ đối tác hợp tác với các tổ chức PCPNN, tiếp nhận các nguồn viện trợ PCPNN.  

 

Tuy nhiên, hiệu quả đạt được trong quan hệ đối tác giữa các tổ chức Việt Nam với các tổ chức PCPNN còn hạn chế. Đa số các chương trình, dự án được thỏa thuận ký kết giữa các tổ chức PCPNN với các đơn vị đầu ngành của Thành phố (các tổ chức có uy tín, kinh nghiệm hợp tác quốc tế) như: Sở Y tế, Sở Lao động thương binh xã hội, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Thành phố, Hội Phụ nữ từ thiện, Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Thành phố… triển khai ở các địa phương, cơ sở. Hiện nay, một số lĩnh vực, địa phương chưa có quan hệ đối tác với các tổ chức PCPNN, nếu như không có sự hỗ trợ, tiếp sức từ các tổ chức hội đoàn, tổ chức xã hội cấp Thành phố. 

 

Qua thực tế cho thấy, nơi đâu có sự quan tâm của lãnh đạo, năng lực vững vàng của đơn vị, tổ chức, hội…, nơi đó sẽ thu hút được nhiều nguồn viện trợ PCPNN. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng internet, email, các tổ chức PCPNN hoặc các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân người  nước ngoài, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước có thể tự  tìm đến nhau, thiết lập quan hệ đối tác hỗ trợ các dự án hoặc có tổ chức giúp trực tiếp đối tượng thụ hưởng, dưới dạng cứu trợ, viện trợ nhỏ. Có đối tác xin phép tiếp nhận và báo cáo cho các cơ quan chức năng, có đối tác tiếp nhận nhưng không báo cáo. Ngoài ra còn có một số tổ chức, cá nhân người nước ngoài đi du lịch kết hợp thăm viếng, tặng quà, cấp học bổng cho học sinh nghèo, loại hoạt động này mang tính thời vụ.

 

Trong những năm gần đây, Nhà nước kiện toàn khung pháp lý và các văn bản pháp quy cho công tác vận động và quản lý hoạt động PCPNN, góp phần tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhân dân hoạt động xã hội, mở rộng hợp tác quốc tế. Tại TPHCM, Liên hiệp đã và đang tham gia vào quá trình vận động, quản lý hoạt động PCPNN, những đóng góp từ nguồn viện trợ phi chính phủ rất phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng, kết quả và ý nghĩa mà nó mang lại luôn mang đậm giá trị nhân văn.

 

Các chương trình, dự án của các tổ chức PCPNN đã và đang góp phần giải quyết một số vấn đề kinh tế - xã hội, tác động tích cực đến đời sống của người dân. Nội dung, chất lượng các dự án viện trợ phát triển có tăng, các chương trình, dự án phát triển chiếm tỉ trọng lớn, đặc biệt các dự án y tế, các dự án về HIV/AIDS có giá trị cao. Tuy nhiên nguồn viện trợ phân bố chưa đồng đều, còn một số địa phương, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn tiếp nhận nguồn viện trợ PCPNN còn rất khiêm tốn. Các dự án đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ dự án, người dân, phụ nữ đem lại hiệu quả thiết thực, giúp đối tác, địa phương, người dân tự vươn lên trong cuộc sống.

 

Ngày nay, các tổ chức PCPNN có vai trò quan trọng trong cộng đồng quốc tế, tham gia nhiều hội nghị quốc tế, các tổ chức của Liên hiệp quốc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Tại nước ta, các tổ chức PCPNN đang hợp tác với các cơ quan chính phủ, tổ chức hợp tác quốc tế, nhà viện trợ ODA thực hiện các hợp phần của các dự án chính phủ. Tại hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (12-2008) cùng với cộng đồng quốc tế, các tổ chức PCPNN cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giảm nghèo, phát triển vùng, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực của người dân…

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã và đang tác động đến tất cả mọi tầng lớp xã hội của mọi quốc gia trên thế giới, ngay cả các nước phát triển (đang dùng các biện pháp giải cứu các định chế tài chính trong nguy cơ phá sản), các tổ chức PCPNN càng gặp khó khăn trong hoạt động gây quỹ, tìm nhà tài trợ, đa số tổ chức đang cắt giảm dự án, nhân viên, tái cơ cấu tổ chức, điều chỉnh mục tiêu hoạt động cho phù hợp với chiến lược nhà tài trợ tiềm năng để tồn tại và phát triển. Một số các tổ chức PCPNN hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện các dự án trách nhiệm cộng đồng xã hội, hoặc có một số tổ chức gây quỹ thông qua hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ từ thiện.

 

Trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến tiến trình phát triển của Việt Nam, thành tựu xóa đói giảm nghèo đứng trước thách thức mới, có nguy cơ nhiều người dân trở lại cảnh đói nghèo. Cùng với cả nước, TPHCM tiếp tục tranh thủ các nguồn ngoại lực, trong đó có nguồn viện trợ PCPNN nhằm thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Do đó, Liên hiệp tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ quan đối tác thực hiện công tác vận động và sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ PCPNN cho phù hợp với tình hình mới bằng các biện pháp:

 

  • Tích cực thúc đẩy mở rộng quan hệ đối tác giữa các cơ quan ban ngành, địa phương, cơ sở với các tổ chức PCPNN nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực theo định hướng của Thành phố; vận động, thực hiện có hiệu quả các dự án viện trợ PCPNN, phục vụ thiết thực cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn Thành phố.
  • Kết hợp một cách nhuần nhuyễn công tác hữu nghị nhân dân, vận động các tổ chức, cá nhân người nước ngoài viện trợ nhân đạo và phát triển.
  • Đa dạng hóa phương thức tiếp cận, mở rộng quan hệ với các tổ chức PCPNN, các tổ chức hữu nghị song phương và đa phương, Tổng Lãnh sự quán các nước, doanh nghiệp nước ngoài tại Thành phố.
  • Tìm hiểu chiến lược viện trợ của các tổ chức PCPNN, các nhà tài trợ nhằm hỗ trợ và tư vấn cho các đối tác có nhu cầu vận động viện trợ.
  • Khuyến khích các hội đoàn, ban ngành, địa phương chủ động vận động tìm nguồn tài trợ PCPNN, Liên hiệp tư vấn và hỗ trợ các thủ tục pháp lý.
  • Tiếp tục xây dựng, tăng cường năng lực cho cán bộ cơ quan đầu mối, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho các đối tác Việt Nam, sở, ban, ngành, đoàn thể, hội đoàn, tổ chức xã hội, quận huyện về công tác phi chính phủ nước ngoài, các kỹ năng vận động, xây dựng, quản lý dự án, các quy định của Nhà nước.

 

Tóm lại, từ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam nói chung và ở TPHCM nói riêng trong những năm qua, có thể khẳng định rằng, tranh thủ tối đa nguồn ngoại lực, trong đó có nguồn viện trợ PCPNN, đồng thời nâng cao hiệu quả quan hệ đối tác là yêu cầu không thể thiếu trong chương trình hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hoạt động viện trợ nhân đạo và phát triển của các tổ chức PCPNN còn là kênh quan trọng trên mặt trận đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện chủ trương “mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, phát triển quan hệ đa phương và song phương với các tổ chức nhân dân các nước; nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới” (Nghị quyết Đại hội X).

 

Th.S.  Nguyễn Thị Mỹ Tiên

                            Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi banbientap
Cập nhật 21-04-2009