Thông tin cơ bản về Cộng hòa Cuba
Địa lý:
Vị trí: Cộng hòa Cuba nằm ở vùng biển Caribê, án ngữ lối vào vịnh Mexico, giữa Bắc, Trung và Nam Mỹ, trải dài trên 1.600 hòn đảo, trong đó lớn nhất là đảo Cuba với diện tích 110.922 km2 và đảo Thanh Niên là 3.061 km2
Diện tích: 114.524 km2.
Dân số: 11,5 triệu người (2006)
Khí hậu: Cuba có khí hậu nhiệt đới ôn hòa, có gió mậu dịch, mùa khô từ tháng 11 tới tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Trung bình mỗi năm Cuba phải hứng chịu một cơn bão, đặc biệt là từ tháng 8 đến tháng 11 ở vùng bờ biển phía Đông. Ngoài ra còn xảy ra nhiều đợt hạn hán.
Địa hình: Phần lớn là đồng bằng, vùng Đông Nam là đồi núi, sông ngòi ít, nhỏ.
Tài nguyên thiên nhiên: Coban, niken, kền, quặng sắt, đồng, mangan, muối, gỗ xây dựng, silic, dầu mỏ...
Thủ đô: La Habana
Lịch sử:
Lịch sử Cuba được bắt đầu kể đến từ năm 1492, khi Christopher Columbus tìm ra Châu Mỹ. Trước đó, trên hòn đảo này cũng đã có những tộc người Taino và Ciboney là những thổ dân Châu Mỹ. Họ từ Nam Mỹ đến định cư ở đây vài thế kỷ trước.
Năm 1511, Cuba trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha. Chế độ thuộc địa kéo dài trong suốt 387 năm. Trong thời kỳ Cuba là thuộc địa của Tây Ban Nha (1511 - 1898), nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Tây Ban Nha đã nổ ra, trong đó tiêu biểu là Khởi nghĩa của thổ dân Cuba do Tù trưởng Hatuey lãnh đạo, Khởi nghĩa giành độc lập lần thứ nhất (1868-1878) do đại điền chủ cấp tiến Carlos Manuel de Cespedes lãnh đạo và Khởi nghĩa giành độc lập lần thứ 2 (1895-1898) do Jose Marti, Maximo Gomez và Antonio Maceo lãnh đạo.
Cuba trở thành thuộc địa kiểu mới của Hoa Kỳ (1898 - 1958) và bị Hoa Kỳ chiếm đóng quân sự hai lần (1898-1902 và 1906-1909).
Ngày 26/7/1953, Fidel Castro lãnh đạo cuộc tiến công trại lính Moncada, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng ở Cuba chống lại chế độ độc tài của Tổng thống Fulgencio Batista. Ngày 2/12/1956, Fidel Castro cùng các chiến sĩ yêu nước trên con tàu Granma đã đổ bộ vào Cuba, trực tiếp lãnh đạo và tham gia chiến đấu đưa đến cách mạng thành công ngày 1/1/1959. Sau sự kiện Hiron (4/1961), Chủ tịch Fidel Castro chính thức tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của Cách mạng Cuba.
Chế độ chính trị:
Cuba theo chế độ XHCN. Quốc hội của Chính quyền Nhân dân là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Cuba và là cơ quan lập pháp duy nhất.
Hội đồng Nhà nước là cơ quan đại diện của Quốc hội giữa 2 nhiệm kỳ. Hội đồng Bộ trưởng là cơ quan hành pháp tối cao. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đảng Cộng sản Cuba (PCC) là đảng cầm quyền được hợp nhất năm 1961 từ Phong trào 26/7, Đảng Xã hội nhân dân và Phong trào 13/3 thành Tổ chức Cách mạng hợp nhất (ORI), sau đổi tên thành Đảng Thống nhất Cách mạng XHCN (PURS) và từ 3/10/1965, đổi tên thành Đảng Cộng sản Cuba. Cơ quan ngôn luận của Đảng là báo Granma.
Kinh tế:
Cuba đã ký tham gia các Khu vực mậu dịch tự do, thể chế liên kết kinh tế: SELA, ALADI, ALALC.
Cuba có đất đai màu mỡ, thích hợp cho canh tác cây công nghiệp (mía, cà phê, thuốc lá, cây ăn quả...) và chăn nuôi đại gia súc; có nhiều vùng sinh thái và bờ biển đẹp thích hợp cho việc phát triển du lịch.
Từ khi Cách mạng Cuba thành công (năm 1959) đến những năm đầu thập niên 70, Cuba cố gắng thoát khỏi thế độc canh mía đường, đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Năm 1972, Cu-ba tham gia khối SEV, được Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu hỗ trợ và đạt những thành tựu nổi bật trong xây dựng kinh tế.
Từ cuối thập kỷ 80 và nhất là đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Cuba rơi vào thời điểm đặc biệt khó khăn, mất thị trường và không còn nhận được viện trợ từ Liên xô và Đông Âu. Từ năm 1993, Cuba đã từng bước điều chỉnh chính sách, thi hành một số biện pháp cải cách kinh tế, đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi thời kỳ đặc biệt. Đến năm 1995, kinh tế Cuba đã thoát ra khỏi thời điểm khó khăn nhất và dần được phục hồi, đạt khoảng 85% so với trước khủng hoảng. Để khắc phục khó khăn, Cuba đã áp dụng một số biện pháp như: hợp pháp hóa quyền sở hữu sử dụng ngoại tệ trong dân; ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới, cho phép tư nhân hoạt động trong một số ngành tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nông sản và dịch vụ; cải cách cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng phi tập trung hóa và đa dạng hóa sản phẩm; cắt giảm bù lỗ cho các xí nghiệp quốc doanh.
Năm 2004, Cuba đình chỉ việc sử dụng đồng USD ở thị trường nội địa và và trong thanh toán quốc tế.
Những năm gần đây, kinh tế Cuba tiếp tục giữ đà tăng trưởng liên tục ở mức cao (2004 tăng 5%, 2005: 11,8%, 2006: 12,5%). Nguyên nhân chủ yếu là do giá nicken và coban tăng cao. Xuất khẩu sản phẩm sinh học và dược phẩm tăng mạnh, hiệu quả kinh tế cao hơn trước.
Cấm vận của Hoa Kỳ đã gây khó khăn và làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế của nước này (chỉ tính từ quý 2/2005 đến quý 1/2006, Cuba thiệt hại 4,5 tỷ USD). Để xuất khẩu sang châu Âu, Cuba phải xuất vòng qua 15 chặng khác nhau mới thoát khỏi sự kiểm soát của Hoa Kỳ.
Cuba đã tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Venezuela. Trung Quốc đã nâng FDI tại Cuba lên trên 2 tỷ USD, nâng ODA lên trên 600 triệu USD. Venezuela bán cho Cuba 100.000 thùng dầu với giá ưu đãi và cho Cuba trả chậm trong vòng 15 năm với lãi suất 1%/năm. Tuy nhiên, do mô hình kinh tế còn lạc hậu, cộng thêm thiên tai liên tiếp và chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba trong 48 năm qua, nền kinh tế Cuba vẫn gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân tuy đã được cải thiện nhưng chưa nhiều.
Các ngành kinh tế chính là: công nghiệp đường mía, khai thác và chế biến nicken, du lịch, công nghiệp nhẹ sản xuất xì gà, rượu rum, hóa mỹ phẩm...
Văn hóa – Thể thao:
Cuba là đất nước có nền văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu. Đó là sự pha trộn giữa văn hóa Tây Ban Nha và lục địa châu Phi.
Cuba là đất nước giàu truyền thống âm nhạc với những điệu nhảy salsa, rumba, mambo và đặc biệt là chachacha. Lễ hội carnival ở Cuba là lễ hội nổi tiếng thế giới.
Nhà hát lớn tại thủ đô La Habana
Cuba cũng là đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều công trình kiến trúc cổ thu hút khách du lịch.
Nhà thờ San Cristobal tại La Habana
Môn thể thao phổ biến ở Cuba là bóng chày, bóng chuyền, điền kinh, quyền anh nghiệp dư.
(H.V., Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 13-6-2007)
Các tin liên quan:
- Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng tiếp Chủ tịch Tập đoàn Cubalse (Cuba) (10-11-2007)
- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua tiếp đoàn đại biểu báo Granma (Cuba) (12-10-2007)
- TPHCM kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của người anh hùng cách mạng Cuba Che Guevara (11-10-2007)
- Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba (30-07-2007)
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân viếng tang đồng chí Vilma Espin (25-06-2007)
- Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân tiếp Đại sứ CH Cuba tại Việt Nam (17-06-2007)
- Chủ tịch Quốc hội Cuba thăm TPHCM (13-06-2007)
- Tiểu sử Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Cuba Ricardo Alarcon de Quesada (12-06-2007)
- Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Cuba (12-06-2007)
- Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân tiếp Bộ trưởng Bộ Xây dựng Cuba (12-05-2007)
Cập nhật 14-06-2007