Thông tin cơ bản về Cộng hòa Liên bang Brazil
Quốc kỳ của Brazil
Bản đồ đất nước Brazil
Địa lý
Vị trí: Đông Nam châu Mỹ La tinh, giáp Đại Tây Dương
Brazil trải rộng gần một nửa Nam Mỹ và là đất nước lớn nhất vùng này. Brazil trải dài 4,772 km từ Bắc xuống Nam; 4,331 km từ Đông sang Tây và có biên giới chung với mọi quốc gia Nam Mỹ trừ Chile và Ecuador. Brazil có thể được phân chia thành Brazil cao nguyên ở phía Nam và Brazil sông Amazon ở phía Bắc.
Diện tích: 8.514.215 km²
Dân số: 191,908,598
Khí hậu: Phần lớn đất nước Brazil nằm trong vùng nhiệt đới và có các loại hình khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và xích đạo.
Địa hình
Núi Roraima ở Brazil
Địa hình của Brazil phân bố rất đa dạng và phức tạp. Phần lớn lãnh thổ ở phía Bắc của Brazil là những vùng đất thấp được che phủ bởi rừng Amazon. Phía Nam của nước này có địa hình chủ yếu là đồi và những vùng núi thấp. Vùng bờ biển giáp Đại Tây Dương có nhiều dãy núi cao.
Brazil là một trong những nước có nhiều hệ thống sông lớn nhất trên thế giới. Nước này có tổng cộng 8 bồn địa lớn, nước của các con sông đi qua các bồn địa này để thoát ra Đại Tây Dương. Sông Amazon là con sông lớn nhất thế giới (tính theo dung lượng nước) và đồng thời là con sông dài thứ hai trên thế giới.
Lưu vực sông Amazon rộng lớn và màu mỡ đã tạo điều kiện cho những cánh rừng nhiệt đới hùng vĩ phát triển cùng với hệ thống sinh vật phong phú. Ngoài ra còn phải kể đến hệ thống sông Parana và phụ lưu; sông Iguacu nơi có thác nước Iguacu nổi tiếng.
Thác Iguacu
Bên cạnh đó, còn có các sông Negro, Xingu, Madeira, Tapajos, một số đảo và đảo san hô trên Đại Tây Dương.
Tài nguyên: dồi dào, phong phú với sắt, nhôm, đá quý, gỗ, dầu khí, tài nguyên nước.
Thủ đô: Brasilia
Lịch sử
Brazil do nhà thám hiểm Pedro Álvares Cabral (người Bồ Đào Nha) khám phá vào ngày 22 tháng 4 năm 1500. Do có nguồn tài nguyên phong phú và chưa được khai phá, nhiều nước châu Âu khác như Pháp và Hà Lan cũng muốn lập thuộc địa tại Brazil song cuối cùng đều thất bại trước người Bồ Đào Nha.
Sau 3 thế kỷ dưới sự thống trị của Bồ Đào Nha, Brazil trở thành quốc gia độc lập năm 1822 và trở thành một nước cộng hòa năm 1889. Tên của đất nước được đổi thành Cộng hòa Hợp chúng quốc Brazil (đến năm 1967 thì đổi lại thành Cộng hòa Liên bang Brazil như ngày nay).
Xe bus tại Sao Paulo
Cuối thế kỷ XIX, cà phê trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Brazil. Việc buôn bán cà phê với nước ngoài đã làm nên sự thịnh vượng của đất nước về mặt kinh tế; đồng thời cũng thu hút một số lượng đáng kể người nhập cư từ các quốc gia châu Âu, chủ yếu là từ Ý và Đức. Dân số tăng lên cùng với nguồn nhân công dồi dào đã cho phép đất nước Brazil phát triển các ngành công nghiệp và mở rộng lãnh thổ vào sâu hơn trong lục địa.
Làng cà phê ở Brazil
Hiện nay Brazil vẫn tiếp tục theo đuổi phát triển nông nghiệp và công nghiệp nội địa. Nhờ khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ và thị trường lao động lớn, ngày nay Brazil là một nền kinh tế đi đầu của khu vực.
Tuy nhiên, sự phân phối thu nhập chênh lệch lớn và tình hình tội phạm vẫn tồn tại như những vấn đề lớn của Brazil.
Chính trị - Đối ngoại
Brazil là quốc gia dẫn đầu khu vực Mỹ La tinh về chính trị và kinh tế.
Trong suốt giai đoạn từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến những năm 90, các chính phủ Brazil đều tìm cách mở rộng ảnh hưởng của nước này ra tầm quốc tế bằng cách tập trung phát triển kinh tế và có một chính sách ngoại giao độc lập. Những năm gần đây, Brazil ngày càng tăng cường quan hệ với các nước Mỹ La tinh láng giềng, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong các sứ mệnh của Liên hợp quốc.
Brazil là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới, Khối Thị trường chung Nam Mỹ, Hiệp hội Liên kết Mỹ Latinh (ALADI), Tổ chức các nước Châu Mỹ (OEA), Cộng đồng Nam Mỹ (CSN), Hệ thống Kinh tế Mỹ Latinh (SELA).
Tòa nhà Quốc hội Brazil
Chế độ chính trị:
Brazil là nước Cộng hòa Liên bang. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ hiện nay là 4 năm.
Quốc hội hai viện gồm Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện. Thượng Nghị viện có 81 ghế, bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 8 năm, phân bổ mỗi bang 3 người.
Hạ Nghị viện có 513 ghế, nhiệm kỳ 4 năm, được bầu trực tiếp, phân bổ theo dân số ở mỗi bang.
Tòa án Liên bang Tối cao gồm 11 thẩm phán, do Tổng thống bổ nhiệm.
Một tuyến đường cao tốc nối Sao Paulo với miền duyên hải
Chính phủ của Tổng thống Luiz Silva đề cao độc lập chủ quyền và quyền tự quyết; chủ trương củng cố và phát triển mọi mặt khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); thúc đẩy liên kết, hội nhập khu vực, hướng tới xây dựng Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ (CSN) theo mô hình EU; đẩy mạnh quan hệ với các nước khu vực khác, trong đó chú trọng châu Á - Thái Bình Dương.
Brazil đóng vai trò lãnh đạo G20 bảo vệ quyền lợi của các nước đang phát triển tại Vòng đàm phán Doha; nỗ lực vận động trở thành Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Kinh tế
Brazil là một nền kinh tế hàng đầu ở Mỹ Latinh.
Với đặc tính là nông nghiệp chủ chốt và được chăm lo phát triển tốt, công nghiệp mỏ, sản xuất và dịch vụ, nền kinh tế Brazil vượt trội hơn các nền kinh tế khác của Nam Mỹ, và đang mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường quốc tế.
Brazil giàu tài nguyên thiên nhiên, đứng đầu thế giới về sản xuất đường mía, cà phê, và là một trong quốc gia có nền chăn nuôi phát triển nhất. Khoa học kỹ thuật đạt trình độ cao trong nhiều lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu ứng dụng.
Nông nghiệp chiếm 9% GDP, sản phẩm chủ yếu là cà phê, đậu tương, đường mía, ca cao, lúa gạo, thịt gia súc, ngô, cam chanh, bông.
Công nghiệp chiếm 32% GDP, sản phẩm hàng đầu là thép (đứng thứ 2 thế giới), nhôm; ô tô, điện - điện tử gia dụng.
Dịch vụ chiếm khoảng 59% GDP.
Brazil xuất khẩu chủ yếu là cà phê, đỗ tương, đường mía, nước cam, thịt bò, gà, vật tư vận tải, sắt thép, kim loại và nhập khẩu chủ yếu là dầu lửa, máy móc, than, phân bón, ngũ cốc.
Các thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Argentina.
Các thị trường nhập khẩu chính là Hoa Kỳ, Argentina, Nhật, Trung Quốc.
Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất tại Brazil.
Văn hóa – Thể thao
Một trong những công trình kiến trúc đẹp của Brazil
Brazil là quốc gia Nam Mỹ duy nhất thừa hưởng ngôn ngữ và văn hóa Bồ Đào Nha. Mặc dù có nhiều yếu tố đã ảnh hưởng đến nền văn hóa Brazil, nhưng ảnh hưởng văn hóa Bồ Đào Nha vẫn là chủ yếu vì sự liên hệ chặt chẽ của Brazil trong thời kỳ thuộc địa với đế quốc này. Bồ Đào Nha đã mang đến đây ngôn ngữ, Cơ đốc giáo và các kiểu kiến trúc thuộc địa. Những khía cạnh khác tạo nên văn hóa Brazil là sự đóng góp của những người nhập cư từ châu Âu và châu Á, người bản địa gốc Nam Mỹ và người nô lệ đến từ châu Phi. Có thể nói Brazil là xã hội đa văn hóa, đa chủng tộc.
Người Ý, Đức đến với số lượng lớn và ảnh hưởng của họ đậm đặc ở các vùng Đông Nam và Nam Brazil. Brazil tiếp nhận ngôn ngữ và nghệ thuật ẩm thực của người Amerindia, trong khi cũng thừa hưởng âm nhạc, khiêu vũ, tôn giáo của người châu Phi.
Carnaval Brazil
Người Brazil sáng tạo những điệu nhảy samba, bossa nova, forró, frevo và nhiều điệu khác. Brazil cũng có đóng góp vào âm nhạc cổ điển bởi một số tác phẩm của một số nhà soạn nhạc.
Brazil nổi tiếng với Lễ hội Carnaval sôi động. Lễ hội này được tổ chức hàng năm, kéo dài 40 ngày trước Lễ Phục sinh. Ngoài ra, có những lễ hội địa phương và vùng. Những lễ hội nổi tiếng khác là Boi Bumba và Festa Junina.
Một bờ biển tại Brazil
Brazil nổi tiếng với các bờ biển đẹp ở khắp đất nước. Brazil có hơn 5.000 dặm bờ biển, được đánh giá là những bờ biển đẹp nhất và hứa hẹn nhất cho khách du lịch năm châu.
Bóng đá:
Đội bóng Brazil
Brazil cũng được xem là quốc gia thành công nhất thế giới về bóng đá. Đội tuyển bóng đá quốc gia Brazil được coi là đội bóng chơi tốt nhất hành tinh với năm lần chiến thắng tại Giải vô địch bóng đá thế giới. Người Brazil gọi ngắn gọn đội bóng quốc gia của họ là "Seleção", có nghĩa là "đội tuyển". Một câu nói vui phổ biến trong bóng đá là: "Người Anh sáng tạo ra môn bóng đá, và người Brazil đã hoàn thiện nó".
(Ban Biên tập, Sở Ngoại vụ ngày 15-5-2008)
Các tin liên quan:
- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua tiếp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Brazil (16-04-2013)
- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp tân Đại sứ Brazil chào ra mắt (20-09-2012)
- Tân Đại sứ Brazil chào ra mắt Bí thư Thành ủy TPHCM (20-09-2012)
- Ra mắt Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Brazil (28-06-2010)
- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp Đại sứ Brazil tại Việt Nam (06-05-2009)
- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà tiếp Chỉ huy tàu quân sự Brazil (05-05-2009)
- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Cố vấn kiêm đại diện Đảng Lao động Brazil Vladimir Pomar (02-05-2009)
- Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Brazil (16-05-2008)
- Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp đoàn Đảng Cộng sản Brazil (13-05-2008)
Cập nhật 06-06-2008