Personal tools

    Search

    


...

Nền kinh tế Indonesia


Bản đồ Indonesia

A. Vài nét về Indonesia

  • Vị trí địa lý: Indonesia nằm trong khu vực Đông Nam Á, giữa lục địa châu Á và châu Đại Dương, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
  • Diện tích: 1.904.569 km2
  • Dân số: 222.781.000  (tính đến 2005)
  • Ngôn ngữ: Bahasa Indonesia
  • Đơn vị tiền tệ: Đồng Rupiah (IDR)
  • Nhà lãnh đạo Kinh tế hiện nay: Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono

Một điệu múa dân tộc của Indonesia

 

Thổ dân Papua ở Indonesia

B. Nền kinh tế Indonesia

Indonesia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với trữ lượng lớn dầu lửa, khí đốt, thiếc, đồng và vàng. Indonesia là thành viên của tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu lửa OPEC đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu khí đốt. Mặc dù Indonesia xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phải nhập khẩu dầu lọc, do đó Chính phủ phải trợ giá xăng dầu để giữ giá nhiên liệu ở mức thấp (năm 2004 mức trợ giá xăng dầu của Chính phủ là 7 tỷ USD). Gần đây Chính phủ Indonesia đang thực hiện cắt giảm dần sự trợ giá này. Indonesia là một trong những nền kinh tế chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Tuy nhiên hiện nay, nền kinh tế Indonesia đang trong giai đoạn phục hồi tốt.        

Tăng trưởng GDP: Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực tháng 7-1997 đã làm cho nền kinh tế của Indonesia lâm vào khủng hoảng trầm trọng: năm 1998 mức tăng GDP là -12,2% (trước khủng hoảng GDP trung bình tăng 7-8%).  Tuy nhiên, từ năm 1999, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Năm 2004, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt mức 5,13% và 2005 ở mức 6%, bằng mức trước khủng hoảng. Mức tăng trưởng này diễn ra trên hầu khắp các khu vực trong nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo, giao thông và viễn thông; và được đi kèm với sự tăng nhanh của đầu tư và xuất khẩu. Để tạo đà tăng trưởng ổn định, Chính phủ đã cam kết tạo một môi trường thuận lợi cho đầu tư và giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 1% GDP. Năm 2005 GDP đạt mức 270 tỷ USD, tính theo đầu người đạt mức 3.600 USD/năm.

 

Một gian hàng bán sản phẩm thủ công đầy màu sắc

Lạm phát: Trong năm 2004, tiền tệ cơ sở được kiểm soát tốt và tỷ giá hối đoái đồng Rupiah ổn định đã giúp Ngân hàng Trung ương kìm hãm lạm phát giá tiêu dùng (CPI) ở mức 6,4%, vẫn nằm trong giới hạn mục tiêu 5,5% +/- 1%. Những yếu tố chính tạo sức ép lạm phát là sự tăng giá nhà, thực phẩm, giao thông, viễn thông và đặc biệt là giá năng lượng. Trong thời gian tới, lạm phát dự đoán sẽ tiếp tục tăng do kế hoạch của chính phủ giảm trợ cấp xăng dầu cộng với xu hướng giảm giá của đồng nội tệ.

Việc làm: Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, số lượng việc làm mới được tạo ra cũng tăng, song thị trường lao động vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Năm 2004, tỷ lệ thất nghiệp là 9,9% (tương đương khoảng 10,3 triệu người). Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao là do số lượng việc làm mới được tạo ra thấp hơn so với số lượng người mới tham gia vào thị trường lao động, cộng với việc một số ngành công nghiệp dệt may, giày da và hàng không cắt giảm số lượng công nhân.

 

Nông dân dùng trâu kéo cày

Thương mại: Indonesia xuất khẩu khí đốt đứng hàng thứ hai trên thế giới và cũng xuất khẩu dầu thô với số lượng lớn. Bên cạnh dầu khí, Indonesia còn xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp như dầu cọ, gạo, chè, cà phê, tiêu và cao su. Mặt hàng nhập khẩu chính là dầu lọc, máy móc thiết bị… Các đối tác thương mại lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Australia.

Cán cân thanh toán: Tình hình cán cân thanh toán của Indonesia năm 2004 tiếp tục được cải thiện. Tài khoản vãng lai thặng dư ở mức kỷ lục nhờ tăng xuất khẩu. Tài khoản vốn năm 2004 cũng đạt mức thng dư nhờ dòng vốn đổ vào của khu vực tư nhân. Nhìn chung, cán cân thanh toán năm 2004 đạt mức thặng dư và dự trữ ngoại hối tăng lên 36,3 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2005, cán cân thanh toán xấu đi do nhập khẩu tăng mạnh trong khi xuất khẩu tăng không đáng kể đồng thời thặng dư tài khoản vốn cũng giảm; dẫn tới dự trữ ngoại hối giảm xuống còn khoảng 30,6 tỷ USD.

 

Bãi biển Bali

Tỷ giá hối đoái: Năm 2004, tỷ giá hối đoái của đồng Rupiah tương đối ổn định, nhất là sáu tháng cuối năm, đứng ở mức 8.940 Rupiah/1 USD, so với năm 2003 giảm 3,9%. Năm 2005, tỷ giá hối đoái là 9.704,7 Rupiah/1 USD. Sự ổn định tỷ giá hối đoái một phần nhờ vào các biện pháp quản lý tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ, sự tăng cường và thống nhất trong các chính sách quản lý, hệ thống ngân hàng phục hồi tốt và sự kỳ vọng tích cực của các nhà đầu tư vào triển vọng nền kinh tế.

Chính sách thu chi ngân sách: Chính sách thu chi ngân sách được thiết lập để phục vụ kế hoạch phát triển trung hạn, nhằm đảm bảo tính bền vững của ngân sách thông qua việc giảm thâm hụt ngân sách và phấn đấu đạt được cân bằng ngân sách vào năm 2008. Để giảm thâm hụt ngân sách, Chính phủ có một số chính sách cụ thể như cải thiện kỷ luật thu chi tài chính, giảm dần trợ cấp và nợ nước ngoài, tăng dần doanh thu từ thuế, cải cách chi tiêu của chính phủ. Quyết tâm cải thiện cán cân ngân sách được thực hiện kiên quyết và cũng đang phát huy tác dụng. Năm 2004, dự kiến mức thâm hụt là 26.300 tỷ rupiah (1,3% GDP) nhưng thực tế là 28.600 tỷ (1,4% GDP) do giá dầu tăng và thiên tai; so với năm 2003 là giảm được 1,9%. 

 

Đường phố Jakarta

 

Jakarta về đêm

Nợ nước ngoài: Nợ nước ngoài khu vực công là khoản nợ nước ngoài của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương. Năm 2004, 85,5% nợ nước ngoài khu vực công là của Chính phủ. Nợ nước ngoài có xu hướng tăng từ 69,4 tỷ USD năm 2001, lên 74,5 tỷ USD năm 2002 và 80,9 tỷ USD năm 2003. Năm 2004, nợ giảm xuống chút ít còn 80,7 tỷ USD (tương đương 31,3% GDP) do chính phủ trả được một ít nợ và một phần do USD mất giá. Các khoản nợ công chủ yếu là từ các chủ nợ cho vay song phương và đa phương. Các chủ nợ đa phương là các thể chế tài chính bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới. Những khoản nợ khu vực công chủ yếu được dùng để tài trợ cho các chương trình phát triển trong hầu hết các khu vực của nền kinh tế, đặc biệt là tăng cường sự quản lý của các tập đoàn công ty. Gần đây, Chính phủ Indonesia mở rộng nguồn vay nợ nước ngoài bằng cách tham gia vào thị trường vốn quốc tế. Tháng 3-2004, Chính phủ phát hành ra các thị trường vốn quốc tế đợt trái phiếu lãi suất 6,75% trị giá 1 tỷ USD – đây là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế kể từ sau khủng hoảng tài chính.

Chính sách tiền tệ: Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Indonesia là nhằm phục vụ mục tiêu giảm lạm phát trung hạn đã được Chính phủ đặt ra, đồng thời hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế. Năm 2004, lãi suất công cụ tài chính tiếp tục có xu hướng giảm xuống, song ở tốc độ chậm hơn năm 2003 do sự chuyển đổi chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt. Để hỗ trợ cho sự ổn định tỷ giá hối đoái, Ngân hàng Trung ương tiến hành quản lý các giao dịch ngoại hối, quản lý cung và cầu ngoại hối và cơ cấu dòng vốn đổ vào, đồng thời tăng cường tính hiệu quả của hệ thống giám sát giao dịch ngoại hối.

Triển vọng trung hạn: Các điều kiện kinh tế vĩ mô từ 2004-2009 được dự đoán là thuận lợi nhờ chiến lược và các chính sách phát triển của Chính phủ Indonesia, cũng như việc cải cách thị trường trong nước. Trên cơ sở triển vọng kinh tế toàn cầu và tình hình trong nước, tăng trưởng kinh tế Indonesia được kỳ vọng là sẽ tiếp tục ở mức cao, từ 5,5% năm 2005 lên 7,6% năm 2009 (trung bình 6,6% cho cả giai đoạn). Trong cả giai đoạn trung hạn, khu vực công nghiệp dự kiến tăng 8,6% chủ yếu tập trung trong các ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, giấy và sản phẩm in, phân bón hóa học; khu vực nông nghiệp dự kiến tăng ở mức 3,5% mỗi năm.

 

Một góc chợ bán hoa quả

Tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cho lực lượng lao động.  Tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán sẽ giảm từ 9,7% năm 2005 xuống còn 5,1% năm 2009; dẫn tới tỷ lệ nghèo được kỳ vọng giảm xuống còn 8,2% dân số năm 2009.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, Chính phủ Indonesia cam kết giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng việc tiến hành một loạt các biện pháp cải cách khu vực thu chi ngân sách, khu vực tài chính, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng.

Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Indonesia

http://www.apec.org/content/apec/member_economies/economy_reports.html

“Các nước trên thế giới” (Bộ Ngoại giao-2000)

(T.Trinh, Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 31-7-2006)

 

Created by thanhdm
Last modified 12-10-2006