Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Nền kinh tế Malaysia


Bản đồ Malaysia

A. Vài nét về Malaysia:

  • Diện tích: 329.758 km2
  • Vị trí địa lý: Malaysia nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đông Nam Á. Phía Tây là bán đảo Malaysia và quần thể các đảo ở ngoài khơi, phía Bắc giáp với Thái Lan, phía Nam giáp với Singapore. Phía Đông Malaysia giáp với phần phía Nam đảo Borneo, Brunei và Indonesia.
  • Dân số: Năm 2004 dân số Malaysia là 25,6 triệu người, năm 2005 là 26,13 triệu người. Tỉ lệ tăng dân số là 1,91%/năm. Dự tính năm 2006, tỉ lệ tăng dân số là 1,42%. Khoảng 58% dân số Malaysia là người Malay, 27% là người Trung Quốc và 8% còn lại là người Ấn Độ hay Pakistan.
  • Ngôn ngữ chính: Tiếng Malay
  • Đơn vị tiền tệ: Đồng Ringgit (MYR)
  • Nhà lãnh đạo Kinh tế hiện nay: Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi

 

Bờ biển đảo Langkawi - khu du lịch nổi tiếng của Malaysia

 

B. Nền kinh tế Malaysia:

Kinh tế Malaysia đã có những bước chuyển mình. Từ một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp trong thập niên 60 của thế kỷ XX, ngày nay Malaysia là một nền kinh tế hướng ra xuất khẩu với các ngành chủ đạo là công nghệ cao, các ngành thâm dụng vốn và tri thức.

GDP: 65,3 tỷ USD (2004). Năm 2005 tăng lên đến 122 tỷ USD nhờ giá dầu tăng. Năm 2004, tốc độ tăng trưởng đạt 7,1%, cao nhất kể từ năm 2000 nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước và nước ngoài tăng. Thâm hụt ngân sách giảm còn 4,3% GDP năm 2004 (trong khi năm 2003 là 5,3%) thấp hơn so với con số dự kiến là 4,5%. Năm 2005, tốc độ tăng trưởng đạt 5,3%. Chính phủ Malaysia tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng những chính sách cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Trên đường phố Kuala Lumpur

Xuất khẩu: 126,3 tỷ USD (năm 2004), 141,1 tỷ USD (năm 2005), chủ yếu là hàng hóa chế tạo (điện tử, nhựa và hóa chất, sản phẩm gỗ, sắt thép, dầu mỏ). Xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: Hoa Kỳ (chiếm 19,8%), Singapore (15,6%), Trung Quốc (11,5%), Nhật Bản (8,4%), Thái Lan (4,6%), Hồng Ko6ng của Trung Quốc (4,2%) (năm 2005).  

Nhập khẩu: 105,2 USD (năm 2004), 118,7% (năm 2005), chủ yếu là hàng hóa dùng phục vụ chế tạo tại chỗ (van và đèn điện tử, các nguyên liệu công nghiệp cơ bản và trung gian, linh kiện, phụ kiện cho thiêt bị vận tải). Nhập khẩu chủ yếu từ các thị trường: Singapore (27,9%), Nhật Bản (11,6%), Trung Quốc (9,7%), Hoa Kỳ (9,6%), Thái Lan (5,2%), Hàn Quốc (4,2%) (năm 2005).

 

Lấy mủ cao su để xuất khẩu

Việc làm: Điều kiện thị trường lao động năm 2004 có nhiều ưu đãi với tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ còn 3,5%. Năm 2005, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,6%. Hoạt động kinh tế trong nước năng động tiếp tục tạo ra nhiều việc làm trong khi năng suất lao động trong ngành chế tạo tăng 15,6%.

Lạm phát: Lạm phát tiếp tục thấp mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ từ 1,2% (2003) lên 1,4% (2004) do giá hàng hóa, thuốc lá, đồ uống và giá xăng dầu được điều chỉnh. Tuy vậy, chỉ số giá tiêu dùng vẫn kiểm soát được nhờ điều kiện thị trường lao động tốt, làm thúc đẩy tăng năng suất lao động và mở rộng năng lực sản xuất. 

Cán cân thanh toán: Khu vực kinh tế nước ngoài tiếp tục tăng trưởng, thể hiện trong việc dự trữ trong nước tăng trong khi nợ nước ngoài vẫn kiểm soát được. Dự trữ ngoại tệ đạt mức kỷ lục 253,5 tỷ ringgit (tương đương 66,7 tỷ USD) vào cuối năm 2004. Mức dự trữ ngoại tệ lại tiếp tục tăng lên 280,2 tỷ ringgit vào cuối tháng 4 năm 2005.

 

Quang cảnh một siêu thị ở bang Sarawak

Nợ nước ngoài: Cuối năm 2004, nợ nước ngoài tăng chậm lên đến 197,3 tỷ ringgit, tương đương 51,9 tỷ USD ((2003: 49,1 tỷ USD), do khu vực ngân hàng vay ngắn hạn cao hơn. Tỷ lệ nợ ngắn hạn trong tổng nợ còn thấp ở mức 21,8%. Với chính sách quản lý nợ cẩn trọng, tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng thu nhập quốc dân của Malaysia chỉ còn 46,6% (năm 2003 là 50,2%).

Tỷ giá hối đoái:  Từ tháng 9-1998, đồng ringgit Malaysia đã được xác định tỷ giá chuyển đổi cố định với đồng USD là 3,8 ringgit/1USD. Việc điều chỉnh tỷ giá neo vào một đồng tiền khác tiếp tục đem lại lợi ích cho kinh tế Malaysia nhờ tạo được tính khả báo và ổn định cho thương mại và đầu tư nước ngoài.

Chi tiêu ngân sách: Chính phủ liên bang cho biết thâm hụt ngân sách năm 2004 giảm xuống còn 4,3% GDP (năm 2003 là 5,3%). Tình hình tài chính được cải thiện nhờ thu nhập quốc dân khả quan hơn và giải ngân cho chi tiêu phát triển cũng thấp hơn. Thâm hụt ngân sách chủ yếu được bù đắp bởi các nguồn thu trong nước.

 

Tháp đôi Petronas, biểu tượng cho sự phát triển kinh tế của Malaysia

Chính sách tiền tệ: Chính sách tiền tệ vĩ mô năm 2004 tập trung vào việc duy trì sự ổn định và cải thiện khả năng đón nhận rủi ro của nền kinh tế. Trong khi chính phủ tiếp tục củng cố tình hình tài chính, chính sách tiền tệ vẫn hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và tăng trưởng. Hiệu quả và tác dụng của việc thi hành chính sách tiền tệ được cải thiện hơn nữa khi Ngân hàng Trung ương đưa ra khuôn khổ tỷ lệ lãi suất mới vào tháng 4 năm 2004.

Cải cách cơ cấu: Trong 40 năm qua cơ cấu kinh tế Malaysia đã chuyển đổi một cách mạnh mẽ. Trong đó, việc củng cố hệ thống tài chính có bước tiến đáng kể. Danaharta - Công ty Quản lý tài sản Quốc gia - đã phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện tái cơ cấu khu vực tài chính sau giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực. Kế hoạch Quy hoạch Khu vực Tài chính (FSMP - 2001) và Quy hoạch Thị trường vốn (CMP - 2004) đã tạo điều kiện hơn cho các thể chế tài chính nước ngoài đồng thời tăng khả năng thanh khoản và hiệu quả sử dụng đồng vốn.

Nguồn: http://www.apec.org

(N.H., Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 30-7-2006)

 

Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 12-10-2006