Nền kinh tế Mexico
Bản đồ Mexico
A. Vài nét về Mexico:
-
Vị trí địa lý: Nằm ở phía Bắc châu Mỹ; phía Bắc giáp Hoa Kỳ, phía Đông giáp vịnh Mexico, phía Nam giáp biển Caribbean và Trung Mỹ (Belize và Guatemala), phía Tây giáp với Thái Bình Dương.
-
Diện tích: 1.972.550km2 (được chia thành 31 bang và một quận liên bang)
-
Dân số: 107.449.525 người (số liệu tháng 7-2006)
-
Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha
-
Đơn vị tiền tệ: Đồng Peso Mexico (MXN)
-
Nhà lãnh đạo Kinh tế hiện nay: Tổng thống Vicente Fox Quesada
Người dân Mexico trong trang phục truyền thống
Kim tự tháp Mặt trời do người da đỏ thời cổ đại xây dựng
B. Nền kinh tế Mexico:
Theo Ngân hàng Thế giới, Mexico xếp thứ 12 trên thế giới về GDP và có thu nhập tính theo đầu người lớn thứ tư trong khu vực Mỹ La tinh chỉ sau Argentina, Chile, và Costa Rica. Mexico có một nền kinh tế hỗn hợp bao gồm khu vực nông nghiệp và công nghiệp hiện đại và lạc hậu. Hai khu vực này phần lớn do tư nhân nắm giữ. Chính quyền gần đây đã mở rộng sự cạnh tranh trong khu vực cảng biển, đường sắt, viễn thông, sản xuất điện, phân phối khí đốt và hàng không. Số lượng doanh nghiệp quốc doanh của Mexico giảm từ trên 1.000 năm 1982 xuống còn dưới 200 năm 1999. Tiêu dùng tư nhân trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mexico là nhà sản xuất dầu lửa lớn thứ tư trên thế giới. Dân số Mexico sống dưới mức nghèo khổ giảm từ 24,2% xuống còn 17,6% trong khoảng thời gian từ năm 2000-2004.
Khu du lịch Acapulco nổi tiếng
GDP: 693 tỷ USD (2005)
GDP tính theo đầu người: 10.000 USD (năm 2005)
Giá trị xuất khẩu: 213,7 tỷ USD (năm 2005) với những mặt hàng chủ yếu là dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ, bạc, rau quả, cà phê, bông vải. Thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ (chiếm 87,6%), Canada (1,8%), Tây Ban Nha (1,1%).
Giá trị nhập khẩu: 223,7 tỷ USD (năm 2005) với những mặt hàng chủ yếu là các trang thiết bị kim loại, những sản phẩm thép cán, máy móc nông nghiệp, thiết bị điện tử, các bộ phận ô tô, xe máy, máy bay. Thị trường nhập khẩu chính là Hoa Kỳ (chiếm 55,1%), Trung Quốc (7,1%), Nhật Bản (5,3%).
Tăng trưởng GDP: Mexico đang ở trong thời kỳ ổn định về kinh tế vĩ mô. Năm 2004, tăng trưởng GDP của Mexico đạt 4,4% và năm 2005 là 3%. Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng hàng năm khoảng 4,8%, khu vực công nghiệp là 2,4% và nông nghiệp là 0,4%. Theo đánh giá của Ngân hàng Mexico thì sự phát triển kinh tế hiện nay của Mexico là nhờ tỷ lệ lạm phát thấp, tỷ lệ lãi suất thấp, giảm dần được nợ nước ngoài và đồng peso mạnh.
Một khu chợ trái cây, rau quả ở Acatlan
Lạm phát: Tỷ lệ lạm phát ở mức 5,19% năm 2004 và giảm xuống 3,3% năm 2005. Lý do chính làm giảm tỷ lệ lạm phát là do những rối loạn về cung cấp hàng hóa được xóa bỏ, điều này đã có tác động tích cực lên giá các nông sản, và giá của các hàng hóa được điều tiết cũng giảm xuống.
Thương mại: Mexico có thị trường mở và tự do thương mại. Mexico tham gia 12 Hiệp định Tự do Thương mại với 40 nền kinh tế trong đó có Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Đối tác thương mại lớn nhất của Mexico là Hoa Kỳ (chiếm hơn 80% giao dịch thương mại). Chính phủ đang phấn đấu đặt hơn 90% giao dịch thương mại được tiến hành theo các hiệp định tự do thương mại với các nền kinh tế khác. Sau khi gia nhập Khối Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994, giao dịch thương mại của Mexico với Hoa Kỳ và Canada đã tăng gấp ba.
Cán cân thanh toán: Tăng trưởng kinh tế nhanh làm tăng đáng kể nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, mức tăng nhập khẩu này lại được bù đắp bởi mức tăng xuất khẩu dầu lửa và hàng hóa công nghiệp. Do đó, cán cân tài khoản vãng lai không bị thâm hụt lớn, cụ thể mức thâm hụt là 1,3% GDP năm 2004. Sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng phát triển tốt đã làm tăng dòng vốn đổ vào Mexico. Kết quả là cán cân tài khoản vốn đạt mức thặng dư 13,691 tỷ USD năm 2004. Đầu tư nước ngoài đạt mức 19,273 tỷ USD trong đó 16,6 tỷ là đầu tư trực tiếp, phần còn lại là đầu tư gián tiếp. Nhờ những diễn biến tích cực trong cán cân thanh toán đã giúp Mexico đạt mức dự trữ ngoại hối ròng là 4,061 tỷ USD.
Một góc Mexico City
Nợ nước ngoài: Tính đến năm 2005, nợ nước ngoài ròng khu vực công của Mexico là 78,6 tỷ USD, chiếm 24,2% GDP.
Thu chi ngân sách: Trong quý I năm 2005, thu chi ngân sách đạt mức thặng dư là 26,4 tỷ peso đưa tổng thặng dư ngân sách tích lũy lên 81,4 tỷ peso. Nguồn thu ngân sách năm 2005 đạt 471,9 tỷ peso trong đó 10,2 tỷ peso đến từ khu vực công nhờ công tác quản lý trực tiếp ngân sách và 831 triệu peso là từ dầu lửa. Doanh thu từ dầu lửa tăng là nhờ vào mức tăng giá dầu trên thế giới.
Chính sách tiền tệ: Cơ sở tiền tệ gồm tiền lưu hành và tiền dự trữ của thể chế tài chính gửi tại Ngân hàng Trung ương đứng ở mức 311,9 tỷ peso vào cuối tháng 3-2005. Tín dụng nội địa ròng của Ngân hàng Trung ương (được định nghĩa là sự chênh lệch giữa cơ sở tiền tệ và tài sản quốc tế ròng) đứng ở mức âm 405,2 tỷ peso năm 2005. Tính đến cuối tháng 3-2005, tài sản quốc tế ròng của Ngân hàng Trung ương là 717 tỷ peso, tương đương 64,1 tỷ USD.
Tại Mexico City luôn diễn ra cảnh mua bán nhộn nhịp
Triển vọng trung hạn: Mexico vẫn cần tiếp tục giải quyết một số vấn đề về cơ cấu như phấn đấu hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao mức sống trung bình cho người dân. Những mối quan ngại về kinh tế bao gồm mức lương thực tế thấp, tình trạng thiếu việc làm cho một bộ phận lớn dân chúng, phân phối thu nhập không bình đẳng (20% dân số có thu nhập cao chiếm 55% tổng thu nhập), ít cơ hội cho người nghèo thổ dân ở các bang phía Nam cải thiện cuộc sống. Mexico còn phải tiếp tục đấu tranh với một số vấn đề như kiểm soát và phát triển kinh tế, đặc biệt là khu vực xăng dầu và phát triển quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Tham nhũng trong khu vực hành chính và tội phạm vẫn là những vấn đề trầm kha.
Nguồn: http://www.apec.org/content/apec/member_economies/economy_reports.html
http://www.en.wikipedia.org/wiki/Mexico
(T.Trinh, Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, ngày 13-7-2006)
Related news:
- Hội thảo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 3 về An ninh hàng không (25-04-2012)
- Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC 14 kết thúc thành công, thông qua Tuyên bố Hà Nội (20-11-2006)
- Nền kinh tế Hoa Kỳ (13-10-2006)
- Nền kinh tế Đài Bắc thuộc Trung Quốc (13-10-2006)
- Nền kinh tế Thái Lan (12-10-2006)
- Nền kinh tế Singapore (12-10-2006)
- Nền kinh tế Liên bang Nga (12-10-2006)
- Nền kinh tế Philippines (12-10-2006)
- Nền kinh tế Peru (12-10-2006)
- Nền kinh tế Papua New Guinea (12-10-2006)
Last modified 12-10-2006