Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Nền kinh tế Papua New Guinea


 

Bản đồ Papua New Guinea

A. Vài nét về Papua New Guinea:

  • Vị trí địa lý: Là hòn đảo nằm sát dưới đường xích đạo ở phía Tây Nam Thái Bình Dương. Những láng giềng gần nhất gồm quần đảo Solomon, Australia, Malaysia và Philippines.  
  • Diện tích: 462.840 km2
  • Dân số:  5.670.544 người (tính đến tháng 7-2006)
  • Ngôn ngữ: Tiếng Tok Pisk, Hiri Motu và tiếng Anh
  • Đơn vị tiền tệ: Đồng Kina (PGK)
  • Nhà lãnh đạo Kinh tế hiện nay: Thủ tướng Michael Somare

 

Thổ dân Papua New Guinea

 

Thủ đô Port Moresby

 

B. Nền kinh tế Papua New Guinea:

Papua New Guinea là quốc gia nông nghiệp với 85% dân số lao động trong lĩnh vực này và sống rải rác ở các bản làng. Các sản phẩm nông nghiệp chính là dầu, cùi dừa, chè, cà phê. Papua New Guinea giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng việc khai thác gặp khó khăn do địa hình hiểm trở; địa hình này cũng cản trở việc phát triển cơ sở hạ tầng. Các khoáng sản có trữ lượng lớn gồm dầu lửa, đồng, và vàng. Mặc dù có nhiều cố gắng từ phía chính phủ song nền kinh tế Papua New Guinea vẫn chậm phát triển. Tháng 3-2006, Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hiệp quốc đã kêu gọi Papua New Guinea chuyển từ nước đang phát triển xuống hàng các nước kém phát triển.   

GDP: 13,32 tỷ USD (năm 2004), 14,37 tỷ USD (năm 2005).

GDP tính theo đầu người: 2.400 USD (năm 2004), 2.600 USD (năm 2005).

 

Ngôi làng của người Papua New Guinea

Tăng trưởng GDP: Mức tăng trưởng thực tế năm 2004 là 2,7% trong đó khu vực kinh tế ngoài khai thác khoáng sản tăng 3,2%, cho thấy sự tăng trưởng tương đối vững trong khu vực nông nghiệp với sản lượng nông nghiệp xuất khẩu ngày càng tăng (với các sản phẩm coca, cùi dừa, dầu cọ và trà). Khu vực khai thác mỏ tăng 2,3%, trong đó sản lượng khai thác vàng tăng cao bù vào sản lượng đồng giảm xuống. Năm 2004, tăng trưởng ở khu vực dầu mỏ giảm 8,5% do sự sụt giảm tự nhiên trong sản lượng dầu mỏ khai thác ở hai mỏ chính là Gobe và Kutubu. Năm 2005, mức tăng trưởng chung tăng lên 2,9%. Nhìn chung mức tăng trưởng vững và nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô thông qua hoạt động điều tiết khéo léo chính sách tài chính và tiền tệ đang phần nào giúp củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế nói trên vẫn chưa đủ để đảm bảo một sự tăng trưởng bền vững. Chính phủ Papua New Guinea thừa nhận động lực tăng trưởng kinh tế là khu vực tư nhân. Song hiện nay khu vực tư nhân đang gặp phải một số vấn đề cản trở trong kinh doanh như hệ thống đường sá xuống cấp, hệ thống thông tin liên lạc không hiệu quả, hệ thống dịch vụ cung cấp điện nước kém, giá vận chuyển cao, và các vấn đề về sở hữu đất và hệ thống thuế còn nhiều bất cập.

 

Trái cọ là sản phẩm xuất khẩu quan trọng

Lạm phát: Lạm phát năm 2004 là 2,1%, mức thấp nhất kể từ năm 1989 và mức thấp thứ hai kể từ khi giành được độc lập. Đến năm 2005, mức lạm phát còn ở mức thấp hơn, đạt 1,9%. Đây là bước cải thiện quan trọng so với mức lạm phát rất cao của các năm trước đó và đóng góp tích cực vào công tác quản lý ngân sách và tiền tệ cũng như ổn định tỷ giá hối đoái. Tỷ lệ này được dự đoán tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. 

Tỷ lệ lãi suất: Cùng với mức lạm phát thấp, lãi suất cũng được duy trì ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Lợi tức trung bình trên Trái phiếu Kho bạc là 4,4%.

Thương mại: Năm 2004, giá trị xuất khẩu đạt 8,889 tỷ Kina và nhập khẩu là 7,831 tỷ Kina, đạt mức thặng dư 1,058 tỷ Kina. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Papua New Guinea là dầu lửa chiếm 70% giá trị xuất khẩu và hơn 20% GDP. Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp theo là đồng, cà phê, cacao và cùi dừa. Thị trường xuất khẩu chính là Australia, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc. Papua New Guinea nhập khẩu chủ yếu là thiết bị máy móc, thực phẩm, chất đốt, hóa chất. Thị trường nhập khẩu chính là Australia, Singapore, Nhật Bản, New Zealand.

 

Cuộc sống kinh tế của người dân gắn với cây dừa

Cán cân thanh toán: Tài khoản vãng lai đạt mức thặng dư là 237 triệu Kina, tương đương 1,7% GDP năm 2004. Mức thặng dư này là nhờ xuất siêu 1,058 tỷ Kina và thặng dư trên hoạt động giao dịch 585 triệu Kina.

Tài khoản tài chính ghi nhận dòng vốn đầu tư ra ngoài ròng là 79 triệu Kina quý I năm 2005 so với 125 triệu Kina cùng kỳ năm 2004. Dòng vốn đổ ra chủ yếu do các công ty khai mỏ đầu tư gián tiếp vào các hàng hóa tài chính ngắn hạn trên thị trường tiền tệ, lên tới khoảng 145 triệu Kina.  

Tỷ giá hối đoái và Dự trữ ngoại hối: Đồng Kina duy trì tương đối ổn định so với đồng USD trong năm 2005. Năm 2005, đồng Kina tăng giá từ 1 PGK/32 US cent lên 32,1 US cent, tăng 0,3%. Sự ổn định của đồng nội tệ cho thấy hoạt động quản lý kinh tế vững của chính phủ và giá các hàng xuất khẩu chính vẫn tiếp tục tăng.  Dự trữ ngoại hối cũng được duy trì ở mức cao và gần đạt tới mức kỷ lục. 

 

Đánh bắt cá cũng là một nghề phổ biến

Nợ khu vực công: Tính đến cuối năm 2004, nợ khu vực công là 7,5 tỷ Kina, tương đương 54,3% GDP (trong đó 4,3 tỷ Kina là nợ nước ngoài và 3,2 tỷ Kina là nợ trong nước).

Triển vọng trung hạn: Tăng trưởng GDP trung bình thực tế dự đoán trong những năm tới sẽ tiếp tục đạt mức khoảng trên 3%. Để duy trì được mục tiêu này Chính phủ Papua New Guinea đề ra một số biện pháp để giải quyết những vướng mắc cho sự phát triển khu vực tư nhân như chuyển một số dịch vụ công không quan trọng sang khu vực tư nhân quản lý, bán bớt một số tài sản nhà nước không sử dụng và sử dụng không hiệu quả, sửa đổi các quy định cản trở sự phát triển và cạnh tranh của ngành giao thông vận tải, mở cửa khu vực viễn thông cho tư nhân tham gia nhằm tăng cạnh tranh để dịch vụ được tốt hơn, xem xét lại các quy định về đất đai và quy hoạch để các thủ tục chuyển nhượng nhanh gọn hơn.

Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Papua-New_Guinea

http://www.apec.org/content/apec/member_economies/economy_reports.html

“Các nước trên thế giới” (Bộ Ngoại giao-2000)

(T.Trinh, Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, ngày 13-7-2006)

 

Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 12-10-2006