Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Nền kinh tế Philippines


Bản đồ Philippines

A. Vài nét về Philippines:

  • Vị trí địa lý: Philippines là một quần đảo bao gồm 7.107 hòn đảo nằm chủ yếu trên các vùng Biển Đông (South China Sea), Biển Philippine, Biển Sulu, Biển Celebes, và Eo biển Luzon.
  • Diện tích: 300.000 km2
  • Dân số: 89.468.677 người (tính đến tháng 7-2006)
  • Ngôn ngữ: Cả tiếng Philippines và tiếng Anh đều là ngôn ngữ chính.
  • Đơn vị tiền tệ: Đồng Peso (PHP)
  • Nhà lãnh đạo Kinh tế hiện nay: Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo

 

Thủ đô Manila

 

B. Nền kinh tế Philippines:

GDP: Tổng sản phẩm trong nước thực tế tăng 6% năm 2004, vượt mức chỉ tiêu là 4,9-5,8%. Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc dân tăng 6,2% cao hơn so với chỉ tiêu đề ra (yừ 5,2 đến 6%). Lượng tiền từ nước ngoài tăng mạnh từ 2,6% GDP năm 1990 (1,2 tỷ USD) lên đến 9,9% GDP năm 2004 (8,5 tỷ USD). Nguyên nhân do tất cả các ngành kinh tế đều tăng trưởng, trong đó ngành dịch vụ tiếp tục đóng vai trò chính trong tăng trưởng kinh tế (7,1%). Năm 2005, GDP ước lượng là 451,3 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 5.100 USD/năm, tốc độ tăng trưởng là 5,1%.

 

Vịnh Manila

Thương mại: Trong quý 1 năm 2005, xuất khẩu tăng khiêm tốn (3,4%) do giảm xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trung gian, nhập khẩu tăng 3,5% - một bước ngoặt so với 4,5% năm 2003. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Philippines là thiết bị điện tử, máy móc và phương tiện vận tải, dụng cụ quang học, quần áo, những sản phẩm từ dừa, trái cây, đậu, những sản phẩm từ kim loại đồng, hóa chất. Thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hà Lan, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia. Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, thiết bị máy móc, chất đốt, động cơ ô tô xe máy, hóa chất, ngũ cốc. Thị trường nhập khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia.

 

Người dân vẫn canh tác lúa dưới chân núi lửa Mayon 

Đầu tư: Tổng đầu tư trong nước giảm 7,4% trong quý 1 năm 2005 chủ yếu do giảm đầu tư trong ngành sản xuất máy móc văn phòng, máy móc công nghiệp, thiết bị và linh kiện điện tử.

Lạm phát: Tỷ lệ lạm phát là 6% năm 2004, cao hơn so với mức dự tính là từ 4,5 đến 5%. Lạm phát gia tăng chủ yếu do các cú sốc về nguồn cung trong năm. Tỷ lệ lạm phát về giá thực phẩm, đồ uống, thuốc lá tăng từ 2,2% năm 2003 lên 6,2% năm 2004. Năm 2005, tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng ở mức 7,9%.

Việc làm: Tổng việc làm tăng thêm 3,2% từ 30,6 triệu việc làm năm 2003 lên đến 31,6 triệu năm 2004. Năm 2004 có thêm 977.000 công nhân có việc làm so với con số 574.000 của năm 2003. Khu vực dịch vụ tạo ra nhiều việc làm nhất (658.000) trong khi số người làm nông giảm đi 1,1%. Số việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ cũng tăng thêm 2,0% và 4,8%. Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp của Philippines ở mức cao, năm 2005 là 12,2%.

 

Ở nhiều nơi, nghề nông vẫn chưa sử dụng máy móc hiện đại

Cán cân thanh toán: Năm 2004 cán cân thanh toán ghi nhận mức thâm hụt 280 triệu USD, ngược lại so với mức thặng dư 115 triệu USD năm 2003. Tuy nhiên mức thâm hụt này lại thấp hơn con số dự tính 516 triệu USD. Như vậy, cán cân thanh toán hiện tại vẫn thặng dư 2,1 tỷ USD nhờ lượng tiền từ nước ngoài gửi về không ngừng tăng lên do nhu cầu lao động người Philippines có tay nghề và trình độ chuyên môn cao ở nước ngoài ngày càng tăng.

Tỷ giá hối đoái: Tỷ giá hối đoái trung bình đồng Peso - Dollar Hoa Kỳ là 56,04 năm 2004, tức là đồng peso giảm giá 3,4% so với tỷ giá 52,20 năm 2003. Năm 2005, tỷ giá này là 55,086.

Nợ nước ngoài: Tổng nợ  nước ngoài giảm đi 4,4% từ 57,4 tỷ USD năm 2003 xuống còn 54,8 tỷ USD năm 2004, chủ yếu là nhờ việc chuyển chủ thể vay tín dụng từ người không thường trú sang người thường trú. Các khoản vay dài hạn và trung hạn lên đến 49,8 tỷ USD, chiếm 90,8% tổng số nợ. Tổng nợ của khu vực công giảm đi 4,1%, tổng nợ của khu vực tư nhân tương tự cũng giảm 5,3% cùng kỳ.

 

Một ngôi làng trồng cây công nghiệp

Chi tiêu ngân sách: Chính phủ Philippines ghi nhận mức thâm hụt 187,1 tỷ Peso năm 2004, thấp hơn 10,7 tỷ Peso so với dự tính của cả năm là 197,8 tỷ Peso. Tổng thu nhập quốc dân tăng 11,7%, đạt mức 699,8 tỷ Peso nhờ Phòng Thu nhập trong nước và Phòng Thuế quan đẩy mạnh cải cách hành chính từ năm 2002.

Cải cách cơ cấu: Chính phủ Philippines nhận thấy cải cách tài chính và cải cách cơ cấu là yếu tố nền tảng trong việc phát triển. Năm 2004 và 2005, một số dự luật và chính sách cải cách đã được thực hiện. Ví dụ: Đạo luật Cộng hòa RA 9334 có hiệu lực vào ngày 1-1-2005 nhằm khắc phục điểm yếu của hệ thống thuế suất hiện tại. Hay Đạo luật RA 9337 có hiệu lực vào ngày 24-5-2005 nhằm mở rộng căn cứ cho thuế giá trị gia tăng (VAT), cũng như điều chỉnh tỷ lệ trong năm 2006 để hệ thống thuế có hiệu quả và năng suất hơn.

Nguồn: http://www.apec.org

(N.H., Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 30-7-2006)

Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 12-10-2006