Kiến thức về quan hệ quốc tế và nghiệp vụ ngoại giao
Gửi câu hỏi/góp ý cho chúng tôi
Chính sách "Một nước Trung Hoa"
Hỏi: Chính sách “Một nước Trung Hoa” là gì? Vì sao Việt Nam phải thực hiện chính sách này? (mmai@gmail...)
Đáp: Nội dung chính sách “Một nước Trung Hoa” là: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một quốc gia thống nhất, độc lập, có đầy đủ chủ quyền. Chính phủ CHND Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
Việt Nam khẳng định kiên trì chính sách “Một nước Trung Hoa”, ủng hộ sự nghiệp thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối các hoạt động “Đài Loan độc lập” dưới bất kỳ hình thức nào, ủng hộ Luật Chống chia cắt đất nước do Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc thông qua, hoan nghênh xu thế hòa dịu trong quan hệ hai bờ gần đây. Việt Nam chỉ giao lưu về kinh tế, thương mại và văn hóa với Đài Loan, không phát triển quan hệ chính thức với Đài Loan.
Quan hệ kết nghĩa của TPHCM với các địa phương trên thế giới
Hỏi: Nghe nói hiện nay TPHCM có quan hệ kết nghĩa với 15 địa phương trên thế giới. Thế nào là quan hệ kết nghĩa? Tại sao chỉ kết nghĩa với 15 địa phương mà không phải là nhiều hơn? (hoakimanh@hcm...)
Đáp: Quan hệ kết nghĩa (tên chính thức là “quan hệ hữu nghị hợp tác”) là mối quan hệ được thiết lập một cách tự nguyện giữa hai địa phương (gọi tắt là hai bên) khi cùng có nhu cầu tăng cường hợp tác song phương trên những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh bổ sung. So với các quan hệ thông thường, quan hệ kết nghĩa có đặc điểm là chặt chẽ, năng động và đa dạng hơn, thể hiện ở việc chính quyền hai bên chú trọng đề ra chiến lược chung và chương trình cụ thể hàng năm để thúc đẩy giao lưu, hợp tác nhiều mặt giữa nhân dân, giới doanh nghiệp và các tổ chức của hai bên.
Quan hệ kết nghĩa chính thức được thiết lập khi đại diện có thẩm quyền của hai bên (thường là người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất) ký kết văn bản hợp tác (có thể dưới nhiều hình thức: bản ghi nhớ, thỏa thuận…)
Cho đến nay, TPHCM có quan hệ kết nghĩa với 15 địa phương trên thế giới. Con số các thành phố kết nghĩa của TPHCM dừng ở số 15 vì việc kết nghĩa phải dựa trên những tiêu chuẩn nhất định (như đã nêu ở trên). Trong tương lai, TPHCM sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường hiệu quả của các quan hệ kết nghĩa đã có và tùy theo tình hình thực tế sẽ xem xét việc mở rộng số lượng các địa phương kết nghĩa nước ngoài.
Việt Nam có quan hệ ngoại giao với bao nhiêu nước và vùng lãnh thổ?
Hỏi: Tôi nghe nói Việt
Đáp: Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 169 nước và lãnh thổ thuộc các châu lục, và lần đầu tiên trong lịch sử có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Nước thứ 169 mà Việt Nam vừa mới thiết lập quan hệ là Cộng hòa Đôminican.
Nước/Đất nước: một vùng đất, khu vực hoặc lãnh thổ của một quốc gia độc lập
Vùng lãnh thổ: một vùng đất thuộc quyền một nước. Ví dụ: Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Trách nhiệm và quyền hạn của Đại sứ và Tổng Lãnh sự
Hỏi: Xin cho biết trách nhiệm và quyền hạn của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại sứ và Tổng Lãnh sự. (bichthuan07@yahoo...)
Đáp: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền (gọi tắt là Đại sứ) là thủ trưởng cơ quan đại diện ngoại giao (Đại sứ quán) có trách nhiệm và quyền hạn sau:
-
Tổ chức thực hiện các quyết định, chỉ thị của Nhà nước, Chính phủ và Bộ Ngoại giao về các hoạt động đối ngoại; phục vụ các đoàn đại biểu cấp cao của nước mình sang thăm và làm việc; quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại mang danh nghĩa Nhà nước.
-
Quản lý và chỉ đạo viên chức, nhân viên Đại sứ quán hoàn thành nhiệm vụ bao gồm thay mặt cho nhà nước mình tại nước sở tại bảo vệ quyền lợi của các cơ quan, tổ chức, công dân nước mình; tìm hiểu điều kiện và sự tiến triển của tình hình nước sở tại bằng những phương tiện hợp pháp; thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học kỹ thuật…
-
Hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan, tổ chức và công dân của nước mình không thuộc cơ cấu Đại sứ quán thực hiện đúng đường lối đối ngoại của nhà nước mình và pháp luật nước sở tại.
Tổng Lãnh sự là thủ trưởng cơ quan lãnh sự (Tổng Lãnh sự quán), là người đại diện toàn quyền về mặt lãnh sự của một quốc gia tại một khu vực lãnh sự ở nước tiếp nhận. Cơ quan lãnh sự có những trách nhiệm và quyền hạn sau:
-
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà nước, pháp nhân và công dân nước mình; cấp hộ chiếu và giấy thông hành cho công dân; cấp thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài muốn đến nước mình.
-
Thực hiện chức năng công chứng một số giấy tờ tài liệu và các công việc hành chính như đăng ký kết hôn, chứng nhận khai sinh…
-
Đại diện pháp lý cho các công dân nước mình trong quá trình tố tụng khi có yêu cầu; tiếp xúc, thăm hỏi các công dân nước mình bị giam giữ, giúp đỡ tàu thuyền, máy bay, phi hành đoàn, thủy thủ của nước mình tại khu vực lãnh sự.
Như vậy Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đại diện cho nhà nước mình làm việc với nhà nước của nước sở tại và giải quyết công việc cấp quốc gia giữa hai nước. Còn Tổng Lãnh sự chỉ làm việc với chính quyền địa phương và giải quyết các công việc về lãnh sự trong phạm vi khu vực lãnh sự.
Treo cờ nước ngoài ở công ty liên doanh
Hỏi: Công ty chúng tôi là công ty liên doanh nước ngoài có được phép treo cờ nước ngoài không? Nếu được thì treo như thế nào là đúng quy định? Các công ty, tổ chức của Đài Loan tại thành phố có được phép treo cờ Đài Loan không? (dinhvanlong74@...)
Đáp: Việc treo cờ nước ngoài có hai trường hợp: thường xuyên và không thường xuyên. Các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia quy định chỉ có các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và văn phòng của các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hiệp quốc được phép treo cờ thường xuyên. Các tổ chức cá nhân khác không có quy chế ngoại giao, lãnh sự như các công ty nước ngoài hay liên doanh với nước ngoài không được phép treo cờ thường xuyên. Đối với việc treo cờ không thường xuyên, các tổ chức trong đó bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép treo cờ nước ngoài (quốc kỳ, cờ nguyên thủ, cờ hoàng gia) trong thời gian có các phái đoàn: Nguyên thủ quốc gia, Người đứng đầu chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện hoặc cấp tương đương, Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Thủ tướng chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng viện, Hạ viện hoặc cấp tương đương, Thành viên chủ chốt của hoàng gia, Bộ trưởng dẫn đầu đoàn đại biểu chính phủ đến thăm, tá túc, làm việc, dự hội thảo, hội nghị… Khi treo cờ nước ngoài phải treo cùng quốc kỳ Việt Nam.
Cũng như tại nhiều nước trên thế giới, quốc kỳ Đài Loan không được chính phủ Việt Nam công nhận. Do đó việc treo cờ Đài Loan ở các công ty, tổ chức của Đài Loan trên lãnh thổ Việt Nam là không được phép.
Đón khách quốc tế theo thủ tục VIP tại phòng khách A của sân bay
Hỏi: Được biết Sở Ngoại vụ TPHCM thường đón khách quốc tế với thủ tục đón khách VIP, sử dụng phòng khách A tại sân bay. Công ty chúng tôi thường xuyên phải đón khách nước ngoài, vậy chúng tôi có được đón theo quy chế VIP như Sở Ngoại vụ không? Thủ tục xin phép như thế nào? (vietcom@hcm...)
Đáp: Thủ tục đón khách VIP sử dụng phòng khách A tại sân bay được áp dụng cho các đối tượng như: các đoàn khách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành cấp thứ trưởng và tương đương trở lên (của Việt Nam và nước ngoài) được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ theo pháp lệnh của Nhà nước; các đoàn khách mời đặc biệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Đối với các đối tượng khác, với mục tiêu bày tỏ thái độ trọng thị nhằm phát triển quan hệ hợp tác, đặc biệt là đối với các tập đoàn kinh tế đang có các dự án lớn tại Việt Nam, Sở Ngoại vụ TPHCM sẽ phối hợp với bộ phận chức năng của Cụm cảng hàng không miền Nam xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Gửi câu hỏi/góp ý cho chúng tôi
Last modified 25-08-2006