Thành phố Geneva (Liên bang Thụy Sĩ)
Bản đồ thành phố Geneva
a. Thông tin cơ bản:
Diện tích:
Thành phố Geneva có diện tích khoảng 15,86 km2, trong khi cả bang Geneva có diện tích 282 km2. Bang Geneva có 4,5 km đường biên giới với các vùng khác của Thụy Sĩ, so với tổng cộng 107,5 km đường biên giới của cả nước.
Dân số:
Dân số của cả bang Geneva là 441.000 người, trong khi dân số của thành phố Geneva là 185.028 người. Geneva là thành phố đông dân nhất trong khu vực nói tiếng Pháp của Thụy Sĩ và là thành phố đông dân thứ 2 của cả Thụy Sĩ. Có khoảng 960.000 người sống tại khu đô thị giáp với bang Vaud và nước Pháp láng giếng (năm 2005). Có khoảng 33,7% người gốc Thụy Sĩ, 27,6% người đến từ các bang khác và 38,7% người nước ngoài đến từ hơn 180 nước sinh sống tại đây. Mặc dù Geneva được biết đến như thành phố của những người theo đạo Tin Lành, tuy nhiên trong thời gian gần đây, số người theo Công giáo lại chiếm tỉ lệ nhiều hơn với 39% so với chỉ 17,4% theo đạo Tin Lành. 22% người dân không theo tôn giáo nào và số còn lại theo những tôn giáo khác.
Vị trí địa lý:
Thành phố Geneva (thuộc Liên bang Thụy Sĩ) nằm ở phía Tây Nam của hồ Geneva, chảy về sông Rhône và được bao phủ bởi 2 dãy núi là Jura và Alps. Thành phố Geneva là thủ phủ của bang Geneva.
Trên đường phố Geneva
Hồ Leman tại Geneva
Lịch sử:
Những dấu tích đầu tiên của người tiền sử được phát hiện bên bờ hồ Leman, vào khoảng 3.000 năm trước công nguyên. Tuy nhiên, mãi đến 2.000 năm sau đó, ngọn đồi ở thành cổ Geneva mới có người đến định cư. Sau khi người La Mã đánh chiếm Geneva, bộ tộc Celtic đã dũng cảm bảo vệ thành phố. Năm 58 trước Công nguyên, Julius Ceasar đánh bại cuộc tấn công của người Helvetii. Dưới thời La Mã, vào khoảng năm 400 sau Công nguyên, nơi đây trở thành một giáo khu.
Bộ tộc German và Burgundian đến định cư đầu tiên vào năm 443, nhưng sau đó họ bị người Franc đánh bại và Geneva bị chiếm vào năm 534. Geneva sau đó được sát nhập vào triều đại Merovingian, và sau đó là Đế chế Carlovingian. Vào thế kỷ 11, Đế chế Carlovingian dần tan rã và Vương quốc Burgundian Đệ nhị nổi lên, trong đó có Geneva. Năm 1032, Vương quốc này rơi vào tay của Đế chế German, tuy nhiên, trên thực tế, từ thế kỷ 11 cho đến thời kỳ Phục hưng, Geneva được các linh mục cai quản, và những người này trở thành những chủ nhân của thành phố.
Geneva chưa phát triển thành một trung tâm quan trọng mãi cho đến cuối thời Trung đại khi các hội chợ ở đây đạt đến đỉnh cao thịnh vượng vào thế kỷ 15, lần đầu tiên mang lại danh tiếng quốc tế cho thành phố. Tuy nhiên, nền độc lập của Geneva lại thường xuyên bị Savoy đe dọa, từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17, Savoy liên tục muốn thôn tính Geneva. Trong thời kỳ hiểm nguy nhất, khoảng 30 năm đầu của thế kỷ 16, nền tự trị của thành phố đã được cứu thoát bởi sự can thiệp, của bang Fribourg và Bern của Thụy Sĩ. Khi thời kỳ Phục hưng thắng thế, thành phố chuyển sang chế độ cộng hòa. Những năm sau đó, John Calvin, người khởi xướng đạo Tin lành, coi Geneva là quê hương của mình và cũng vì lí do đó thành phố còn có tên “Rome Tin lành”. Từ năm 1550, những người Tin lành, đa số là người Pháp và Italia, bị ngược đãi đã chạy trốn sang Geneva để có thể tự do hành đạo. Những người tị nạn này đã làm nặng nề thêm gánh nặng cho nền kinh tế, vốn đã suy vong do các hội chợ đã trên đà tuột dốc vào cuối thế kỷ sau đó. Làn sóng tị nạn thứ hai đổ vào Geneva vào cuối thế kỷ 17 khi vua Louis 14 của Pháp thi hành một loạt các hoạt động ngược đãi những người Tin lành.
Thế kỷ 18 là thời kì kinh tế hưng thịnh khi các nền ngành công nghiệp bắt đầu phát triển mạnh, trong đó có ngành công nghiệp đồng hồ là nổi tiếng hơn cả cùng với kinh doanh và ngân hàng.
Cuộc khởi nghĩa Geneva năm 1792 đã hạ bệ chính phủ của tầng lớp quý tộc thống trị thuộc chế độ cũ và tuyên bố bình đẳng về chính trị. Sau đó Geneva được sát nhập vào Pháp năm 1798 dưới thời Napoleon Đệ nhất và trở thành trung tâm hành chính của Sở Léman. Tự do được khôi phục vào ngày 31 tháng 12 năm 1813 khi quân đội của Napoleon Đệ nhất liên tiếp thất bại. Geneva đệ đơn xin gia nhập Liên bang Thụy Sĩ và đề nghị này được chấp thuận năm 1815. Cuộc nổi dậy năm 1846 do James Fazy dẫn đầu đã lật đổ chính phủ và xây dựng Hiến pháp mà vẫn còn có hiệu lực trong bang cho đến ngày nay.
Trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Geneva đã đón nhận nhiều nhân vật tị nạn chính trị. Dựa trên ý tưởng của một người dân Geneva tên là Henri Dunant, Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ đã được thành lập năm 1864, một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên được xây dựng tại đây.
Vai trò quốc tế của Geneva được khẳng định sau Chiến tranh thế giới thứ nhất khi nơi đây được chọn là trụ sở chính của Phe Đồng minh và tiền thân sau đó là tổ chức Liên hiệp quốc. Ngày nay Geneva được xem là “thành phố toàn cầu”, chủ yếu là do sự hiện diện của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có trụ sở tại Châu Âu của Liên hiệp quốc. Theo thăm dò được tiến hành vào năm 2006 thì Geneva là thành phố có chất lượng sống cao thứ 2 thế giới.
Chính trị:
i. Cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố:
Hội đồng hành chính thành phố Geneva gồm 5 thành viên. Mỗi năm chức vụ thị trưởng thành phố sẽ được đảm trách luôn phiên bởi các thành viên trong hội đồng này. Thị trưởng mới nhậm chức vào ngày 1 tháng 6.
ii. Lãnh đạo thành phố:
Thị trưởng thành phố: Patrice Mugny
Phó Thị trưởng thành phố: Manuel Tornare
Các tổ chức quốc tế:
Quang cảnh Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại Geneva
Geneva là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Liên hiệp quốc (hiện nay trụ sở chính của Liên hiệp quốc đặt tại thành phố New York, Hoa Kỳ) và các tổ chức liên chính phủ khác, điển hình có:
- Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
- Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR).
- Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền ( UNHCHR).
- Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
- Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)
- Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN).
- Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ (ICRC).
- …
Geneva là nơi đặt trụ sở của phe Đồng minh từ năm 1919 cho đến khi phe Đồng minh giải tán năm 1946, tại tòa nhà Palais Wilson, sau đó là Palais des Nations, hiện nay là trụ sở của Liên hiệp quốc.
Kinh tế:
Nền kinh tế Geneva theo định hướng lấy khu vực dịch vụ làm chủ đạo. Thành phố có khu vực tài chính phát triển mạnh và nổi tiếng từ lâu đời, chuyên môn về ngân hàng tư nhân (quản lý tài sản lên đến 1.000 tỷ USD) và cung cấp tài chính cho thương mại quốc tế.
Geneva cũng là nơi được các tập đoàn đa quốc gia chọn làm nơi đặt trụ sở như: JT International, Công ty đóng tàu Địa Trung Hải, Du Pont, Electronics Arts, Hewlett-Packard, Procter & Gamble,…
Nơi đây có truyền thống sản xuất đồng hồ (các nhãn hiệu như Baume et Mercier, Chopard, Rolex, Raymond Weil, Omega,…). Hai nhà sản xuất nước hoa lớn của thế giới là Firmenich và Givaudan cũng đặt trụ sở chính và nhà máy sản xuất tại Geneva.
Các dịch vụ công ích:
Nước, khí tự nhiên và điện được một công ty nhà nước là Services Industriels de Genève (SIG) cung cấp cho người dân bang Geneva. Đa số nguồn nước uống được tinh lọc từ hồ Geneva (khoảng 80%), số còn lại lấy từ nguồn nước ngầm. Khoảng 30% nhu cầu điện năng của bang Geneva là tự sản xuất thông qua 3 trạm thủy điện lớn đặt bên sông Rhône. 13% điện năng sản sinh ra do đốt các chất thải và 57% còn lại do nhập khẩu từ các bang khác của Thụy Sĩ hoặc từ các nước châu Âu khác. Công ty SIG chỉ mua điện năng được sản xuất theo phương pháp tái sinh và đặc biệt không sử dụng điện năng được tạo ra do phản ứng hạt nhân hay tài nguyên thiên nhiên. Khí thiên nhiên có sẵn ở Geneva đáp ứng 2/3 nhu cầu, phần còn lại là nhập khẩu.
Giáo dục:
Trường Đại học Geneva được thành lập từ năm 1559 là trường Đại học lâu đời nhất tại Geneva. Ngoài ra còn có Trường Quốc tế Geneva do phe Đồng minh lập ra năm 1924.
Thành phố cũng nổi tiếng với trường đại học đào tạo về Quan hệ Quốc tế là Graduate Institute of International Studies, trường tư thục về Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế.
Hệ thống các trường công của Thụy Sĩ bao gồm: trường tiểu học (4-12 tuổi), trung học (12-15 tuổi) và sau trung học bắt buộc (15-19 tuổi), trường Trung học nổi tiếng nhất là trường Calvin, được công nhận là một trong những trường công lâu đời nhất trên thế giới.
Văn hóa:
Geneva có một hệ thống bảo tàng phong phú và đa số miễn phí tham quan. Hàng năm Geneva chi phí khoảng 20% ngân sách hàng năm cho văn hóa.
Đồng hồ hoa, một điểm thu hút du khách ở Geneva
Geneva cũng có nhiều công trình kiến trúc lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên thu hút nhiều khách du lịch.
Thánh đường St. Pierre
Đài phun nước là 1 biểu tượng của Geneva
Báo chí, phát thanh, truyền hình: Tờ báo chính của Geneva là tờ Tribune de Genève, tờ thời báo ra đời từ tháng 2 năm 1789 với số lượng độc giả là 187.000 người. Tờ Le Courrier ra đời năm 1868 do nhà thờ Công giáo La Mã hậu thuẫn, nhưng sau đó tách ra độc lập. Tờ Le Temps và Le Matin cũng được công chúng đọc rộng rãi ở Geneva.
Geneva có mạng lưới radio phát thanh bằng tiếng Pháp phong phú và kênh truyền hình chính là Télévision Suisse Romande.
Thể thao: Đội bóng chính của thành phố là đội Servette FC, một câu lạc bộ bóng đá được thành lập từ năm 1890, ngoài ra còn có câu lạc bộ Hockey.
Trên khán đài của Servette FC
Truyền thống và phong tục: Từ năm 1818, một cây hạt dẻ đặc biệt được coi là “sứ giả mang thông điệp của mùa xuân” ở Geneva. Chủ tịch Quốc hội bang Geneva quan sát cây hạt dẻ này để ghi chú lại ngày ra nụ đầu tiên. Thực ra hành động này không có tác động thực tế nào mà chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Chủ tịch quốc hội ra một Thông cáo báo chí và các tờ báo địa phương thường đưa tin về sự kiện này. Năm 2007, nụ hoa đầu tiên nở vào ngày 2 tháng 3.
Rừng Versoix trồng nhiều dẻ
Website chính thức:
http://www.ville-ge.ch/index_e.htm
b. Hoạt động hợp tác:
Văn kiện ký kết:
1. Thỏa thuận hợp tác giữa TPHCM và Thành phố Geneva
Thời gian ký kết: 13/4/2007, tại TPHCM.
Người đại diện ký kết: Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM và Ông André Hédiger, Thị trưởng thành phố Geneva.
Nội dung ký kết: Tăng cường quan hệ hợp tác giữa TPHCM và Thành phố Geneva, tập trung vào các lĩnh vực thể thao, quản lý đô thị, xã hội và văn hóa.
(T.Tiên, Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 11-7-2007)
Các tin liên quan:
- Thành phố Vladivostok (Liên bang Nga) (06-07-2009)
- Thành phố Minsk (Cộng hòa Belarus) (25-05-2009)
- Thành phố Yokohama (Nhật Bản) (25-05-2009)
- Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) (13-01-2009)
- Tỉnh Hyogo (Nhật Bản) (03-10-2008)
- Thành phố Busan (Hàn Quốc) (01-08-2008)
- Thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga) (23-06-2008)
- Thành phố Thượng Hải (CHND Trung Hoa) (30-10-2007)
- Tỉnh Champasak (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) (18-04-2007)
- Thủ đô Viêng Chăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) (18-04-2007)
Cập nhật 11-07-2007