Personal tools

    Search

    


...

Phỏng vấn Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM Seth Winnick

Kết thúc năm 2006, năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có nhiều sự kiện đặc biệt, Website Sở Ngoại vụ TPHCM đã thực hiện cuộc phỏng vấn Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM Seth Winnick.

 

Theo ông, sự kiện nào là nổi bật nhất trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2006?

Chuyến viếng thăm của Tổng thống Bush đến Hà Nội và TPHCM là sự kiện quan trọng của một năm bận rộn trong quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta với nhiều vị khách cấp cao. Chỉ vài ngày sau, thành công của chuyến viếng thăm này trở nên rực rỡ hơn khi Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Vào đầu năm, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã tuyên bố PNTR là bước cuối cùng còn lại trong quá trình bình thường hóa toàn diện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Sự kiện thứ ba, cũng không kém phần quan trọng trong năm này, là việc Ngoại trưởng Condoleezza Rice quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “Các Quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo”. Quyết định của Bà Ngoại trưởng phản ánh điều kiện dành cho tôn giáo đã được cải thiện đáng kể tại Việt Nam cũng như thành công trong đối thoại giữa hai chính phủ về vấn đề này.   

Với tư cách là người đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ tại TPHCM, theo ông, yếu tố nào sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai?

Theo quan điểm của tôi, thách thức phía trước chúng ta không nằm trong một lĩnh vực riêng biệt nào. Chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi ý kiến, thông tin, hàng hóa và dịch vụ, vốn, kiến thức và con người. Về phía chính phủ, cần tiếp tục đối thoại trong một số vấn đề như nhân quyền, tự do hội họp và phát ngôn, dân chủ và tự do tôn giáo. Tôi được động viên đặc biệt bởi tiến triển gần đây trong nỗ lực chung của chúng ta trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường gần những nơi trước đây chứa dioxin. Trong các quan hệ kinh doanh, thương mại và đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường giá trị các mặt hàng xuất khẩu, và các công ty Hoa Kỳ cần phát triển thị trường ở Việt Nam cho một số sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh nhất. Đầu tư nước ngoài, gián tiếp lẫn trực tiếp, đang đạt những tầm cao mới vì giới kinh doanh toàn cầu đang khám phá Việt Nam. Tôi cũng mong thấy được những bước tiến trong các quan hệ giữa con người với con người. Chúng tôi muốn đón thêm nhiều sinh viên hàng đầu cũng như du khách và doanh nhân từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Những lĩnh vực sôi động khác là hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực y tế và khoa học, bao gồm điều trị, phòng chống HIV/AIDS và cúm gia cầm, cũng như hợp tác về quân sự và thực thi pháp luật, và đẩy mạnh đối thoại về các vấn đề trong khu vực. 

Cuối năm 2006, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Việc này có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ?

Quốc hội ủy nhiệm Tổng thống dành quy chế đối xử không phân biệt (đối xử quan hệ thương mại bình thường) cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có quyền thâm nhập vĩnh viễn thị trường Hoa Kỳ với các điều kiện y hệt như điều kiện đối với tất cả các đối tác thương mại khác mà trước đây vẫn gọi là quy chế Tối huệ quốc. Điều quan trọng là phải biết Việt Nam đã được hưởng quy chế này trước khi được cấp PNTR, tuy nhiên, điều kiện để Việt Nam thâm nhập thị trường này được xét lại từng năm. PNTR là một yếu tố giúp Việt Nam gia nhập WTO; việc gia nhập này khẳng định Việt Nam đã gia nhập toàn diện vào hệ thống thương mại toàn cầu hóa của quốc tế. Là thành viên WTO, Việt Nam có tất cả các lợi ích trong việc thâm nhập thị trường toàn cầu cũng như tất cả những trách nhiệm khác.

Hiện nay, một trong những mũi nhọn của kinh tế TPHCM là tiếp nhận đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế. Vậy theo ông, TPHCM cần làm gì để có thể tăng khả năng thu hút đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp Hoa Kỳ?

Việt Nam là điểm đến đầu tư sôi động do có lực lương lao động dồi dào, trẻ, tài năng và năng suất cao cùng với thị trường trong nước rộng lớn và tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, các vướng mắc trong cơ sở hạ tầng chính, đặc biệt ở miền Nam, cần phải được giải quyết.   Đường sá, đường tàu, cảng, điện, nước là rất quan trọng trong sản xuất. Đầu tư vào những lĩnh vực này – tôi muốn nói vốn đầu tư được đưa vào thị trường chứ không phải chỉ ODA – là nguồn lực chủ yếu của sự phát triển kinh tế trong và của chính nền kinh tế đó. Cơ sở hạ tầng về con người cũng là một nhu cầu. Mọi công ty ở Việt Nam, trong nước cũng như nước ngoài, đều đang phấn đấu phát triển và sử dụng lâu dài đội ngũ các nhà quản lý. Giáo dục đẳng cấp thế giới, ở bậc trung học lẫn đại học, đều rất quan trọng để viết tiếp câu chuyện về sự thành công của Việt Nam.

Có nhiều ý kiến cho rằng thủ tục cấp visa nhập cảnh vào Hoa Kỳ hiện nay có rất nhiều khó khăn, số lượng người được nhập cảnh so với số lượng nộp đơn thường thấp hơn, điều này gây khó khăn cho việc du học tại Hoa Kỳ của thanh niên Việt Nam. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Thực tế, năm ngoái chúng tôi đã cấp một số lượng visa kỷ lục cho du học sinh, cao hơn 56% so với năm 2005. Hiện có gần 5.000 sinh viên học sinh Việt Nam đang du học ở Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là nước đứng thứ hai, sau Australia, được sinh viên học sinh Việt Nam chọn làm nơi du học. 

Tổng thống Bush, Ngoại trưởng Rice và Bộ trưởng Giáo dục Spellings đều tuyên bố rõ là việc thu hút sinh viên học sinh nước ngoài đến Hoa Kỳ du học là ưu tiên quốc gia. Gửi sinh viên học sinh Việt Nam đến Hoa Kỳ du học là điều tốt đẹp cho cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ. Tổng thống Bush từng phát biểu: “Càng nhiều thanh thiếu niên đến Hoa Kỳ học tập thì khả năng mọi người trên thế giới hiểu bản chất thực sự của đất nước Hoa Kỳ càng cao.”

Chúng tôi sẽ cấp càng nhiều visa nếu chúng tôi thấy có càng nhiều du học sinh hội đủ điều kiện hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, du học sinh tìm cơ hội theo học các trường được kiểm định chất lượng ở Hoa Kỳ ít gặp vấn đề khi xin visa. Sinh viên học sinh cũng có thể được tư vấn du học miễn phí và vô tư tại Văn phòng Tư vấn Du học của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), số 69 Hoàng Hoa Thám, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, website: www.iievn.org.

Để tăng khả năng thành công trong phỏng vấn xin visa du học, các bạn sinh viên học sinh nên xem cuộc phỏng vấn như cuộc trò chuyện với viên chức phỏng vấn. Không có câu trả lời nào là “đúng” hay “sai” cả và chúng tôi nhận thức rõ là mỗi trường hợp đều có những đặc thù riêng. Đề nghị tham khảo trang Web của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại địa chỉ http://www.hochiminh.usconsulate.gov/ để xem hướng dẫn chi tiết về cách nộp hồ sơ.

Cảm ơn và xin chúc ông cùng gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc.

(Thực hiện: Ban Biên tập Website Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 22-2-2007)

 


Tệp đính kèm:

 

Related news:
Created by thanhdm
Last modified 23-02-2007
 

Số lượt truy cập.