Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng nổi bật

Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng nổi bật trên trường quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới và khu vực, cả trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa…

Với vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ, từ những kinh nghiệm của mình, Việt Nam đã đề xuất giải quyết các vấn đề bảo vệ hoà bình, tái thiết sau chiến tranh… được các nước tán thành và ủng hộ.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên họp của HĐBA hôm 5-10-2009, với đề mục “Phụ nữ, hoà bình và an ninh”, đề xuất “Đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái thời kỳ hậu xung đột và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hoà bình - an ninh”. Đại diện gần 60 nước trong đó có 15 nước thành viên HĐBA, lãnh đạo LHQ và các tổ chức quốc tế tham luận tại phiên họp đã đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam.

 

HĐBA nhất trí thông qua Nghị quyết 1889 (2009) do Việt Nam dự thảo và chủ trì thương lượng, được 20 nước khác cùng đồng tác giả, trong đó đề ra một loạt biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi giai đoạn của tiến trình hoà bình và chuẩn bị kỷ niệm 10 năm HĐBA thông qua Nghị quyết đầu tiên về phụ nữ, hoà bình và an ninh năm 2000.

 

“Việt Nam làm tốt vai trò trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA” -  Giám đốc điều hành tổ chức Security Council Report của LHQ khẳng định như vậy và nhấn mạnh: “Việt Nam đã thể hiện tính chuyên nghiệp về mặt ngoại giao, tính can đảm trong việc bảo vệ những nguyên tắc mà mình ủng hộ, cũng như tính hiệu quả trong việc tìm kiếm đưa ra những giải pháp...”.

 

Theo ông Coolin Keating, việc thể hiện rõ lập trường quan điểm là rất quan trọng, nhất là khi phải bỏ phiếu. Việt Nam đã thể hiện sẵn sàng bảo vệ quan điểm, lập trường của mình và Việt Nam đã được tôn trọng vì việc đó.

 

Với cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ, Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng quốc tế “tưởng như xa xăm”: các cơ quan LHQ, Liên minh châu Phi, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi, Cote d'Ivoire, Trung Đông với Palestine, Arập với Israel, Lebanon…

 

Việt Nam được cho là quan tâm và am hiểu sâu về các vấn đề chung và của từng khu vực. Khẳng định đối thoại và thương lượng là những giải pháp khả thi duy nhất giúp giải quyết cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông, Đại sứ Việt Nam bên cạnh LHQ Lê Lương Minh kêu gọi các bên liên quan thực thi nghĩa vụ quy định tại Lộ trình hòa bình, Các nguyên tắc tham chiếu Madrid, Sáng kiến hòa bình Arập và các nghị quyết liên quan của HĐBA.

 

Tại LHQ, Việt Nam không chỉ nêu rõ quan điểm mà còn thể hiện sự sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

 

Vai trò và sự đóng góp của Việt Nam tại ASEAN được đánh giá là tích cực và nổi bật với nhiều sáng kiến. Nhiều nước trên thế giới coi Việt Nam là cầu nối quan trọng để đến với ASEAN, nhất là vào năm 2010 khi Việt Nam nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN.

 

Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, vai trò của Việt Nam cũng ngày càng gia tăng. Việc nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng vào loại nhanh nhất thế giới cũng như giảm thiểu những hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những thành tích trong việc xoá đói giảm nghèo, nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế, bước đầu thành công trong việc ngăn chặn đà suy thoái, duy trì ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội… được tạo được những ấn tượng tốt đẹp và uy tín quốc tế.

 

Hội nghị doanh nghiệp châu Á lần thứ 19 của Asia Society tổ chức tại TPHCM vừa qua đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

 

Việc Asia Society thêm một lần chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế được cho là dịp các tập đoàn đa quốc gia đến tìm hiểu môi trường kinh doanh, đánh giá lại tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Việt Nam và nói lên mong muốn Việt Nam có thể đóng một “vai trò mới”, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung.

 

Việt Nam đang trở thành một điểm nổi bật ở Đông Nam Á khi các nước lân cận chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ cơn suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị - xã hội. Những tiềm năng kinh tế của Việt Nam, ngoài những con số về tài nguyên, lao động, nay còn được kể thêm về chính sách tăng cường hội nhập, mở cửa kinh tế…

 

Vai trò của Việt Nam đang được nhìn nhận như một đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của các nước đang phát triển. Với việc lần đầu tiên Việt Nam chủ trì Hội nghị năm 2009 của WB và IMF tại Thổ Nhĩ Kỳ đầu tháng 10 vừa qua, vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Các định chế tài chính lớn thường “mạnh về tiền”, nay bắt đầu chú ý lắng nghe các nước đang phát triển.

 

Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Thống đốc, chủ trì Hội nghị hàng năm của hai tổ chức tài chính lớn nhất thế giới với sự tham gia của 15.000 đại biểu gồm bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng 186 nước thành viên của WB và IMF, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu chỉ ra nhu cầu tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển, đồng thời nêu bật những nỗ lực, khả năng của châu Á, ASEAN và Việt Nam trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu.

 

Quan điểm của Việt Nam là mong muốn WB và IMF hỗ trợ nhiều hơn cho các nước đang phát triển về cả hai mặt: hỗ trợ khắc phục hậu quả khủng hoảng cũng như khích lệ vai trò của các nền kinh tế đang phát triển.

 

“Lần đầu tiên và một cách chính thức, chúng ta phải thừa nhận rằng các nước đang phát triển đóng vai trò chủ chốt trong việc tìm kiếm các giải pháp đối phó khủng hoảng” là sự thừa nhận về sự thay đổi của các định chế tài chính lớn.

 

“WB và IMF cần cải tổ để tạo một diễn đàn công bằng cho tất cả 186 quốc gia thành viên”- Giám đốc Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick nói.

 

Trong lĩnh vực văn hóa, hôm 14-10 Việt Nam vừa được bầu là Ủy viên Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) nhiệm kỳ 2009-2013, với số phiếu ủng hộ 156 trên tổng số 178 nước có mặt và có quyền bầu cử.

 

Đây là lần thứ ba Việt Nam được bầu vào Hội đồng Chấp hành của UNESCO. Trước đó, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí này nhiệm kỳ 1978-1983 và nhiệm kỳ 2001-2005.

 

Việc Việt Nam được bầu là thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần này là kết quả của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam; là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế, vai trò và những đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với các hoạt động của UNESCO trong những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tổ chức.

 

Đó sẽ là diễn đàn đa phương quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình sau khi nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ sẽ kết thúc vào tháng 12-2009.

 

Trong khu vực, lần đầu tiên Đại hội đồng Hiệp hội Luật gia các nước ASEAN (ALA) với khoảng 300 đại biểu, sẽ được tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 14 đến 18-10.

 

Với chủ đề: "Hiến chương ASEAN - Đưa ASEAN lên tầm cao mới", Đại hội ALA lần này là Đại hội đầu tiên sau sự kiện thành lập Cộng đồng ASEAN; Đại hội bắt đầu cương vị Chủ tịch ALA lần đầu tiên của Uỷ ban quốc gia ALA Việt Nam.

 

Với vai trò này, Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ, sự hợp tác gắn bó và sự hiểu biết lẫn nhau trong giới luật gia của các nước ASEAN; đảm bảo một khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác khu vực; đảm bảo các thiết chế tổ chức cho sự hợp tác của ASEAN.

 

ALA Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho cộng đồng, đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

 

(V.K., Sở Ngoại vụ TPHCM)

 
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn