Biên giới Việt - Trung: Mốc mới ổn định, lâu bền
Ba văn kiện quan trọng về biên giới Việt - Trung vừa được hai bên ký ở cấp chính phủ: 1- Nghị định thư về phân giới cắm mốc; 2- Hiệp định quy chế quản lý biên giới Việt - Trung; và 3- Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt - Trung.
+ Hoàn thành sứ mạng lịch sử: Kết thúc 35 năm đàm phán
Lễ ký diễn ra chiều qua, 18-11-2009, tại Bắc Kinh, giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ.
Tiếp theo sự kiện hoàn thành cắm 1.971 cột mốc trên đường biên dài hơn 1.400 km vào ngày cuối năm 2008, việc ký ba văn kiện quan trọng này xác định đường biên, các cột mốc bằng văn bản pháp lý. Các cột mốc được cắm trên đường biên và những văn bản kèm theo tạo ra một mốc mới, to lớn trong quan hệ hai nước: ổn định, hữu nghị và dài lâu.
Giống như hai nhà hàng xóm có đất riêng, nhưng ranh giới đất từ thời xưa để lại còn có chỗ chưa xác định chi tiết, nay xác quyết lại một lần cho chính xác, ổn định, trồng lại hàng rào, làm văn bản mô tả vị trí hàng rào, rồi cùng nhau ký kết "trước bạ" cho cái hàng rào ấy.
Trả lời phỏng vấn TTXVN, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn nhận định: "Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc 35 năm đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền, hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử giao phó, tạo cơ sở cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài giữa hai nước".
+ Bộ hồ sơ hoàn chỉnh
Năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền. Giống như các văn bản pháp lý khác, Hiệp ước bao gồm các thỏa thuận chung, chỉ có thể đi vào đời sống thực tiễn khi có các hiệp định đi kèm hướng dẫn cụ thể.
Ba văn kiện vừa được ký hôm qua tại Bắc Kinh là các văn kiện có tính chất hướng dẫn, quy định cụ thể, phối hợp triển khai Hiệp ước vào thực tiễn. Ba văn kiện này, cùng với Hiệp ước và hệ thống cột mốc đã được cắm, tạo thành một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, xác lập chính xác đường biên giới và bảo đảm duy trì ổn định, quản lý một cách khoa học đường biên ấy.
Các thủ tục còn lại sẽ được tiến hành trong vòng 6 tháng, gồm việc mỗi nước trình Chủ tịch nước phê duyệt, trao đổi công hàm xác nhận việc phê duyệt này để các văn kiện có hiệu lực.
Trong các khâu triển khai thực hiện, gồm thành lập Ủy ban liên hợp biên giới để điều phối quản lý, bảo vệ, giải quyết các việc liên quan, bàn giao trên thực địa... còn có việc chi tiết hóa một số vấn đề. Thí dụ: đàm phán và ký Hiệp định về quy chế tự do đi lại của tàu thuyền ở khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác khai thác tiềm năng du lịch thác Bản Giốc.
Dự kiến các thủ tục, hiệp định chi tiết này sẽ hoàn tất trong năm 2010, năm kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt -Trung, và là sự kiện mở đầu cho Năm Hữu nghị Việt -Trung 2010.
+ Ba văn kiện: Mới và cụ thể
Nghị định thư phân giới cắm mốc vừa được ký dày 450 trang với trên 2.200 trang phụ lục, mô tả chi tiết đường biên giới một cách chính xác, rõ ràng, khoa học bằng cả lời văn, bản đồ, hồ sơ của từng cột mốc... Nghị định thư này là căn cứ pháp lý xác định đường biên giới chung.
Việc hai bên cùng quản lý đường biên được xác định rõ bằng Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, thay thế Hiệp định tạm thời ký năm 1991.
Hiệp định về quy chế quản lý vừa được ký quy định cụ thể các nội dung công việc, từ bảo vệ đường biên, mốc giới, đến khai thác sử dụng nguồn nước, các loại mẫu giấy tờ qua lại của người, phương tiện, hàng hóa, phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, tính đến cả các nguyên tắc, biện pháp cụ thể như xử lý xuất nhập cảnh trái phép, sửa chữa, khôi phục mốc giới khi bị hư hại...
Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu xác định 9 cặp cửa khẩu đã mở và 13 cặp dự kiến sẽ mở trong tương lai, quy định quy trình, thủ tục qua lại, mở các cặp cửa khẩu mới...
Các văn kiện này xác định đường biên, đặt ra cách quản lý mới, rất cụ thể và đồng bộ, phân công rõ nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý của ngành, địa phương mỗi bên, tính đến cả những trường hợp chưa xảy ra... nhằm bảo đảm giữ gìn, quản lý đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hiệu quả.
+ Lịch sử đường biên Việt - Trung
Đường biên giới Việt - Trung vốn có từ lâu đời. Tạp chí Geographer số 38 của Vụ Tình báo và Nghiên cứu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 29-10-1964 có bài viết: "Sau hơn 10 thế kỷ bị đô hộ, năm 939 Bắc Kỳ phá vỡ ách đô hộ của Trung Quốc và thành lập Vương quốc Đại Cồ Việt... Nhà nước mới này đã bảo vệ được nền độc lập của mình... một đường biên giới gần giống như ngày nay dường như đã tồn tại giữa hai quốc gia cách đây 10 thế kỷ".
Từ nhiều thế kỷ trước, các triều đình Việt Nam đã thể hiện mong muốn ấn định biên cương bằng pháp lý và điều này từng được hai bên bàn bạc. Các triều vua Việt Nam từng cử các sứ bộ sang hội đàm về biên giới với Trung Quốc, như hai cuộc Hội nghị Vĩnh Bình giữa nhà Lý và nhà Tống năm 1033 và năm 1084.
Thế kỷ 19, với việc Pháp đô hộ Việt Nam, Chính phủ Pháp nhân danh Việt Nam ký với triều đình Mãn Thanh Công ước ngày 26-6-1887 và Công ước bổ sung ngày 20-6-1895, chính thức công nhận đường biên giới và cắm 341 cột mốc quốc giới, từ Móng Cái đến biên giới Lào - Trung.
Đó là các văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên xác định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cơ sở của hai công ước này dựa trên đường biên giới vốn có tồn tại từ lâu đời giữa hai nước, trước khi Pháp xâm lược Việt Nam.
Thời đó, với các kỹ thuật và điều kiện còn thô sơ, các công ước này có lời văn mô tả đơn giản, nhiều chỗ không rõ ràng, không phù hợp với thực địa, bản đồ tỷ lệ nhỏ, nhiều địa danh, khu vực không thể hiện như bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót, nhiều khu vực chưa được cắm mốc hoặc cắm mốc quá thưa. Hệ thống mốc bị hư hại, xê dịch, phá hủy do chiến tranh và thời gian.
Ngày 2-11-1957, Ban Bí thư TƯ Đảng Lao động Việt Nam gửi thư cho Ban Chấp hành TƯ ĐCS Trung Quốc đề nghị hai bên tôn trọng đường biên giới lịch sử do hai công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 để lại và giải quyết mọi tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình.
Tháng 4-1958 phía Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của Việt Nam.
Các cuộc đàm phán về biên giới Việt - Trung được bắt đầu tại Bắc Kinh ngày 15-8-1974. Cuộc đàm phán lần thứ hai diễn ra từ 7-10-1977 đến tháng 6/1978. Đàm phán lần thứ ba được nối lại tại Hà Nội từ ngày 18-4-1979.
Cuộc đàm phán lần thứ tư bắt đầu từ tháng 10-1992, sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ và kéo dài 7 năm. Cuối cùng, hai bên ký Hiệp ước biên giới đất liền ngày 30-12-1999.
Trên cơ sở Hiệp ước này, tháng 12-2001, hai bên cắm cột mốc đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng.
Ngày 31-12- 2008 việc cắm mốc hoàn thành, sau 8 năm vừa đàm phán chi tiết, vừa tiến hành cắm mốc trên thực địa. Biên bản được ký giữa hai thứ trưởng Ngoại giao hai nước vào lúc 2 giờ 5 phút sáng ngày 1-1-2009.
Tổng cộng hai bên đã cắm 1.971 cột mốc, trong đó có 1.549 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ.
Với kết quả này, hai bên cơ bản giải quyết được các vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ (đất liền và Vịnh Bắc Bộ), tạo điều kiện tập trung giải quyết các vấn đề trên Biển Đông.
Về biên giới trên biển, hai bên nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế hiện hành, xây dựng cơ chế thích hợp nhằm kịp thời xử lý các tranh chấp trên biển, khẳng định kiên trì thông qua đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài... thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, tuân thủ nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN - Trung Quốc...
+ Biên mậu sẽ sôi động
Cùng với việc cắm mốc, hai bên xây dựng các tuyến đường vành đai, mở các trạm cửa khẩu, xây dựng các chợ cửa khẩu, chuẩn bị các khu công nghiệp thương mại vùng biên giới.
Sôi động nhất là các vùng Lạng Sơn, Móng Cái, Lào Cai. Các khu vực còn khó khăn như Lũng Pô, Apachải cũng đang tích cực làm đường, mở các đường mới tới các cửa khẩu tương lai.
Các tỉnh vùng biên cả hai bên họp với nhau trong các nhóm liên hợp về công tác biên giới. Đại diện 4 tỉnh Tây Bắc (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) họp lần thứ nhất vào tháng 9-2008 tại Lào Cai về phối hợp quản lý biên giới, xây dựng cửa khẩu, hợp tác kinh tế-thương mại, xem xét nội dung phối hợp trong giai đoạn 2009 - 2010.
Tháng 8 vừa qua, tại Mông Tự (Vân Nam, Trung Quốc), đoàn đại biểu 4 tỉnh Tây Bắc Việt Nam đã tham dự phiên họp lần thứ hai nhóm công tác liên hợp với tỉnh Vân Nam, dự lễ khánh thành cầu Kim Thành nối Lào Cai với Hà Khẩu của Trung Quốc qua sông Hồng.
Kỳ họp thứ 3 của nhóm công tác liên hợp sẽ được tổ chức tại tỉnh Điện Biên vào giữa quý 3-2010, do Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Điên Biên và Trưởng ban Ngoại vụ tỉnh Vân Nam làm Tổng Thư ký.
Biên mậu Việt - Trung thời gian qua góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các trung tâm thương mại, tạo việc làm...tại các địa phương vùng biên giới.
Mục tiêu đến năm 2010, xuất khẩu biên mậu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ đạt 1 tỷ USD và mốc tiếp theo vào năm 2015 là 2,5 tỷ USD với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm.
Con số đó hiện còn nhỏ so với kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt trên 20 tỷ USD trong năm 2008 và dự báo 25 tỷ USD vào năm 2010.
Với việc ổn định biên giới, cửa khẩu giữa hai nước, mậu biên với Việt - Trung được dự báo sẽ phát triển mạnh, nhất là từ nay tới năm 2015, sẽ có mức tăng trưởng cao hơn thương mại hàng hóa. Riêng nhóm dịch vụ vận tải, kho ngoại quan, ngân hàng… sẽ phát triển mạnh sau 2010.
(V.K., Sở Ngoại vụ TPHCM)
Các tin liên quan:
- Tàu hải quân Trung Quốc kết thúc chuyến thăm hữu nghị TPHCM (18-01-2013)
- Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc TPHCM tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2012 – 2017 (28-11-2012)
- Khai trương đường dây nóng ngoại giao Việt-Trung (08-11-2012)
- Việt-Trung họp ủy ban liên hợp biên giới đất liền (08-11-2012)
- Lãnh đạo TPHCM dự Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 63 (15-10-2012)
- Họp mặt kỉ niệm 63 năm Quốc khánh Trung Quốc (01-10-2012)
- Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc TPHCM (28-08-2012)
- Lãnh đạo TPHCM tiếp Chủ tịch Hội Trung Quốc - Asean (28-08-2012)
- Kỷ niệm 62 năm quan hệ VN-TQ tại Hong Kong, Macau (15-08-2012)
- Tăng cường hợp tác hai cơ quan lập pháp Việt-Trung (12-08-2012)
Cập nhật 19-11-2009