Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


Việt – Đức: Bản giao hưởng bên cánh hoa đào

Bản giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức Ludwig van Beethoven do dàn nhạc giao hưởng của Đức và Việt Nam, với gần 200 nghệ sĩ nổi tiếng của hai nước, sẽ được cử lên tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 23 và 24-1-2010, chính thức mở màn Năm Đức tại Việt Nam.

Giới âm nhạc cho rằng buổi hoà nhạc này sẽ trở thành một trong những sự kiện âm nhạc lớn nhất ở Hà Nội, báo thức những sự kiện lớn diễn ra trong năm 2010.

 

Đại sứ Đức tại Việt Nam Rolf Schulze hy vọng năm 2010 sẽ là “một chuyến du lịch thú vị” tìm hiểu về văn hoá, nghệ thuật, du lịch, kinh tế… của nước Đức và “đánh thức giới trẻ” về một đối tác đầy tiềm năng.

 

Chùm sự kiện ngoại giao văn hoá lớn và nghiêm túc

 

Cùng một lúc, tại cả hai nước, năm 2010 được lấy làm Năm Đức tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Đức. Đây là sáng kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đưa ra vào dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Đức và được phía Đức hoan nghênh tán thành và cùng tích cực chuẩn bị.

 

Chương trình được bảo trợ bởi hai nhà lãnh đạo cấp cao của Đức và Việt Nam, Tổng thống Đức Horst Köhler và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết.

 

“Đây là một chùm sự kiện ngoại giao văn hoá lớn và nghiêm túc, thể hiện sự tăng cường quan hệ chặt chẽ giữa hai nước"- Đại sứ Đức tại Việt Nam, Rolf Schulze nhận xét.

 

Đại sứ Việt Nam tại Đức Đỗ Hòa Bình nhấn mạnh nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2010 hai bên sẽ có nhiều chương trình giao lưu, tìm hiểu, quảng bá tiềm năng, thúc đẩy quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai nước.

 

Trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 18-1-2010, Đại sứ Đức Rolf Schulze thông báo một kế hoạch chi tiết các chương trình kéo dài suốt 12 tháng trong Năm Đức tại Việt Nam. Theo đó, có bốn chủ đề chính: Môi trường và Đô thị, Giao thông, Kiến trúc, Bảo vệ môi trường và Biến đổi khí hậu.

 

Các chủ đề này sẽ được thể hiện sâu bằng các hội thảo chuyên ngành, hội chợ, triển lãm, các sự kiện nghệ thuật, giao lưu...

 

Chủ đề Nghệ thuật sẽ giới thiệu văn hóa Đức, Điện ảnh, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Múa, Thời trang và Thiết kế thời trang, với các hình thức đối thoại và trao đổi. Liên hoan phim tổ chức ở các thành phố  lớn, các triển lãm ảnh, sách, giao lưu nghệ  sĩ và nghệ thuật công cộng, múa, nhạc kịch, trình diễn thời trang cũng sẽ được tổ chức. 

 

Lễ hội tháng Mười, một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của Đức được chào đón tại Việt Nam vài năm gần đây, cũng sẽ được tổ chức hoành tráng hơn trong năm nay tại Hà Nội và TPHCM, dự kiến sẽ thu hút đông người tham gia.

 

Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Văn hoá và UNESCO Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhận xét Năm Đức tại Việt Nam là sự kiện tiếp nối thể hiện sự phát triển chính sách ngoại giao văn hoá của Việt Nam.

 

Chính sách ngoại giao văn hoá của Việt Nam, theo ông Châu, như một “hoa đào 5 cánh”, bao gồm: mở đường cho các hoạt động ngoại giao khác; là chất xúc tác cho mối quan hệ Việt Nam và các nước; góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài; vận động các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và làm việc tại Việt Nam; tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới.

 

Ông Châu nhận xét: Năm Đức tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Đức “thể hiện quan hệ Việt - Đức phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực cũng như thể hiện chiều sâu về mặt tình cảm của mối quan hệ đó”.

 

Đó cũng là sự thể hiện cánh hoa thứ 5, góp thêm cánh cho cành đào Xuân hồng thêm sắc.

 

Ông Hà Văn Quế, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội cho rằng dự án này cũng “là món quà đặc biệt nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Chúng tôi ủng hộ hết mình để chương trình thành công tốt đẹp”.

 

Xuân này, bên cành đào, cành mai và nhạc truyền thống dân tộc, còn có thêm những bản giao hưởng bất hủ của chiều sâu tình cảm hữu nghị.

 

Tăng cường quan hệ kinh tế song phương

 

Vào năm kỷ niệm trọng thể này, Đức sẽ tổ chức hội thảo lịch sử - khoa học: "Quan hệ ngoại giao Đức - Việt". Các nhà nghiên cứu Đức và Việt Nam sẽ cùng nhìn lại và đánh giá các sự kiện trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hướng tới những triển vọng về quan hệ tương lai.

 

Một cuộc hội thảo về quan hệ kinh tế Đức - Việt sẽ được tổ chức trong tháng Tư tới với sự tham dự của các đại diện cao cấp của hai bên. Trọng tâm là viễn cảnh kinh doanh của các doanh nghiệp Đức và châu Âu ở Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, có hội thảo "Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa- một mô hình cho Việt Nam" do Viện Konrad - Adenauer tổ chức.

 

Các hội thảo và triển lãm về chủ đề môi trường, kinh tế nước, rừng, phát triển đô thị bền vững, người nhập cư, bảo tồn văn hóa…cũng được tổ chức.

 

Chủ đề phát triển đô thị và môi trường được nhấn mạnh và đặt trong tương quan với việc tổng kết những thành quả quan hệ Đức - Việt trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, hợp tác phát triển và kinh tế cũng như viễn cảnh tương lai nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ kinh tế song phương.

 

17 chương trình lớn tại Đức

 

Với tư cách là một người bảo trợ, Tổng thống Đức Horst Köhler gửi thư chào mừng "Năm Việt Nam ở Đức", nhấn mạnh vai trò của khoảng 100.000 người Việt hiện sinh sống ở Đức đã "góp phần vào sự đa dạng văn hóa của nước Đức".

 

Các chương trình trong “Năm Việt Nam tại Đức” bao gồm 17 hoạt động lớn, sẽ giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật và du lịch đặc sắc, quảng bá văn hóa Việt gắn kết hơn nữa cộng đồng người Đức gốc Việt hướng về quê hương, giới thiệu với các doanh nghiệp Đức tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

 

Ngày 5-2-2010, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường sẽ sang thăm Đức và khai mạc Năm Việt Nam tại Đức.

 

Trước đó, ngày 26-12-2009, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã họp mặt với hơn 40 đại diện lãnh đạo các hội, đoàn người Việt từ nhiều địa phương của Đức để bàn biện pháp phối hợp nhằm tổ chức thành công Năm Việt Nam tại Đức.

 

Đại sứ Đỗ Hòa Bình cho biết sẽ có các chương trình giao lưu thanh niên Việt Nam và thanh niên bang Hessen; các cuộc hội thảo, hoạt động thể thao, giao lưu văn hóa, nghệ thuật; thi hoa hậu người Việt ở châu Âu tại Đức.

 

Các hội thảo xúc tiến du lịch, diễn đàn doanh nghiệp Việt - Đức, triển lãm ảnh về hợp tác Việt - Đức, thi đấu thể thao hữu nghị…cũng sẽ được tổ chức.

 

Đặc biệt, sẽ có hai sự kiện quan trọng: tổ chức Tết cổ truyền dân tộc đón Xuân Canh Dần và Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Việt Nam cuối tháng 8-2010 tại Quảng trường Alexander Platz ở trung tâm thủ đô Berlin.

 

Một đoàn nghệ thuật của TPHCM cũng sẽ sang biểu diễn tại một số thành phố Đức, theo lời mời của hiệp hội kinh tế Đức – Á và phục vụ Tết cho cộng đồng người Việt tại Đức.

 

Múa rối nước, chiếu phim giới thiệu Hà Nội - Thủ đô nghìn năm tuổi sẽ được tổ chức.

 

Thúc đẩy các mối quan hệ đầy tiềm năng

 

Ngay sau khi đại diện Bộ Ngoại giao hai nước ký bản ghi nhớ vào tháng 10-2009 về các biện pháp hỗ trợ triển khai các sự kiện kỷ niệm, tháng 11-2009, phía Đức đã cử bà Nicola Beer, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp, Hòa nhập và Châu Âu của bang Hessen, đồng thời là quan chức của bang Hessen đặc trách về Năm Đức tại Việt Nam đến Hà Nội chuẩn bị phối hợp triển khai các sự kiện.

 

Đức quan tâm sâu sắc tới việc hợp tác phát triển văn hoá cũng như các mối quan hệ song phương các với Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó có một lý do được đánh giá là “không nước nào ở châu Á có được”. Đó là việc có hơn 200.000 người Việt nói được tiếng Đức đang sinh sống tại hai nước, hơn 3.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Đức.

 

Đây là một cầu nối thuận lợi, góp phần tăng cường cho các "điều kiện chung cho phát triển mối quan hệ song phương hiện rất tốt”, như lời nhận xét của Đại sứ Đức tại Việt Nam Rolf Schulze.

 

Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-9-1975, từ năm 1993 đến nay thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao.

 

Đức là một nền kinh tế lớn trên thế giới và đứng đầu EU, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực phát triển năng động, đóng vai trò cầu nối với ASEAN và các thị trường rộng mở ở châu Á - Thái Bình Dương.

 

Nửa đầu năm 2009 đã có hơn 20 đoàn Đức tới thăm Việt Nam, một “mật độ dày đặc và không có nước nào trong khu vực như vậy”.

 

Trao đổi thương mại song phương đạt trên 4 tỷ USD năm 2008, đưa Đức trở thành đối tác lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ hai của Đức tại châu Á.

 

Đức cung cấp cho Việt Nam ODA ở mức khoảng 90 triệu USD/năm và tính đến nay tổng vốn ODA đạt gần 1 tỷ euro, tập trung vào 3 lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững; môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên, y tế.

 

Tháng 12-2009, Đức cam kết dành ODA cho Việt Nam trong năm 2010 ở mức 137 triệu USD, mức lớn thứ hai, sau Pháp.

 

Đức đứng vị trí thứ 19/81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và đứng vị trí thứ 5/25 trong các nước EU. Đầu tư của Đức vào Việt Nam khoảng 600 triệu USD với 98 dự án, được cho là còn rất khiêm tốn so với tiềm năng rất mạnh.

 

Năm 1990 hai bên ký Hiệp định hợp tác văn hoá, năm 1997 Đức  thành lập Trung tâm văn hoá Đức (Viện Goethe) tại Hà Nội, thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa Đức và dạy tiếng Đức tại Việt Nam.

 

Nhiều hoạt động giao lưu văn hoá, trao đổi các đoàn nghệ thuật của hai nước diễn ra thường xuyên, trong đó có việc tổ chức Tháng Văn hóa Đức đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 4-2007.

 

Tháng 9-2008 Trường Đại học Việt - Đức khánh thành, dự kiến sẽ trở thành một trong những trường Đại học có trình độ quốc tế của Việt Nam.

 

Quan hệ Việt - Đức phát triển tốt đẹp có cả nhạc và hoa. Sáng kiến tổ chức Năm Đức tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Đức chắc chắn làm sâu sắc thêm sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy phát triển quan hệ đầy tiềm năng giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.

 

V.K., Sở Ngoại vụ TPHCM


Các tin liên quan:
Tạo bởi banbientap
Cập nhật 21-01-2010
 

Số lượt truy cập.