Personal tools

    Search

    


Việt Nam đứng thứ tư thế giới về tăng trưởng du lịch

36% - mức tăng trưởng được coi là rất ấn tượng đã đưa du lịch Việt Nam lên hàng thứ tư thế giới, sau Sri Lanka, Saudi Arabia và Israel. Đây là số liệu mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), tính đến cuối tháng 4-2010, vừa được công bố đầu tháng Năm này.

Trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới, rất ít nước có được tỉ lệ tăng trưởng du lịch ở mức hai con số, Việt Nam phát triển được du lịch cao như vậy là điều đáng chú ý.

 

Trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chiều 10-5, nhân dịp sang thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị quốc tế về du lịch tại Hà Nội, Tổng Thư ký UNWTO Taleb Rifai đánh giá cao sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh du lịch thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết Việt Nam quan tâm phát triển du lịch bền vững và đang tập trung khai thác, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

 

Ông Taleb Rifai cho biết, UNWTO sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch dài hạn về phát triển du lịch, đặc biệt là giúp đào tạo nguồn nhân lực.

 

+ Nâng cao vị thế, vai trò du lịch Việt Nam

 

Giới du lịch chú ý đến tin du khách sẽ gia tăng đến Việt Nam để từ đây sang Campuchia, thay vì chỉ đi qua cửa Thái Lan. Tình hình bất ổn chính trị tại Thái Lan khiến thị trường du lịch Việt Nam có thêm lợi thế.

 

Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Phiên họp lần thứ 22 liên ủy ban Đông Á-Thái Bình Dương và ủy ban Nam Á của UNWTO, đã diễn ra ngày 11-5 tại Hà Nội với sự tham dự của hàng trăm đại biểu lãnh đạo ngành, chuyên gia du lịch từ các quốc gia, vùng lãnh thổ  thành viên.

 

Nhân dịp này, một Hội nghị quốc tế "Du lịch - Động lực quan trọng phát triển kinh tế, xã hội" cũng được tổ chức tại Hà Nội.

 

Các sự kiện này đã thể hiện sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào hợp tác du lịch đa phương, góp phần khẳng định vị thế, vai trò của du lịch Việt Nam trong hội nhập quốc tế và khu vực.

 

Các vấn đề được nêu lên tại các phiên họp và hội nghị bao gồm

thảo luận và đề xuất các chính sách, biện pháp như tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách, thủ tục xuất nhập cảnh, chuyển dịch lao động du lịch, tài khoản vệ tinh dành riêng cho khách du lịch, các chương trình, dự án hợp tác mới...

 

Tổng thư ký Taleb Rifai tuyên bố UNWTO sẽ hỗ trợ Việt Nam hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch dài hạn và giúp đào đạo nguồn nhân lực để phát triển ngành du lịch.

 

Theo đó, UNWTO giúp Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu du lịch, xúc tiến du lịch; nghiên cứu hướng phát triển du lịch tại Hồ Ba Bể, Thác Bà và du lịch cộng đồng tại Hà Giang…, xem xét khả năng tiếp nhận cán bộ du lịch Việt Nam sang làm việc tại Tây Ban Nha.

 

Với sự giúp đỡ và hỗ trợ của UNWTO, ngành du lịch Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để chuyên nghiệp hoá, phát triển tiềm năng của mình.

 

+ Đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước

 

Năm 2010 này được hy vọng trở thành bàn đạp thúc đẩy du lịch, thu hút mạnh mẽ du khách nhờ thúc đẩy giao lưu văn hoá, các hoạt động kỷ niệm lớn.

 

Hàng loạt lễ hội truyền thống dân gian, sự phối hợp giữa các ngành, các chương trình du lịch tìm hiểu văn hoá, nhân các ngày lễ lớn… đã thu hút được du khách trong và ngoài nước.

 

Theo số liệu của TCDL, tính chung 4 tháng đầu năm 2010, lượng khách quốc tế vào Việt Nam ước đạt 1.783.832 lượt, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Riêng trong tháng 4-2010, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 432.608 lượt, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2009.

 

Ngành du lịch ngày càng đóng vai trò nổi bật trong hoạt động kinh tế xã hội của đất nước. Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho biết tại Lễ khai mạc Hội thảo Quốc tế 'Du lịch - động lực phát triển kinh tế - xã hội': “Trong 10 năm qua, thu nhập xã hội từ du lịch đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%, tỷ lệ đóng góp GDP tăng từ 1,76% năm 1994 lên 6,5% năm 2008…, thu hút trên 1 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp”.

 

Là một trong năm ngành mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, ngành du lịch đang phấn đấu trong tương lai trở thành một ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn.

 

“Ở đâu phát triển du lịch, ở đó đời sống của cộng dân cư được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao, góp phần quan trọng vào xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho nhân dân”- ông Hoàng Tuấn Anh nhận xét.

 

V.K., Sở Ngoại vụ TPHCM

 

 


Related news:
Created by banbientap
Last modified 12-05-2010
 

Số lượt truy cập.