Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Quan hệ Việt Nam - Lào


Quan hệ cấp quốc gia:

Ngày 5-9-1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quan hệ hai nước Việt - Lào là liên minh chiến đấu. Khi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời ngày 2-12-1975, mối quan hệ này chuyển sang giai đoạn mới là quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai nhà nước. 

Ngày 18-7-1977, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác và Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia. Năm 2000, hai nước đã ký kết các Hiệp định Hợp tác Chiến lược về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật 10 năm, 5 năm và hàng năm để theo dõi và thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời kỳ mới. Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật Việt - Lào theo dõi và thúc đẩy quan hệ hợp tác này. Đến nay, Ủy ban đã có 24 kỳ họp (lần gần đây nhất là tháng 1-2004), hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng trong đó có: Bản thỏa thuận Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào giai đoạn 2001 - 2010; Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào thời kỳ 2001 - 2005; và hàng năm đều có ký Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào.

Kim ngạch buôn bán giữa hai nước thời kỳ 1996 - 2000 đạt bình quân trên 220 triệu USD/năm, song mấy năm gần đây có chiều hướng giảm: năm 2003 đạt 110 triệu USD. Hàng của Việt Nam chiếm từ 15 - 40% thị phần ở Lào (tùy theo vùng), xuất khẩu của Lào sang Việt Nam chiếm 30 - 50% xuất khẩu của Lào ra thị trường thế giới. Việt Nam xuất sang Lào vật liệu xây dựng, xăng dầu, hàng nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng và nhập của Lào một số mặt hàng gỗ, khoáng sản, nông sản… Hiện hai bên đang khuyến khích lập các cặp chợ biên giới, các khu kinh tế, thương mại tại các cửa khẩu lớn và đang tích cực triển khai thực hiện các thỏa thuận về tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa qua lại, trong đó có chính sách giảm thuế 50% cho hàng hóa có xuất xứ mỗi nước. Hai nước cũng xúc tiến giúp nhau trong việc quá cảnh hàng hoá tiêu thụ tại nước thứ ba.

Về đầu tư, hiện nay có 15 doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư trực tiếp vào Lào với 19 dự án và tổng số vốn 13 triệu USD. Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác đầu tư dưới hình thức liên doanh, đấu thầu xây dựng và đầu tư 100%. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đang tham gia đầu tư vào xây dựng nhà máy thủy điện Sekamản 3 với số vốn đầu tư khoảng 350 triệu USD.

Trong lĩnh vực đối ngoại, hai bên tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hoạt động về vấn đề hội nhập quốc tế trong khuôn khổ Liên hiệp quốc, ASEAN, khu vực cũng như trong khuôn khổ ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đặc biệt hai nước hợp tác tốt và có hiệu quả trong việc thực hiện các dự án Hành lang Đông – Tây, hợp tác Tiểu vùng Mekong và Ủy hội Mekong. Hai bên thỏa thuận sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác sẵn có, nhất là hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, nhằm góp phần củng cố tình đoàn kết và sự hợp tác trong ASEAN, vì hòa bình và phát triển của Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện nay có khoảng 17.000 Việt kiều ở Lào. Chính phủ Lào luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều làm ăn và có cuộc sống ổn định.

Quan hệ giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương của Lào:

1. Với Thủ đô Viêng Chăn (Vientiane):

Ngày 1-9-2001, tại Thủ đô Viêng Chăn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Mai Quốc Bình và Phó Đô trưởng Viêng Chăn (Vientiane) Thôngmy Phômvixay đã ký kết Thỏa thuận về Quan hệ hữu nghị và Hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Viêng Chăn. Đây là văn kiện chính thức thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa TPHCM và Thủ đô Viêng Chăn.

Hàng năm, hai Thành phố luân phiên trao đổi các đoàn cấp cao để điểm lại việc thực hiện Thỏa thuận và đề ra phương hướng hợp tác cho năm tới.

Theo tinh thần của Thỏa thuận đã được ký kết, một số dự án hợp tác đã và đang được triển khai có hiệu quả trong các lĩnh vực như:

  • Nông nghiệp: Hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi bò, heo, cá lồng… Công ty Bảo vệ Thực vật Sài Gòn (SPC) đã thành lập một Văn phòng đại diện tại Viêng Chăn và mở rộng hoạt động ra hầu hết các tỉnh Trung và Nam Lào để quảng bá các loại thuốc trừ cỏ của SPC, đưa 02 giống bắp lai đơn và một số thuốc trừ sâu do Việt Nam sản xuất vào thị trường Lào.
  • Y tế: Hợp tác thành lập trung tâm huấn luyện chẩn đoán y khoa tại Thành phố Viêng Chăn; mổ mắt miễn phí cho các bệnh nhân đục thủy tinh thể của Thành phố Viêng Chăn.
  • Giáo dục: TPHCM hỗ trợ Thành phố Viêng Chăn xây trường Trung học Viêng Chăn; trao học bổng cho các viên chức và sinh viên Thành phố Viêng Chăn sang học hệ đại học và thạc sĩ tại TPHCM.
  • Công nghiệp: Công ty Cổ phần Nhựa Sài Gòn đầu tư dự án đầu tư nhà máy Nhựa Saplast-Vientiane tại Thành phố Viêng Chăn.
  • Thuế - tài chính: TPHCM hỗ trợ Sở Tài chính Viêng Chăn thành lập Trung tâm dữ liệu tập trung.

2. Với Tỉnh Chămpaxắc (Champasak):

Ngày 28-8-2001, tại Tỉnh Chămpaxắc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Mai Quốc Bình và Phó Tỉnh trưởng Tỉnh Chămpaxắc Xengkham Phômkhuê đã ký kết Thỏa thuận về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác giữa TPHCM và Tỉnh Champasak. Đây là Thỏa thuận chính thức thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai địa phương.

Hàng năm, hai địa phương đều luân phiên trao đổi các đoàn cấp cao để điểm lại việc thực hiện Thỏa thuận và đề ra phương hướng hợp tác cho năm tới.

Theo tinh thần của Thỏa thuận đã được ký kết, một số dự án hợp tác đã và đang được triển khai có hiệu quả trong các lĩnh vực như:

  • Nông nghiệp: hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi bò, heo, cá bè…, TPHCM hỗ trợ Tỉnh 10 con bò giống và 1 máy trộn thức ăn gia súc; hợp tác thành lập vùng trồng bắp lai giống F1.
  • Y tế: Hợp tác huấn luyện bác sĩ và trao đổi kinh nghiệm về siêu âm, cấp cứu, mổ nội soi; mổ mắt miễn phí cho những bệnh nhân bị đục thủy tinh thể của Tỉnh Chămpaxắc.
  • Công nghiệp: Hợp tác nghiên cứu đề án xây dựng khu công nghiệp tại Tỉnh Chămpaxắc.
  • Giáo dục: TPHCM cấp học bổng đào tạo cử nhân và thạc sĩ cho Tỉnh Chămpaxắc.
  • Văn hóa: TPHCM hỗ trợ Tỉnh Chămpaxắc xây dựng trung tâm Văn hóa các dân tộc. Trung tâm đã được hoàn thành và hiện đang được đưa vào sử dụng.

3. VớI Tỉnh Atôpơ (Attopeu) và Tỉnh Xiêng Khoảng (Xieng Khouang):

Mặc dù TPHCM chưa ký kết thỏa thuận hữu nghị và hợp tác với hai địa phương này, song trên thực tế, quan hệ giữa TPHCM và hai địa phương này đang diễn ra khá tốt đẹp thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao giữa hai địa phương và một số dự án hợp tác; cụ thể như với Tỉnh Xiêng Khoảng, TPHCM hợp tác trong dự án chăn nuôi bò sữa và với Tỉnh Atôpơ, TPHCM đang lên kế hoạch hợp tác trồng 10.000 hecta cao su.

Nguồn: http://www.mofa.gov.vn/

Báo Nhân dân (số 18575 ngày 19-6-2006)

Cuốn Các nước trên thế giới (Bộ Ngoại giao, 2000)

Tư liệu của Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, Sở Ngoại vụ TPHCM

(Tổng hợp: T.Trinh, Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, ngày 21-6-2006)

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 27-06-2006