Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Thông tin cơ bản về CHDCND Triều Tiên


 

Quốc kỳ CHDCND Triều Tiên

 

Bản đồ CHDCND Triều Tiên

Địa lý:

Tên nước: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Democratic People's Republic of Korea).

Thủ đô: Bình Nhưỡng (Pyongyang, có khoảng hơn 2 triệu dân), là thành phố lớn nhất nước.

 

Đường phố Kwangbok ở Bình Nhưỡng

Vị trí địa lý: Nằm ở nửa Bắc bán đảo Triều Tiên; Đông và Tây giáp biển; Bắc giáp Trung Quốc (1.300 km) và Nga (16 km); phía Nam là giới tuyến quân sự với Hàn Quốc chạy theo vĩ tuyến 380 Bắc.

Khí hậu: Ôn đới. Có lượng mưa lớn vào mùa hè với một mùa mưa ngắn gọi là jangma (gó mùa Đông Á), mùa đông lạnh.

Đỉnh núi Bạch Đầu cao nhất Triều Tiên (2.744m).

Hai con sông chính là sông Đồ Môn và Áp Lục.

 

Sông Áp Lục là biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên

Cả nước được chia thành 9 tỉnh (Từ Giang, Hàm Kính Bắc, Hàm Kính Nam, Hoàng Hải Bắc, Hoàng Hải Nam, Giang Nguyên, Bình An Bắc, Bình An Nam, Lưỡng Giang) 2 thành phố trực thuộc Trung ương (Bình Nhưỡng, La Tiên) và 3 vùng đặc biệt (khu công nghiệp Khai Thành, khu du lịch Kim Cương Sơn, đặc khu hành chính Tân Nghĩa Châu).

 

Khu du lịch Kim Cương Sơn

Diện tích: 122.762 km2 (toàn bán đảo: 222.209 km2).

Dân số: 23.301.725 (tháng 7/2007)

Dân tộc: Một dân tộc Triều Tiên.

Ngôn ngữ: Tiếng Triều Tiên .

Tôn giáo: Có đạo Phật, Công giáo, Thanh giáo, nhưng hầu như không hoạt động.

Tiền tệ: Đồng Won Triều Tiên.

Quốc khánh: 9/9/1948.

Lịch sử:

Triều Tiên có gần 5.000 năm lịch sử.

Năm 2333 trước Công nguyên, nước Triều Tiên (Choson) cổ ra đời, tồn tại khoảng 1.000 năm, liên tiếp bị nhà Chu, nhà Hán xâm lược.

Từ năm 57 trước Công nguyên, 3 nhà nước phong kiến mới lần lượt hình thành là Kokuryo, Pekche và Shilla. Năm 668, Shilla thôn tính Kokuryo và Pekche, lập nên triều đại Shilla, kéo dài ngót 3 thế kỷ (668-918).

Từ 918-1392 vua Wang Kon lập ra nước Koryo (Cao Ly), lấy thủ đô là Keseong. Từ 1392-1910 vua Ly Sơng Kiê lập ra nước Choson (Triều Tiên), dời đô về Seoul (1394). Bán đảo Triều Tiên được thế giới biết đến từ triều đại Koryo (tên nước Koryo được phiên âm quốc tế là Korea).

Năm 1910, Nhật Bản xâm lược Triều Tiên. Năm 1945, Triều Tiên được giải phóng nhưng đất nước bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 380 Bắc làm ranh giới. Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc, CHDCND Triều Tiên và Hoa Kỳ ký Hiệp định đình chiến năm 1953. Cho đến nay, bán đảo Triều Tiên vẫn chia cắt thành hai nước: CHDCND Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc.

Chính trị:

Thể chế nhà nước:

Theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng Lao động Triều Tiên lãnh đạo xã hội, lấy tư tưởng Chủ thể (Juche) làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

 

Tháp Juche ở thủ đô Bình Nhưỡng

Kỳ họp thứ nhất Hội nghị nhân dân tối cao khóa 10 tháng 9/1998 đã sửa Hiến pháp, Chủ tịch Kim Nhật Thành được suy tôn là Chủ tịch nước vĩnh viễn.

Các cơ quan lãnh đạo nhà nước gồm:

Ủy ban Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước Kim Jong Il giữ vai trò lãnh đạo tối cao của đất nước.

Hội nghị Nhân dân tối cao là cơ quan lập pháp cao nhất. Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao đại diện cho Nhà nước về mặt đối ngoại.

Nội các là cơ quan hành pháp.

Tòa án Trung ương và Viện Kiểm sát Trung ương là các cơ quan tư pháp cao nhất.

Các đảng chính trị:

Đảng Lao động Triều Tiên là Đảng cầm quyền, thành lập ngày 10/10/1945. Từ năm 1980, không tiến hành Đại hội Đảng.

Các nhà lãnh đạo:

  • Kim Jong Il: Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên (từ 08/10/97), Chủ tịch Ủy ban quốc phòng nước CHDCND Triều Tiên (4/1993), Tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên (4/1992); là con trai Chủ tịch Kim Nhật Thành.
  • Kim Yong Nam: Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao, đại diện Nhà nước về đối ngoại.
  • Choe Thae Bok: Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao (Quốc hội).
  • Kim Yong Il: Thủ tướng Nội các (từ ngày 11/4/2007).
  • Pac Ui Chun: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ ngày 18/5/2007).

Kinh tế:

Khái quát chung:

Triều Tiên rất giàu tài nguyên thiên nhiên.

Từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990, Triều Tiên tranh thủ viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Sau khi Liên Xô tan rã, Triều Tiên gặp nhiều khó khăn.

Từ tháng 7/2002, Triều Tiên thực hiện một số điều chỉnh chính sách giá, lương tiền để khắc phục khó khăn về kinh tế.

Trong năm 2005, 2006, Triều Tiên chủ trương chú trọng và tập trung vào phát triển nông nghiệp, coi đây là mặt trận chủ đạo để phát triển nền kinh tế quốc dân. Gần đây, kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thiếu lương thực và năng lượng nghiêm trọng.

Một số số liệu về kinh tế gần đây:

Tăng trưởng kinh tế: 2000: 1,3%; 2001: 3,7%; 2002: 1,2%, 2003: 1,8%, 2004: 2,2%

Năm 2004, nông nghiệp tăng 2,5% (đạt khoảng 4,25 tấn lương thực); khai thác mỏ tăng 21,3%; thuỷ điện tăng 17%; kim ngạch buôn bán của Triều Tiên với 3 nước bạn hàng lớn nhất Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đạt 2,012 tỷ USD, chiếm 64,5% tổng kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên (3,115 tỷ USD).

Năm 2005, sản lượng nông nghiệp đạt khoảng 4,8 triệu tấn lương thực, năm 2006 là 4 triệu tấn.

Văn hóa:

Triều Tiên có di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là khu di tích lăng mộ cổ Korukyo, với những bức họa tinh xảo vẽ trên tường.

 

Tranh vẽ trên tường khu lăng mộ Korukyo

Một hoạt động văn hóa nổi tiếng là những màn trình diễn thể dục đồng diễn (mass games), gồm có nhảy múa, thể dục, xếp hình để kỷ niệm lịch sử Triều Tiên. Những màn trình diễn này có khi lên đến hơn 100.000 người tham gia, thường được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước.

 

Một màn đồng diễn

Thủ đô Bình Nhưỡng cũng là nơi có nhiều công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ.

 

Cung văn hóa nhân dân

 

Nhà hát Hamhung

Đối ngoại:

Cho đến nay, Triều Tiên đã thiết lập quan hệ ngoại giao với khoảng 145 nước.

Quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc:

Những chuyến viếng thăm:

Về phía Triều Tiên:

  • Chủ tịch Kim Jong Il thăm không chính thức Trung Quốc 2 lần trong vòng 1 năm (5/2000 và 1/2001).
  • Chủ tịch Kim Jong Il thăm làm việc tại Trung Quốc (4/2004).
  • Thủ tướng Triều Tiên Pac Bông Chu thăm Trung Quốc (3/2005).
  • Chủ tịch Kim Châng In thăm không chính thức Trung Quốc (1/2006).
  • Ngoại trưởng Baek Nam Sun thăm thăm Trung Quốc (30/5-6/6/06).

Về phía Trung Quốc:

  • Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân thăm Triều Tiên tháng 9/2001.
  • Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc thăm Triều Tiên (10/2003).
  • Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Triều Tiên (10/2005)

Viện trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên năm 2000 là 27,5 triệu USD, năm 2001 là 70 triệu USD.

Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Triều Tiên, năm 2004, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,2 tỷ USD, đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên là 88 triệu USD.

Quan hệ Triều Tiên Hoa Kỳ:

Năm 2004, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua luật nhân quyền chống Triều Tiên với ngân sách 24 triệu USD hỗ trợ cho việc tái định cư những người bỏ trốn khỏi đất nước và các hoạt động thúc đẩy "nhân quyền" ở Triều Tiên. Gần đây, Hoa Kỳ tiếp tục gây sức ép nhiều mặt với Triều Tiên như cấm vận tài chính; nhận người tị nạn Triều Tiên....

Thực hiện Thỏa thuận ngày 13/2/2007, Triều Tiên và Hoa Kỳ đã đàm phán cấp Thứ trưởng về bình thường hóa quan hệ tại New York (5-6/3/2007).

Quan hệ Triều Tiên - Liên bang Nga:

Hai bên đã ký lại Hiệp ước Hợp tác Hữu nghị tháng 2/2000.

Những chuyến viếng thăm:

  • Tổng thống Vladimir Putin thăm Triều Tiên tháng 7/2000
  • Chủ tịch Kim Jong Il thăm Nga tháng 8/2001.
  • Bộ trưởng Ngoại giao Nga thăm Triều Tiên tháng 7/2004
  • Chủ tịch Thượng viện Nga thăm Triều Tiên tháng 9/2004.

Quan hệ Triều Tiên - Nhật Bản:

Hai bên ký Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9/2002 trong chuyến thăm Triều Tiên của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi nhằm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ hai nước. Hiện nay, quan hệ hai nước căng thẳng do vấn đề người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc, vấn đề quá khứ lịch sử và việc thử hạt nhân của Triều Tiên.

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên:

Từ năm 1992, do nghi ngờ Triều Tiên sản xuất vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản cùng với phương Tây gây sức ép đòi thanh tra toàn diện công nghệ hạt nhân của Triều Tiên.

Hoa Kỳ và Triều Tiên đã ký Thỏa thuận khung 10/1994 tại Genève giải quyết vấn đề này, hai bên thỏa thuận Hoa Kỳ sẽ trang bị lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ (qua Tổ chức KEDO) để cung cấp năng lượng cho Triều Tiên, đổi lấy việc Triều Tiên ngừng chương trình phát triển hạt nhân.

Để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, ngày 22-25/4/2003, cuộc đàm phán 3 bên (gồm Hoa Kỳ, Triều Tiên, Trung Quốc) đã được tổ chức tại Bắc Kinh.

Đàm phán 6 bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản) vòng 1 (27-29/8/2003), vòng 2 (25-28/2/2004) và vòng 3 (23-26/6/2004) đã được tiến hành tại Bắc Kinh. Đàm phán 6 bên vòng 4 (giai đoạn 1: 26/7-7/8/2005; giai đoạn 2: 13-19/9/2005) đã đạt kết quả quan trọng. Các bên ra Tuyên bố chung ngày 19/9/2005 với nội dung chính là các bên khẳng định thực hiện có tính nguyên tắc về các vấn đề then chốt: Triều Tiên cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và các kế hoạch hạt nhân hiện thời; Hoa Kỳ khẳng định tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên, không triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và không có ý định tấn công Triều Tiên và sẽ thảo luận vấn đề xây dựng các lò phản ứng nước nhẹ cho Triều Tiên vào thời điểm thích hợp.

Vòng 5 (giai đoạn 1) đã diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 9-11/11/2005 với mục tiêu chính là bàn các biện pháp và bước đi cụ thể để thực hiện Tuyên bố chung ngày 19/9/2005. Triều Tiên yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận, đồng thời ngừng cáo buộc nước này phát triển vũ khí và làm USD giả. Hoa Kỳ khẳng định lại lập trường không bàn đến vấn đề lò nước nhẹ khi Triều Tiên chưa từ bỏ chương trình hạt nhân.

Sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa (5/7/2006) và thử hạt nhân dưới lòng đất (9/10/2006), Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết 1695 (15/7/2006) và Nghị quyết 1718 (14/10/2006) trừng phạt Triều Tiên.

Giai đoạn 2 vòng 5 đàm phán 6 bên đã diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 18-22/12/2006.

Tại giai đoạn 3 vòng 5 đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên tổ chức tại Bắc Kinh (8-13/2/2007), các bên đã thông qua Tuyên bố chung ngày 13/2/2007 (còn gọi là Thoả thuận 13/2) với nội dung cơ bản là Triều Tiên sẽ bắt đầu những động thái ngừng hoạt động các cơ sở hạt nhân hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đổi lại các nước sẽ cung cấp năng lượng hoặc các khoản viện trợ tương đương cho Triều Tiên; Hoa Kỳ đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố và dỡ bỏ các chế tài tài chính đối với Triều Tiên; thành lập 5 nhóm làm việc về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, viện trợ kinh tế và năng lượng cho Triều Tiên, xây dựng một khuôn khổ hòa bình cho bán đảo Triều Tiên và an ninh Đông Bắc Á, bình thường hóa quan hệ Triều Tiên Hoa Kỳ, bình thường hóa quan hệ Triều Tiên – Nhật Bản.

Quan hệ hai miền Triều Tiên:

Triều Tiên chủ trương thống nhất bằng việc thực hiện phương án thành lập Liên bang Cao Ly, do Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành nêu ra năm 1980 với phương thức một nhà nước, một dân tộc, hai chính phủ, hai chế độ, trong khi Hàn Quốc chủ trương thống nhất với phương thức một nhà nước, một chế độ theo 3 giai đoạn.

Từ đầu năm 2000, tình hình bán đảo Triều Tiên phát triển theo hướng hòa dịu, giao lưu, hợp tác. Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đã thăm Bình Nhưỡng (6/2000), tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên, ra Tuyên bố chung 5 điểm khẳng định vấn đề thống nhất Triều Tiên do người Triều Tiên giải quyết, thống nhất đất nước theo hướng lập liên bang; giải quyết ngay các vấn đề nhân đạo; tạo sự phát triển cân bằng kinh tế giữa hai miền, tăng cường giao lưu về xã hội, văn hóa, y tế môi trường; tiếp xúc thường xuyên giữa các quan chức hai miền.

Gần đây, tiến trình hợp tác, hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa hai miền Triều Tiên được duy trì và đẩy mạnh. Hai bên tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn các cấp: Thủ tướng Hàn Quốc và Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên đã gặp nhau bên lề Hội nghị Băng Đung (4/2005), Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc thăm Triều Tiên, Bí thư Trung ương Đảng Triều Tiên Kim Ki Nam thăm Hàn Quốc dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng (8/2005), Ủy ban hợp tác kinh tế liên Triều họp lần thứ 10 (7/2005), họp cấp Bộ trưởng liên Triều lần thứ 16 tại Bình Nhưỡng (9/005), tổ chức Chương trình đoàn tụ gia đình ly tán lần thứ 12 (11/2005), họp cấp Bộ trưởng 2 miền lần thứ 17 (12/2005), lần thứ 18 (4/2006)…

Quan hệ liên Triều ngưng trệ khi Triều Tiên thử hạt nhân ngày 9/10/2006. Sau khi giai đoạn 3 vòng 5 đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên có tiến triển với việc thông quan Tuyên bố chung 13/2/2007, hai miền đã tổ chức Hội đàm cấp Bộ trưởng liên Triều lần thứ 20 (28/2 - 2/3/2007) tại Bình Nhưỡng, ra Thông cáo báo chí chung 6 điểm, trong đó thỏa thuận sẽ bàn và giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến quan hệ 2 miền; khẳng định sẽ cùng nỗ lực để thực biện suôn sẻ Thỏa thuận 13/2. Hai bên thỏa thuận sẽ tích cực có các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện hòa giải và đoàn kết dân tộc như tổ chức Đại lễ hội thống nhất tổ chức tại hai nước nhân kỷ niệm ngày 15/6 và 15/8, tổ chức gặp trực tiếp gia đình bị ly tán, thúc đẩy việc xây dựng Trung tâm gặp gỡ cho các gia đình bị ly tán; mở lại các hoạt động nhân đạo qua hội đàm giữa Hội Chữ thập đỏ hai miền lần thứ 8 (10-12/4/2007); mở rộng hợp tác kinh tế; họp Ủy ban xúc tiến hợp tác kinh tế liên Triều lần thứ 13 tại Bình Nhưỡng từ 18-21/4/2007; vận hành thử tuyến đường sắt liên Triều,…

Từ ngày 28-30/8/2007, tại Bình Nhưỡng đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai giữa Chủ tịch Kim Jong Il và Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun.

Về kinh tế, Hàn Quốc hiện là bạn hàng lớn thứ hai của Triều Tiên, kim ngạch buôn bán hai miền năm 2003 đạt gần 700 triệu USD. Năm 2004 Hàn Quốc là nước đứng đầu cho vay và viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Hàn Quốc đã cho phép 13 công ty và 2 ngân hàng với số vốn 76 tỷ won vào hoạt động tại khu công nghiệp Khai Thành. Giao lưu nhân sự hai miền cũng được đẩy mạnh. Năm 2005, kim ngạch thương mại hai nước đạt 1,06 tỷ USD, tăng 51,5 % so với năm 2004. Kim ngạch thương mại hai miền 9 tháng đầu năm 2006 đạt 1,088 tỷ USD.

Hai bên đã thực hiện nhiều thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực vận tải biển, hợp tác nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, hợp tác du lịch, phát thanh truyền hình, văn hóa, thể thao (hai miền nhất trí thi đấu trong cùng một đội hình tại Á vận hội 2006 và Olimpic 2008)…

Nguồn: http://www.mofa.gov.vn

http://vi.wikipedia.org/wiki/

http://en.wikipedia.org/wiki/North_Korea

http://www.korea-dpr.com/

 (H.V., Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 30-10-2007)

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi banbientap
Cập nhật 30-10-2007