Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Thông tin cơ bản về Cộng hòa Czech


 

Quốc kỳ Cộng hòa Czech

 

Bản đồ Cộng hòa Czech

1. Lịch sử:

Nước Cộng hòa Tiệp Khắc gồm hai vùng Czech và Slovakia đã được thành lập vào ngày 28-10-1918. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Hiệp ước Munich (1939) lại chia Tiệp Khắc thành xứ bảo hộ Czech và nhà nước độc lập Slovakia thân phát xít Đức. Sau giải phóng (tháng 5-1945), hai nhà nước này sáp nhập thành một quốc gia. Mùa xuân 1968, các lực lượng cải cách trong Đảng Cộng sản Tiệp Khắc lên nắm quyền lãnh đạo, đã quyết định tổ chức lại Tiệp Khắc theo hình thức liên bang (28-10-1968). Việc thay đổi thể chế chính trị vào tháng 11-1989 đã tạo tiền đề cho sự ra đời 2 quốc gia độc lập: - Cộng hòa Czech và Cộng hòa Slovakia (ngày 1-1-1993).

2. Vị trí địa lý:

Nằm ở Trung Âu, phía Đông giáp Cộng hòa Slovakia (biên giới dài 265km), phía Nam giáp Áo (452km), phía Bắc giáp Ba Lan (779km), phía Bắc và Tây giáp Cộng hòa Liên bang Đức (810km).

Diện tích: 79.000 km2­

Thủ đô: Prague (Praha)

Thủ đô Praha

3. Dân số:

Dân số: 10.235.455 người (tháng 7-2006)

Thành phần dân số: 81,3% người Czech, 13,2,% người Moravi, 3% người Slovak, 0,6% người Ba Lan, 0,5% người Đức, 0,3% người Tzigan.

 

Sông Vltava chảy qua Prague (Praha)

4. Thể chế nhà nước: Dân chủ nghị viện.

5. Thể chế chính trị: Đa đảng.

Quốc hội gồm 2 viện: Hạ viện có 200 thành viên, nhiệm kỳ 4 năm; Thượng viện có 81 thượng nghị sĩ, nhiệm kỳ 6 năm, cứ 2 năm bầu lại 1/3 số thượng nghị sĩ.

Ngày 23-6-2006, tại Czech đã diễn ra cuộc bầu cử Hạ viện khóa 2006-2010. Kết quả có 6 đảng có thành viên trong Hạ viện, trong đó Đảng Dân chủ Công dân ODS (81/200 ghế) đã chiến thắng sít sao Đảng Xã hội Dân chủ CSSD (74/200) và có quyền lập Chính phủ.

Tổng thống do cả 2 viện của Quốc hội bầu theo thể thức số phiếu quá bán, nhiệm kỳ 5 năm. Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm đứng ra lập Chính phủ. Chính phủ phải được Hạ viện bỏ phiếu tín nhiệm.

Tổng thống đương nhiệm: Vaclav Klaus (được bầu tháng 2-2003).

6. Quốc khánh: 1-1-1993

7. Đơn vị tiền tệ: Đồng Kurona (CZK).

8. Kinh tế - xã hội:

Từ 1-1-1993, Liên bang Tiệp Khắc tách thành hai quốc gia độc lập: Cộng hòa Czech và Cộng hòa Slovakia. Cộng hòa Czech thực hiện chuyển đổi theo hướng xây dựng thể chế chính trị dân chủ nghị viện, kinh tế thị trường và hội nhập châu Âu.

Czech là một nước nghèo về tài nguyên (chỉ có than đá, than nâu, quặng sắt, cao lanh, cát làm thủy tinh... với trữ lượng nhỏ), nhưng có nền công nghiệp phát triển khá sớm với một số ngành mũi nhọn như sản xuất máy móc công cụ, chế tạo ô tô, hóa dầu, thiết bị y tế, sản xuất pha lê, bia.

 

Pha lê của Czech nổi tiếng thế giới

Những năm 1990 trở về trước, kinh tế phát triển chủ yếu trên diện rộng nhưng kém hiệu quả. Từ năm 1990, Czech tập trung thực hiện tư hữu hóa, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện mở cửa. Thời kỳ 1993-1996 cải cách đạt kết quả bước đầu, tăng trưởng kinh tế tốt (năm 1996 GDP tăng 4,8%). Czech được kết nạp làm thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) năm 1995.

Thời kỳ 1997-1999, kinh tế Czech suy thoái do thực hiện cải cách kinh tế nhanh và tư nhân hóa ồ ạt, cơ cấu kinh tế không vững chắc, nguồn lực bị phân tán, chuyển đổi kinh tế theo chiều sâu bị hạn chế, chậm thay đổi công nghệ và hiện đại hóa, sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhập siêu lớn.

Từ năm 2000, kinh tế Czech bắt đầu hồi phục. Việc Czech gia nhập EU (1-5-2004) tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, chuyển đổi cơ cấu và phát triển kinh tế. Kinh tế Czech tăng trưởng ở mức 3,5-4% thu hút FDI khoảng 5 tỷ USD mỗi năm. Năm 2005, kinh tế Czech tăng trưởng tốt nhất trong vòng 8 năm gần đây, đạt khoảng 4,8%. 

 

Vùng nông thôn

9. Đối ngoại:

Czech ưu tiên hội nhập vào cơ cấu châu Âu, đã được kết nạp vào NATO tháng 3-1999 và vào EU tháng 5-2004. Với tư cách thành viên đầy đủ của EU, Czech tích cực tham gia xây dựng và thực thi chính sách chung của EU. Đồng thời, Czech coi trọng phát triển quan hệ toàn diện với Hoa Kỳ, quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực châu Âu.

Ngoài ra Czech chủ trương phát triển quan hệ đa dạng với các nước ở các khu vực khác của thế giới. Tại châu Á, Séc chú ý tới quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước có quan hệ lâu năm, trong đó có Việt Nam.

Czech là quan sát viên của Tổ chức các nước sử dụng tiếng Pháp, là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc khóa 2006-2007.

(N.H., Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 3-10-2006)

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 12-10-2006