Ngoại giao
Phần Lan lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 25-1-1973, từ đó đến nay Phần Lan luôn duy trì một chính sách hợp tác, hữu nghị. Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội được thành lập năm 1974. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Helsinki vào cuối năm 2005. Sự kiện này là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ giữa hai nước, đăc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Các chuyến thăm cấp cao gần đây
Đã có nhiều chuyến thăm cấp cao gần đây giữa hai nước. Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Phần Lan, Bà Paula Lehtomäki, cùng với đoàn doanh nghiệp năm 2004. Thủ tướng Phần Lan, Ông Matti Vanhanen, thăm Việt Nam nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu, ASEM 5, do Việt Nam tổ chức. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Phần Lan thăm Việt Nam năm 2005. Hai phái đoàn của Quốc hội Phần Lan cũng thăm Việt Nam vào năm 2005: Tiểu ban An ninh quốc phòng và Ủy ban các vấn đề xã hội. Gần đây nhất, Tổng thống Phần Lan, Bà Tarja Halonen, cùng với Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và phát triển, Ông Paavo Väyrynen, và một đoàn doanh nghiệp cấp cao, thăm Việt Nam vào đầu năm 2008.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phạm Văn Trà, thăm Phần Lan năm 2004. Cùng năm, Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Vũ Khoan, sang thăm Phần Lan. Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu, ASEM 6, tổ chức tại Phần Lan vào mùa thu năm 2006, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Phần Lan. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Phần Lan từ tháng 6-2008. Ngoài ra, đại diện của một số ủy ban của Quốc hội Việt Nam cũng đã sang thăm và làm việc tại Phần Lan trong thời gian gần đây.
Những chuyến thăm cấp cao đã tạo cơ hội để hai bên trao đổi, hợp tác phát triển, và thúc đẩy thương mại và đầu tư. Song song, những chủ đề khác như quyền con người, quản trị đất nước, nhà nước pháp quyền, cũng được đưa vào chương trình nghị sự.
Viện trợ
Trong giai đoạn đầu, hợp tác phát triển là nền tảng của mối quan hệ hai nước, mà chủ yếu là các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, hỗ trợ phát triển dài hạn được bắt đầu. Phần Lan luôn ủng hộ Việt Nam và không áp đặt các điều kiện về chính trị trong chính sách viện trợ. Phần Lan đã xóa nợ trên 40 triệu USD cho Việt Nam.
Hỗ trợ phát triển dài hạn của Phần Lan tập trung vào một số dự án cơ sở hạ tầng lớn: Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng gần Hải Phòng. Dự án này được Phần Lan hỗ trợ từ năm 1979 đến năm 1991 với tổng kinh phí khoảng 46 triệu USD. Các dự án lớn khác do Phần Lan tài trợ là dự án Cấp nước tại Hà Nội từ năm 1985 - 2001, và dự án Cấp nước tại Hải Phòng từ năm 1990 –2004.
Giai đoạn sau, đã có nhiều dự án hỗ trợ phát triển quan trọng khác được mở rộng ra các lĩnh vực: lâm nghiệp, giảm đói nghèo, và phát triển nông thôn. Phần Lan đã viện trợ cho Việt Nam gần 200 triệu USD từ năm 1994 - 2006.
Các dự án do Phần Lan hỗ trợ nói chung đều mang lại hiệu quả cao, điển hình là Chương trình Phát triển nông thôn tổng hợp ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Chương trình cấp nước tại thành phố Hải Phòng đã được thực hiện thành công, được cả hai bên Việt Nam và Phần Lan đánh giá cao.
Ngoài kênh hợp tác song phương, Phần Lan cũng trợ giúp cho Việt Nam thông qua các tổ chức đa phương như EC, LHQ; các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB; các tổ chức phi chính phủ và các chương trình hợp tác khu vực của Ủy ban sông Mekong, AITCV, ILO…
Bên cạnh nguồn viện trợ không hoàn lại, Phần Lan cũng cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam. Việc cấp tín dụng này được thực hiện thông qua các hiệp định tín dụng khung ký giữa Bộ Tài chính và các ngân hàng Phần Lan.
Tổng số các dự án được Chính phủ hai nước đưa vào danh sách ưu tiên về tín dụng ưu đãi hiện nay là trên hai mươi dự án trong đó khoảng bốn dự án đang triển khai thực hiện, đã giải ngân, các dự án khác còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện.
Thương mại và Đầu tư
Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Phần Lan còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, đã có sự gia tăng trong quan hệ thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng hàng năm vào khoảng từ 20 – 40%. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước khoảng 170 triệu USD.
Buôn bán với Phần Lan còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Phần Lan.
Thúc đẩy thương mại và đầu tư hai chiều là mục tiêu chung của hai nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, cùng với những cải cách cơ cấu kinh tế của Việt Nam, là cơ sở tốt để phát triển quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO đã tăng thêm sức hấp dẫn của Việt Nam như là một đối tác thương mại và đầu tư.
Cuối năm 2007, đầu tư trực tiếp (FDI) của Phần Lan vào Việt khoảng hơn 60 triệu USD triển khai trên 6 dự án. Từ năm 2003, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội có một quỹ 500.000 euro/năm cho từng dự án nhỏ và vừa với quy mô khoảng từ 30.000 euro - 50.000 euro cho mỗi dự án.
Giáo dục
Cộng đồng người Việt Nam tại Phần Lan hiện có khoảng 4.500 người, trong đó khoảng 1.600 người mang quốc tịch Việt Nam. Cộng đồng người Việt có những đóng góp hiệu quả đối với nước sở tại. Người Việt ở Phần Lan sống rải rác ở hầu khắp các tỉnh, không tập trung ở một số khu vực như những nơi khác. Đây cũng chính là lý do khiến sự gắn kết giữa bà con người Việt chưa cao. Tuy vậy, Hội Người Việt Nam tại Phần Lan đã được thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ I vào tháng 7-2007.
Cho tới nay, có khoảng trên 100 học sinh, sinh viên từ Việt Nam sang Phần Lan du học, chủ yếu dưới dạng tự túc. Đại đa số sinh viên theo học các ngành công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. Tháng 11-2006, Bộ Ngoại giao Phần Lan đã đưa Việt Nam vào danh sách nước được nhận tài trợ giai đoạn 2 của Chương trình trao đổi giáo dục Bắc-Nam-Nam (North-South-South Higher Education Institution Network Programme).
Theo chương trình này, Chính phủ Phần Lan sẽ tài trợ trao đổi sinh viên và giáo viên giữa các trường đại học của Phần Lan và các đối tác Việt Nam.
Hiện nay, mới có một số ít trường ở Việt Nam thiết lập được quan hệ với các đối tác Phần Lan. Trung tâm hợp tác quốc tế của Bộ Giáo dục Phần Lan (CIMO) đang tiến hành soạn thảo báo cáo phân tích về giáo dục đại học của Việt Nam, tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học của nước ta.
CIMO đã tổ chức 2 Hội thảo du học Phần Lan tại Hà Nội và TPHCM vào năm 2007, và đã làm việc với Bộ giáo dục và Đào tạo về khả năng hợp tác giữa hai nước.
Khoa học và công nghệ
Việt Nam và Phần Lan khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ trong thời gian tới. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Phần Lan tháng 2-2008, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Phần Lan thay thế cho Bản ghi nhớ đã ký năm 1995. Hai bên cũng đã xác định được một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ như: năng lượng, lâm nghiệp, công nghệ môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, hiện nay công ty Viễn thông Nokia đã và đang hoạt động kinh doanh hiệu quả ở thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Nokia cũng đã tham gia một số dự án cung cấp thiết bị mạng lưới cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Viễn thông quân đội (VIETTEL).
Lao động
Hợp tác lao động là một lĩnh vực đang được tích cực thúc đẩy trong quan hệ Việt Nam - Phần Lan. Bộ trưởng Lao động Phần Lan Tarja Cronberg đã thăm và làm việc với Bộ LĐTBXH nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lao động. Hai bên đã thống nhất thực hiện chương trình thí điểm tuyển chọn khoảng 20 đến 24 lao động tại Hà Nội đến làm việc tại vùng Nam Ostrobothnia, Phần Lan.
Văn hóa, du lịch
Năm 2005, Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Phần Lan vào Việt Nam trong vòng 15 ngày.
Năm 2007, lượng khách du lịch Phần Lan vào Việt Nam đạt 6 nghìn người. Hầu hết khách du lịch Phần Lan đến Việt Nam đều yêu thích, đánh giá cao đất nước và con người Việt Nam. Trao đổi văn hóa giữa hai nước còn rất khiêm tốn, hoạt động chủ yếu là các triển lãm tranh nghệ thuật Việt Nam tại một số bảo tàng nghệ thuật của Phần Lan. Có thể kể đến: Triển lãm “Hoa sen - Nghệ thuật đến từ Việt Nam” (2005); triển lãm nghệ thuật quốc tế cho thanh thiếu niên lần thứ XIII tại Phần Lan (2007).
(Ban biên tập, ngày 28-5-2009)