Công cụ làm việc cá nhân
...

    Tìm kiếm

    


Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, ông Seth D. Winnick: Việt Nam là một địa điểm tuyệt vời để làm ăn

Nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, ông Seth D.Winnick - trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với Báo Thanh Niên về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian qua và sắp tới

 

 

* Thưa ông, đã có nhiều nhận xét về chuyến thăm mang tính bước ngoặt của Thủ tướng Phan Văn Khải đến Hoa Kỳ trước đây. Ông có nhận định gì về chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết?

- Tôi nghĩ bất kỳ chuyến đi nào của một vị lãnh đạo đất nước đều hết sức có ý nghĩa. Vì thế chuyến đi của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết là hết sức quan trọng. Chuyến đi được chờ đợi là sẽ mở ra tương lai cho quan hệ hai nước. Theo cách nhìn của tôi, đối với những chuyến thăm như vậy, mọi người sẽ không nhớ lâu về những gì các vị lãnh đạo đã nói trong bài diễn văn hay đội quân danh dự mặc đồng phục màu gì... Nhưng họ sẽ ghi nhớ kết quả sau mỗi chuyến đi. Nhìn lại chuyến thăm Hoa Kỳ chính thức của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, có thể nói đó là một bước ngoặt mới trong quan hệ hai nước. Đó có thể nói như là động lực cần thiết cho kết thúc đàm phán Việt Nam – Hoa Kỳ về quá trình Việt Nam gia nhập WTO. Nó đã mở ra thật nhiều cơ hội cho quan hệ làm ăn của doanh nghiệp hai nước. Đó cũng thật sự là cơ hội để Việt Nam giới thiệu mình với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ. Việc Thủ tướng Phan Văn Khải đánh lên hồi chuông ở thị trường chứng khoán New York là vô cùng ý nghĩa. Nó giống như sự báo hiệu rằng Việt Nam đang đi vào quỹ đạo kinh tế quốc tế. Bây giờ, 2 năm sau, Việt Nam đã là thành viên của WTO. Chúng ta có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của đất nước này, chứng kiến lượng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ vào Việt Nam trong năm qua...; và việc sang năm Việt Nam có thể trở thành thành viên Hội đồng Bảo an LHQ. Đó là một hình ảnh Việt Nam rất khác so với cách đây 2 năm. Bởi thế, chuyến đi này tôi nghĩ sẽ là cơ hội thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đi xa hơn. Đó là một mối quan hệ trưởng thành hơn rất nhiều so với cách đây 2 năm. Vì thế tôi hy vọng cuộc hội đàm sắp tới giữa các nhà lãnh đạo sẽ không dừng lại ở vấn đề kinh tế, thương mại mà sẽ là tình hình chính trị chung, và những vấn đề chính trị, an ninh khu vực...

* Ba năm qua, ông và các cộng sự của mình tại TP.HCM đã chú trọng đến lĩnh vực gì để phát triển quan hệ hai nước?

- Tôi rất may mắn có một nhiệm kỳ 3 năm tại đây. Nếu bạn nhìn ra thế giới thì có thể thấy trong vòng 3 năm qua không có nước nào làm được nhiều điều như Việt Nam. TP.HCM là một nơi thật tuyệt vời để sống và làm việc. Tôi đã có cơ hội tập trung vào thương mại và đầu tư, hỗ trợ phát triển, giáo dục, quan hệ giữa con người với con người... Chúng tôi không chỉ làm việc với TP.HCM mà với tất cả các tỉnh phía Nam. Đại sứ Marine ở Hà Nội chịu trách nhiệm trực tiếp về quan hệ giữa hai chính phủ, tôi được tập trung vào những vấn đề cụ thể hơn. Chúng tôi thiết lập nhiều mối quan hệ công việc với những lãnh đạo Đảng, UBND các tỉnh, thành phố, với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với các tổ chức tôn giáo ở đây... Có thể nói tôi được làm việc trong một môi trường rất được hỗ trợ. Tôi nghĩ chúng tôi đã làm được rất nhiều việc.

* Có vẻ ông rất ấn tượng với sự tăng trưởng của Việt Nam?

- Có thể thấy nền kinh tế các bạn phát triển rất nhanh, đầu tư nói chung chứ không riêng gì đầu tư nước ngoài, cũng rất ấn tượng, tăng khoảng 10%/năm. Xuất khẩu tăng 20-22%/năm. Lạm phát của Việt Nam khoảng 8%/năm, tăng trưởng cũng ở mức đó, nhưng tôi dự đoán tăng trưởng cao hơn con số chính thức, khoảng 10%. Thách thức của Việt Nam, theo tôi đó là các bạn không thể dừng lại và làm sao giữ được tốc độ tăng trưởng này. Giống như người đi xe đạp vậy, nếu bạn ngừng đạp, bạn sẽ ngã.

* Một số chuyên gia kinh tế cho rằng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh trong khoảng 2-5 năm tới khi mà những cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ  và WTO có hiệu lực. Ông nghĩ thế nào về nhận xét này?

- Tôi nghĩ nhận xét đó có thể đúng. Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào việc Việt Nam quyết định đi bằng con đường nào để hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Điều này phụ thuộc nhiều vào Việt Nam hơn là Hoa Kỳ. Bởi lẽ, Hoa Kỳ đã tạo nên mối quan hệ thương mại rất năng động với nhiều nước, chúng tôi đã là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới của nhiều nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Vì thế, tôi cho rằng hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà Việt Nam thực hiện hội nhập như thế nào. Phụ thuộc vào việc Việt Nam tận dụng chiếc vé thành viên WTO, tận dụng hệ thống thương mại toàn cầu để nhanh chóng mở cửa, làm cho nền kinh tế của mình trở nên năng động, hòa nhập với kinh tế thế giới. Phụ thuộc vào việc Việt Nam có sử dụng công cụ WTO để tiếp tục bảo hộ thị trường nội địa thay vì mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu hay không. Ngay lúc này bạn đã thấy làn sóng đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp đổ vào Việt Nam. Các dòng đầu tư đó kỳ vọng Việt Nam sẽ mở cửa nhiều hơn. Nhưng nếu bạn nói chuyện với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài và kể cả trong nước, bạn sẽ thấy những lo lắng về việc những cam kết WTO được Việt Nam áp dụng ở mức nào, tối thiểu hay tối đa. Vấn đề là các bạn tiến tới một hệ thống pháp luật thế nào. Một hệ thống pháp luật mà ở đó chỉ rõ những thứ bạn không được phép làm hay một hệ thống pháp luật chỉ ra một thứ được làm. Tôi có một ví dụ: Có một mặt hàng cách đây 1 năm được nhập khẩu bình thường, nhưng 1-2 tháng gần đây lại bị ách tắc. Có khi thì người ta áp mức thuế suất cao, có khi thì nói rằng cái này không nằm trong danh mục cam kết WTO... Ở Việt Nam, có những người trong ngành hải quan hay cộng đồng doanh nhân vẫn còn suy nghĩ là Việt Nam cần phải bảo hộ được chừng nào hay chừng ấy để chống lại sự cạnh tranh bên ngoài vào. Nhưng cũng có người suy nghĩ rằng Việt Nam càng mở cửa thì sức cạnh tranh càng cao. Vì thế, tôi nghĩ mọi thứ phụ thuộc vào việc Việt Nam tiếp cận cơ hội này như thế nào. Theo cách nhìn của tôi từ kinh nghiệm BTA, nếu Việt Nam sử dụng tấm thẻ WTO để mở cửa nền kinh tế thì sức cạnh tranh sẽ tăng lên đáng kể, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ. Còn nếu Việt Nam dùng WTO để xây dựng lên một bức tường chống lại cạnh tranh bên ngoài thì cũng có nghĩa các bạn đang kết thúc tốc độ tăng trưởng của mình.

* Vậy theo ông chính phủ hai nước sẽ phải làm gì để phát triển mối quan hệ hơn nữa?

- Tôi nghĩ giai đoạn kế tiếp trong quan hệ sẽ là cởi mở hơn, tự tin hơn về cả hai phía. Tôi muốn Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán của cả hai nước năng động hơn, gặp nhau, thăm hỏi nhau nhiều hơn. Tôi muốn có nhiều bạn trẻ Hoa Kỳ đến Việt Nam hơn, muốn có nhiều bạn sang để dạy tiếng Anh vì đó là một nhu cầu thực sự ở đây. Tôi muốn có nhiều sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập (hiện nay con số tăng trưởng khoảng 15-17%/năm). Tôi nghĩ số người Hoa Kỳ gốc Việt là một nguồn lợi to lớn cho Việt Nam. Những người này có tiền và có kiến thức để mang về Việt Nam.

* Khi về Mỹ, nếu có người hỏi ông về cơ hội làm ăn tại Việt Nam, ông sẽ có lời khuyên gì?

- Tôi đã gặp rất nhiều người muốn đầu tư vào Việt Nam và tôi luôn nói rằng đây là một địa chỉ hấp dẫn để đầu tư. Bởi vì các bạn có một thị trường lớn. Còn nói về sản xuất thì đây cũng là một nơi đáng để đầu tư vì các bạn có một lực lượng lao động có kỹ năng, chất lượng và rất cầu tiến. Việt Nam không phải là nơi có giá nhân công rẻ nhất thế giới, nhưng ở đó lực lượng lao động rất chất lượng mà giá thì hợp lý. Tuy nhiên, nếu đến Việt Nam thì phải nghĩ tới một kế hoạch lâu dài. Đó không phải là nơi bạn đến lập công ty để hy vọng làm giàu từ 12 đến 18 tháng. Còn cuộc sống ở đây, tôi nghĩ đó là một nơi tuyệt vời. Quan hệ giữa người với người rất thân thiện, người dân ở đây rất hiền hậu, có giáo dục, cầu tiến và điều quan trọng nữa là họ rất quan tâm đến Hoa Kỳ, ham thích học tiếng Anh. Thức ăn rất ngon...

Trung Bình
(thực hiện)

 

Các tin liên quan:
Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 07-06-2007