Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Australia
Ngày 26/2/1973, Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao và tiến hành lập Đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước.
Từ năm 1991, nhất là sau khi Chính phủ liên đảng Tự do - Quốc gia của Thủ tướng John Winston Howard lên nắm quyền, quan hệ giữa hai nước phát triển tốt đẹp và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Năm 1995, Australia thiết lập Tổng Lãnh sự quán tại TPHCM.
Các đoàn đã trao đổi:
Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, góp phần quan trọng trong việc tăng cường và mở rộng quan hệ song phương giữa hai nước.
Phía Việt Nam có các đoàn thăm Australia:
-
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 5/1993).
-
Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 7-8/1995).
-
Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (tháng 3/1998).
-
Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 4/1999 và tháng 5/2005).
-
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 2/1995, tháng 2/1997, tháng 9/2000).
-
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (tháng 2/2004).
-
Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà (tháng 3/2004).
Ngoài ra còn nhiều đoàn Quốc hội và cấp Bộ/Thứ trưởng các Bộ, ngành…
Các đoàn Australia thăm Việt Nam:
-
Thủ tướng Paul Keating (tháng 4/1994).
-
Toàn quyền Bill Hayden (tháng 4/1995).
-
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Tom Fisher (tháng 8/1996).
-
Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Downer đã thăm 6 lần (vào các tháng 7/1996, 7/1997, 4/1998, 5/2000, 7/2001, 7/2003).
Ngoài ra còn nhiều đoàn cấp Bộ/Thứ trưởng, lãnh đạo các bang...
Trong chuyến thăm chính thức Australia từ ngày 5-7/5/2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải, hai bên đã ra Tuyên bố báo chí chung, trong đó khẳng định sự lớn mạnh và sức sống của mối quan hệ song phương giữa hai nước và nhất trí tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Hợp tác kinh tế:
Kim ngạch thương mại giữa hai nước luôn tăng đều và đạt mức cao, từ 32,3 triệu USD (1990) lên 3,06 tỷ USD (năm 2005) trong đó Việt Nam liên tục xuất siêu. Năm 2005, Việt Nam xuất 2,57 tỷ USD và nhập 498,5 triệu USD. Trong 5 tháng đầu 2006, tổng kim ngạch thương mại 2 bên đạt 1,39 tỷ USD. Hiện nay Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam (sau EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Australia gồm: dầu thô, thủy sản, hạt điều, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, cà phê, hàng may mặc, giày dép, gạo, cao su... Các mặt hàng nhập khẩu gồm: ngũ cốc, thuốc chữa bệnh, tàu biển, máy chế biến thực phẩm, thiết bị điện, kim loại, sắt thép, thực phẩm, hoá chất...
Về đầu tư, Australia là một trong các nước có lượng đầu tư khá cao tại Việt Nam. Tính đến hết năm 2005, số dự án đầu tư của Australia tại Việt Nam là 115 dự án với tổng vốn là 664,7 triệu USD (đứng thứ 18 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam), tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, dịch vụ, nông - lâm - ngư nghiệp…, tại Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Các dự án đầu tư của Australia được đánh giá chung là có hiệu quả tốt.
Viện trợ phát triển chính thức (ODA):
Tháng 10/1991 Australia nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam. Tuy nhiên, các chương trình viện trợ chỉ được thực hiện có quy mô lớn từ năm 1994.
Chiến lược hợp tác phát triển Việt Nam - Australia giai đoạn 2003-07 đã được chính phủ hai nước thông qua, theo đó các dự án viện trợ trong giai đoạn này được thực hiện theo các định hướng: (1) Về lĩnh vực hợp tác: tập trung trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, y tế, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. (2) Về địa lý: ưu tiên và tập trung cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung.
Cầu Mỹ Thuận là biểu tượng cho sự hợp tác Việt
Viện trợ ODA của Australia cho Việt Nam như sau: Năm tài khoá 2003-2004 là 72,1 triệu dollar Australia (AUD); năm 2004-2005: 73,7 triệu AUD; năm 2005-2006: 77,3 triệu AUD. Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong số các nước nhận ODA của Australia, sau Papua New Guinea, Indonesia và quần đảo Solomon.
Theo dự thảo ngân sách Liên bang Australia tài khóa 2006-2007, mức viện trợ dành cho Việt Nam là 81,5 triệu AUD (tăng 4,2 triệu AUD so với năm tài khoá trước) và Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong các nước nhận ODA của Australia. Australia cũng nói rõ khoản viện trợ này là để hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010), đặc biệt ưu tiên lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Nhìn chung viện trợ ODA của Australia có hiệu quả cao, đóng góp tốt cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Các Hiệp định đã ký kết:
-
Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại (6/1990).
-
Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (3/1991).
-
Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (4/1992).
-
Hiệp định Hàng không (7/1995).
-
Hiệp định Lãnh sự (7/2003).
Một số Thỏa thuận Hợp tác quan trọng khác bao gồm:
-
Hợp tác Phát triển (5/1993).
-
Trợ giúp lĩnh vực Pháp luật (2/1997).
-
Hợp tác Khoa học và Công nghệ (9/1992).
-
Hợp tác trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (9/1995).
-
Hợp tác về Môi trường (1997).
-
Hợp tác Thể thao (1999).
-
Hợp tác Giáo dục (1993 và ký lại năm 1999).
-
Hợp tác về vấn đề nhập cư (2001).
-
Hợp tác về các Dịch vụ Xã hội (2002).
(NTT, ngày 17-11-2006)
Nguồn: http://www.mofa.gov.vn
Các tin liên quan:
- Lễ kỷ niệm quốc khánh Australia tại TPHCM (10-02-2009)
- Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tiếp Chủ tịch Hạ viện Australia (07-01-2009)
- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bang Victoria (Australia) (03-12-2008)
- Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tiếp Tân Đại sứ và Tân Tổng Lãnh sự Australia (26-11-2008)
- Đại sứ Australia tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM chào ra mắt (26-11-2008)
- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà tiếp đoàn đại biểu Hội đồng giao lưu chính trị Australia (01-11-2008)
- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Tổng Giám đốc Đại học RMIT (08-10-2008)
- Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân tiếp Tổng Lãnh sự Australia chào từ biệt (26-08-2008)
- Tàu hải quân Australia thăm TPHCM (26-08-2008)
- Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM chào từ biệt (20-08-2008)
Cập nhật 19-11-2006