Công cụ làm việc cá nhân
...

    Tìm kiếm

    


Thông tin cơ bản về bang Victoria (Australia)


 

Bản đồ bang Victoria

Địa lý:

Victoria là một bang nằm ở phía Đông Nam đất nước Australia. Đây là bang có diện tích nhỏ nhất nhưng là một trong những bang đông dân nhất và đô thị hóa ở mức cao.

Diện tích: 237.629 km2.

Dân số: 5.110.500 người (số liệu tháng 9/2006). Đây là bang đông dân thứ hai của Australia, sau bang New South Wales, với hơn 5 triệu dân (9/2005).

Mật độ: 22,47 người/km2

Khí hậu: Khí hậu đa dạng, từ nửa khô hạn, nóng phía Tây Bắc cho đến mát mẻ ở khu dọc bờ biển.

Thủ phủ bang: Thành phố Melbourne. Đây cũng là thành phố lớn nhất và là thủ phủ của bang, có hơn 70% dân số bang sống tại đây.

 

Thành phố Melbourne

Lịch sử:

Lịch sử bang bắt nguồn từ những năm 30 của thế kỷ XIX với một cộng đồng nông nghiệp sống tại đây. Đến năm 1851 khi người ta phát hiện ra vàng ở đây, Victoria vụt trở thành trung tâm thương mại và công nghiệp hàng đầu.

Sau khi người Anh thiết lập chế độ thực dân ở New South Wales năm 1788, lục địa này bị chia đôi thành nửa phía đông - mang tên New South Wales, và nửa phía tây, mang tên New Holland, nhưng dưới sự quản lý của chính quyền thực dân ở Sydney. Vùng định cư đầu tiên là Portland, ở bờ biển phía Tây mà ngày nay là Victoria. Melbourne được xây dựng năm 1835 bởi John Batman

Năm 1851 người ta phát hiện ra vàng ở gần Ballarat và tiếp theo đó là ở Bendigo. Sau đó các cuộc khai phá khác xuất hiện ở nhiều khu vực trong bang Victoria. Điều này khiến thế giới chứng kiến một trong những cơn sốt đào vàng lớn nhất thế giới. Chính quyền thực dân lớn mạnh nhanh chóng cả về quyền lực kinh tế lẫn dân số. Trong vòng 10 năm, dân số của Victoria đã tăng gấp 7 lần, từ 76.000 người đến 540.000 người. Nơi đây có tất cả các kỷ lục về vàng, bao gồm cả biệt danh “cánh đồng phù sa vàng màu mỡ nhất thế giới” và là mỏ vàng lớn nhất. Từ 1851-1860, Victoria đã sản xuất khoảng 10 triệu ounce vàng, chiếm 1/3 sản lượng của thế giới.

 

Thành phố Bendigo ngày nay

Làn sóng nhập cư từ các nơi trên thế giới ồ ạt đổ về đây để tìm vàng, đặc biệt là từ Ireland và Trung Quốc. Năm 1854, một cuộc đấu tranh vũ trang đã nổ ra chống việc chính quyền Victoria đánh thuế khai mỏ. Nhưng sau đó các nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy đó lại trở thành thành viên của Quốc hội Victoria, vì vậy cuộc nổi dậy vẫn thường được nhắc đến như là một thời khắc mấu chốt cho sự phát triển dân chủ của Australia.

Năm 1901, Victoria trở thành một bang trong Khối Thịnh vượng chung của Australia. Melbourne trở thành trung tâm tài chính của Australia và New Zealand. Từ năm 1901 đến 1927, Melbourne trở thành thủ đô của Australia, trong khi Canberra còn đang xây dựng dang dở. Thời điểm đó Melbourne trở thành thành phố lớn nhất Australia, và là thành phố có dân số đông thứ hai sau London (Anh).

Trong thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX Melbourne đóng vai trò là trung tâm tài chính quan trọng và có ảnh hưởng lớn, là nơi các công ty đa quốc gia và quốc gia đặt trụ sở chính. Tuy nhiên, sự hưng thịnh này dần suy thoái và sau đó Sydney thay thế vị trí này.

Chính trị:

Quốc hội:

Quốc hội Victoria theo hệ thống Westminster (Anh quốc). Quyền lập pháp tập trung vào Quốc hội, bao gồm: Thống đốc bang (đại diện cho Nữ hoàng), bộ phận Hành pháp (Chính phủ) và hai Viện lập pháp. Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị là người đứng đầu bang Victoria, tuy nhiên trên thực tế, vai trò này chỉ mang tính tượng trưng. Quốc hội bang Victoria gồm có 2 Viện: Hạ viện Quốc hội Lập pháp và Thượng viện Hội đồng lập pháp.

 

Tòa nhà Quốc hội bang Victoria được xây dựng từ năm 1856

- Hạ viện Quốc hội lập pháp có 88 thành viên được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm từ các cử tri độc lập.

- Thượng viện Hội đồng Lập pháp: Trước năm 2006, Hội đồng lập pháp gồm 44 thành viên được bầu theo nhiệm kỳ 8 năm.

Tháng 11/2006, các cuộc bầu cử của Hội đồng lập pháp bang Victoria diễn ra dưới một hệ thống bầu cử đa tỷ lệ. Bang Victoria được chia thành 8 cử tri với mỗi cử tri đại diện cho 5 đại biểu được bầu ra thông qua hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đơn có thể chuyển đổi số phiếu. Tổng số thành viên của Thượng viện đã giảm từ 44 đến 40 và nhiệm kỳ hiện nay của các đại biểu của Thượng viện cũng giống như đại biểu Hạ viện, là 4 năm. Các cuộc bầu cử của Quốc hội bang Victoria hiện nay đã cố định, diễn ra vào tháng 11 mỗi 4 năm.

Thống đốc bang và Nội các:

Thống đốc bang Victoria là lãnh tụ đảng hoặc liên minh chính trị với đa số ghế ở Hội đồng lập pháp. Thống đốc bang là đại diện công cho chính quyền và vạch ra chương trình nghị sự chính trị và lập pháp, cùng với Nội các. Thống đốc bang giữ vai trò đại diện về mặt hình thức cho Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị. Vị trí này thường do một công dân danh tiếng đã nghỉ hưu của bang Victoria giữ.

Nội các gồm các đại diện được bầu ở cả 2 viện của Quốc hội. Theo Hiến pháp Australia, Nội các chịu trách nhiệm quản lý các lĩnh vực của Chính quyền bang, những lĩnh vực không chỉ thuộc quyền quản lý của riêng Khối Thịnh vượng chung, chẳng hạn như giáo dục, y tế, củng cố luật pháp.

Hiến pháp bang Victoria:

Bang Victoria có một Hiến pháp thành văn được thông qua vào năm 1975. Hiến pháp lại dựa trên bản Hiến pháp của chế độ thực dân, trong đó qui định Quốc hội là cơ quan lập pháp tối cao của bang. Hiến pháp bang Victoria có thể được Quốc hội sửa đổi với đa số theo luật định. Các thay đổi trong Hiến pháp phải được đưa ra trưng cầu dân ý.

Các đảng phái chính trị:

Các đảng phái chính trị chính ở bang Victoria gồm: Đảng Lao động trung tả Australia (ALP), Đảng Tự do trung hữu Australia và Đảng Quốc gia Australia. Theo truyền thống, Đảng Lao động là đảng mạnh nhất ở Melbourne, gồm các tầng lớp lao động, ở ngoại ô phía bắc và phía tây. Trong khi đó Đảng Tự do gây ảnh hưởng mạnh ở khu ngoại ô phía đông, ác trung tâm vùng và nông thôn. Đảng Quốc gia lại chiếm ưu thế ở khu vực nông thôn phía đông và tây bắc.

Kinh tế:

Nền kinh tế bang Victoria là nền kinh tế lớn thứ hai của Australia, chiếm gần ¼ tổng sản phẩm quốc dân của cả nước.

Các ngành tài chính, bảo hiểm và bất động sản tạo nên thu nhập lớn nhất trong khu vực sản xuất, trong khi dịch vụ công và tư, cộng đồng lại thu hút nguồn nhân lực chính của bang. Mặc dù nền kinh tế chuyển đổi sang ngành công nghiệp dịch vụ, khu vực chế biến vẫn là ngành cung cấp thu nhập chính, dù đang phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Thập kỷ 90 của thế kỷ XX chứng kiến sự đình trệ của nền kinh tế bang Victoria. Khoảng giữa những năm 90, Thống đốc bang Jeff Kennett đã thi hành một loạt các chính sách cắt giảm chi phí công, làm ảnh hưởng mạnh đến khu vực công cộng, đồng thời phát triển các mạng lưới công trình công cộng mới, chủ yếu tập trung ở Thủ phủ Melbourne, đem lại bộ mặt mới cho bang Victoria, thu hút sự chú ý của khách du lịch các nước.

Hiện nay, chính quyền bang đang có kế hoạch mở rộng khu vực dịch vụ công và chính quyền tiếp tục duy trì truyền thống quản lý nền kinh tế một cách có trách nhiệm.

Nông nghiệp:

Các trang trại của bang Victoria phong phú về chủng loại từ các sản phẩm từ vườn trại tư nhân cho đến các đàn gia súc qui mô lớn và các sản phẩm lúa gạo. Khoảng 26.000 km2 đất canh tác trồng hơn 50% lúa mì, 33% lúa mạch và 7% yến mạch của Australia. Ngoài ra, bang này còn trồng các loại hoa quả, cung cấp gần 90% lê và hơn 1/3 táo cho cả nước.

 

Thu hoạch hoa quả

Ngoài việc nổi tiếng với các hạt giống trái cây. Victoria cũng là trung tâm của các trang trại bò sữa của Australia, chiếm hơn 60% trong số 3 triệu con của đàn gia súc Australia và cung cấp lượng 2/3 sữa tươi cho cả nước.

 

Trang trại bò sữa

Chế biến:

Cứ 100 người dân bang Victoria thì có 15 người làm việc trong ngành công nghiệp chế biến. Hiện nay số công nhân là 318.000 người. Về sản lượng, bang Victoria chỉ đứng sau bang New South Wales. Sản xuất máy móc và thiết bị chế biến là những hoạt động đáng kể của bang, cùng với các hoạt động chế biến trong ngành thực phẩm, nước giải khát, chế biến dầu khí, than đá và hóa chất. Melbourne là trung tâm chế biến của Victoria, Geelong đứng vị trí thứ hai.

Khai mỏ:

Ngành khai mỏ ở bang Victoria đem lại khoảng 3 tỷ đôla Australia cho tổng sản phẩm quốc dân, nhưng chỉ thu hút 1% lao động. Ngành công nghiệp bang Victoria tập trung vào năng lượng khoáng sản. Than nâu và dầu khí chiếm gần 90% sản xuất địa phương. Ngành công nghiệp dầu khí tập trung ở bờ biển Gippsland ở phía đông của bang. Dầu thô có giá trị hơn 2 tỷ đôla Australia và khí thiên nhiên có giá trị gần 700 triệu đôla Australia. Trung bình mỗi ngày, nơi đây sản xuất 120.000 thùng dầu, và là bang sản xuất dầu thô lớn thứ ba của Australia.

Than nâu là khoáng sản chính của bang, với con số 66 triệu tấn được khai thác hàng năm, phục vụ cho cung cấp điện năng ở Thung lũng La Trobe và Gippsland. Khu vực này là nơi có dự trữ than nâu lớn nhất trên thế giới. Ngày trước, bang Victoria nổi tiếng trên thế giới về các mỏ vàng và các cuộc đào vàng, ngày nay sản xuất vàng chỉ đạt 1%, bên cạnh thạch cao và cao lanh.

 

Khai thác than nâu bắt đầu từ thế kỷ XIX

Dịch vụ:

Khu vực dịch vụ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế bang Victoria. Các hoạt động đa dạng từ dịch vụ công, dịch vụ xã hội, cá nhân, bảo hiểm, bất động sản, dịch vụ nhà nước, giao thông, viễn thông, bán lẻ và bán sỉ. Hầu hết các dịch vụ tập trung ở Melbourne và các trung tâm lớn của vùng. Tài chính, bảo hiểm, bất động sản đóng góp thị phần lớn hơn các hoạt động kinh tế khác của vùng.

Du lịch:

Khu vực trung tâm Melbourne, Sòng bạc Crown, Vườn bách thảo Melbourne, khu du lịch Melbourne Dockland,… và các điểm du lịch như Trung tâm Nghệ thuật quốc gia, Bảo tàng Quốc gia Victoria, Quảng trường Liên bang… hằng năm thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.

 

Trung tâm Nghệ thuật quốc gia

Bang Victoria còn có những thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ như thắng cảnh Mười hai tông đồ là những cột đá tự nhiên ở Công viên quốc gia cảng Campbell, hồ Gippsland, bờ biển Bells, thung lũng Yarra…

 

Thắng cảnh Mười hai tông đồ

 

(T.Tiên, Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 20-5-2007)


Các tin liên quan:
Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 21-05-2007