Nền kinh tế Liên bang Nga
Bản đồ Liên bang Nga
A. Vài nét về Liên bang Nga:
-
Vị trí địa lý: Nằm trải dài trên phần phía Bắc của lục địa Á - Âu, tiếp giáp với 2 đại dương là Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương.
-
Diện tích: 17.075.200 km2 (lớn nhất thế giới)
-
Dân số: 142.893.540 người (số liệu tháng 7-2006). Hiện nay ở Nga đang có hiện tượng giảm tỷ lệ sinh. Tỷ lệ tăng dân số năm 2006 là - 0,37%.
-
Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Nga
-
Đơn vị tiền tệ: Đồng rúp (ruble) (RUR)
-
Nhà lãnh đạo Kinh tế hiện nay: Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin
Thủ đô Moskva
Quảng trường Đỏ ở Moskva
B. Nền kinh tế Liên bang Nga:
Nga có tiềm năng kinh tế rất lớn. Chiếm 3% dân số thế giới, Nga có nguồn năng lượng lớn nhất thế giới, chiếm tới 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và 34% trữ lượng khí đốt thế giới đã được phát hiện. Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt và xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 2 thế giới. Sản lượng điện của Nga chiếm 12% tổng sản lượng điện toàn cầu. Hiện nay Tổ hợp nhiên liệu - năng lượng Nga là một trong những tổ hợp quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế Nga, chiếm khoảng 1/4 GDP, 1/3 sản lượng công nghiệp và 1/2 nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Ngoài dầu mỏ, khí đốt và vàng, Nga có sản lượng khai thác kim cương đứng đầu thế giới. Sản lượng kim cương của Nga đạt 33,019 triệu cara, trị giá 1,676 tỷ USD.
Đường ống dẫn khí đốt của Công ty Gazprom
GDP: Kinh tế Nga những năm qua liên tiếp tăng trưởng: GDP năm 2000 - 7,9%, 2001 - 5,1%; 2002- 4,3%, 2003 – 7,3%, 2004 – 6,8%; năm 2005 – 6,4%; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều tăng, trong đó một số ngành như khai thác dầu, luyện kim đen tăng rất cao. 6 tháng đầu năm 2006, GDP của Nga tăng 6,3%, trong đó công nghiệp tăng 4,4%, nông nghiệp 1,3%. Năm 2004, GDP của Nga đạt 1.500 tỷ USD, làm cho Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới và thứ 5 ở châu Âu. Năm 2005 GDP đạt 1.589 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 11.100 USD. Nếu mức tăng trưởng hiện tại là ổn định, dự kiến Nga sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu sau Đức và thứ 8 trên thế giới trong vài năm tới, với GDP khoảng 2.300 tỷ USD.
Quang cảnh một nhà máy điện nguyên tử
Lực lượng lao động: 74,22 triệu người (năm 2005) với tỷ lệ thất nghiệp là 7,6%, năm 2005, tỷ lệ này 8,2%.
Lạm phát: Năm 2005, tỷ lệ lạm phát là 10,9%, thấp nhất trong 7 năm qua. 6 tháng đầu năm 2006, tỷ lệ lạm phát là 6,6%. Thu nhập của người dân đã tăng nhanh hơn tốc độ trượt giá. Nếu so với thời điểm 1999 thì Chính phủ Nga đã cơ bản giải quyết nợ lương, lương hưu trung bình tăng gần 90%, lương thực tế tăng gần gấp đôi, bước đầu cải thiện được đời sống người dân, thu nhập thực tế của dân tăng gấp 1,5 lần (4 tháng đầu năm 2006 thu nhập bình quân đầu người tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2005), thất nghiệp giảm gần 1/3.
Cán cân thanh toán: Dự toán ngân sách năm 2006 tăng chi tiêu 40%; thặng dư ngân sách dự kiến 776 tỷ Ruble (27 tỷ USD), chiếm 3,2% GDP. Năm nay, Nga sẽ tăng 30% chi tiêu cho giáo dục và nông thôn, tăng 60% chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ và chi tiêu cho xây dựng nhà mới tăng gấp 4 lần.
Trên cánh đồng vùng
Thương mại: Nga vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu hàng hóa, cụ thể là dầu mỏ, khí đốt, kim loại, gỗ, hóa chất, kim loại, vũ khí cá nhân và vũ khí phục vụ quốc phòng. Các mặt hàng này chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu với các thị trường chính là Hà Lan (10,3%), Đức (8,3%), Italia (7,9%), Trung Quốc (5,5%), Ukraine (5,2%), Thổ Nhĩ Kỳ (4,5%), Thụy Sĩ (4,4%) (2005). Kim ngạch xuất khẩu năm 2005 là 245 tỷ USD. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Nga đã nhắm nhiều hơn vào nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng trong nước, là lĩnh vực có mức tăng trưởng trên 12% mỗi năm trong giai đoạn 2000-2004, chỉ ra sự lớn mạnh dần lên của thị trường nội địa. Sản phẩm nhập khẩu chính là máy móc thiết bị, hàng tiêu dùng, thịt, đường, kim loại sơ chế. Thị trường nhập khẩu chính là Đức (13,6%),
Đầu tư: Mấy năm gần đây, Nga đúc rút bài học kinh nghiệm từ "liệu pháp sốc", tìm kiếm con đường cải cách phù hợp với kinh tế trong nước và nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh tế, tích cực tạo ra hệ thống kinh tế thị trường. Sau 15 năm cải cách, môi trường kinh tế Nga đã có sự cải thiện rõ rệt, vì thế càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2005, vốn đầu tư nước ngoài vào Nga đạt 26,1 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2004.
Thành phố cảng Vladivostock
Nợ nước ngoài: Năm 2005, nợ nước ngoài của Nga là 215,3 tỷ USD. Đến ngày 21-8-2006, Nga đã trả hết 21,3 tỷ USD nợ của 18 nước thành viên Câu lạc bộ
Dự trữ vàng và ngoại tệ: Dự trữ vàng và ngoại tệ tăng nhanh, tính đến 8-8-2006 đạt mức 265,6 tỷ USD, đứng thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Nhật Bản).
Tỷ giá hối đoái: Ruble Nga/ USD có tỷ giá là 29,169 (2001), 31,349 (2002), 30,692 (2003), 28,814 (2004), 28,284 (2005).
Chính sách tiền tệ: Từ ngày 1-7-2006 Nga đã thực hiện thả nổi tỷ giá trao đổi đồng ruble, hủy bỏ mọi hạn chế về lưu thông vốn.
Triển vọng trung hạn: Chính phủ Nga thông qua Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trung hạn 2006-2008, hướng mạnh vào 4 trọng điểm ưu tiên trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở và phát triển nông thôn với tổng số vốn đầu tư của Nhà nước 160 tỷ Ruble, cùng với những giải pháp tăng thu nhập cho người lao động. Sức mua của người dân tăng, thị trường tiêu dùng sôi động và các nhà phân tích kinh tế đã nói đến sự bùng nổ tiêu dùng ở Nga.
Trên đường phố
Cải cách cơ cấu: Nền kinh tế Nga cũng còn những khó khăn phải khắc phục như: cơ cấu kinh tế không cân đối, tăng trưởng kinh tế cũng như thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên nhiên liệu, tỉ lệ thất thoát vốn còn lớn, thu hút đầu tư chưa nhanh, khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đầu tư thay đổi công nghệ mới và phát triển các ngành kỹ thuật cao còn hạn chế.
Chính phủ Nga đang thực hiện chương trình thúc đẩy kinh tế, trong đó có việc thành lập các đặc khu kinh tế lớn nhằm thực hiện những ý tưởng và quy trình sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động kinh tế. Các đặc khu kinh tế sẽ là công cụ để phát triển và sử dụng triệt để mọi tiềm năng khoa học - kỹ thuật, thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh. Nga sẽ thành lập 2 loại đặc khu kinh tế, gồm đặc khu kinh tế về ứng dụng kỹ thuật cao và đặc khu kinh tế về sản xuất công nghiệp, dưới sự quản lý của cơ quan Liên bang.
Nhằm tăng vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, Chính phủ Nga đang thúc đẩy quá trình tái quốc hữu hóa các doanh nghiệp lớn, trước hết thuộc khu vực năng lượng từng mang lại gần một nửa lợi nhuận về thuế và giá trị xuất khẩu. Quá trình tái quốc hữu hóa nền kinh tế Nga tuy có gây tâm lý lo ngại cho một số người, nhưng cho tới nay vẫn không gây ra tác động tiêu cực nào đối với tăng trưởng kinh tế Nga cũng như việc các nhà đầu tư phương Tây đang quay trở lại đầu tư vào Nga.
Nguồn: http://www.apec.org
(H.V., Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 25-9-2006)
Các tin liên quan:
- Hội thảo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 3 về An ninh hàng không (25-04-2012)
- Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC 14 kết thúc thành công, thông qua Tuyên bố Hà Nội (20-11-2006)
- Nền kinh tế Hoa Kỳ (13-10-2006)
- Nền kinh tế Đài Bắc thuộc Trung Quốc (13-10-2006)
- Nền kinh tế Thái Lan (12-10-2006)
- Nền kinh tế Singapore (12-10-2006)
- Nền kinh tế Philippines (12-10-2006)
- Nền kinh tế Peru (12-10-2006)
- Nền kinh tế Papua New Guinea (12-10-2006)
- Nền kinh tế New Zealand (12-10-2006)
Cập nhật 12-10-2006