Personal tools

    Search

    


...

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 khóa X

Sáng 5-7-2007, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X họp Hội nghị toàn thể lần thứ năm. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đây là toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư:

 

Thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
Thưa các đồng chí dự Hội nghị,

Hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương khoá X họp Hội nghị toàn thể lần thứ năm. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đã về dự Hội nghị, chúc các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc và đạt nhiều thắng lợi trên các cương vị công tác của mình.

 

Theo Chương trình công tác toàn khoá, Hội nghị lần này sẽ bàn việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới; về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII; giới thiệu nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo quy chế làm việc, Bộ Chính trị sẽ báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương kết quả những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ tư đến nay.

 

Với những nội dung trên, Hội nghị Trung ương lần này tập trung bàn về công tác xây dựng Đảng và Nhà nước nhằm tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, thực hiện sự lãnh đạo đối với những nhiệm vụ quan trọng trước mắt, bảo đảm yêu cầu và phương hướng lãnh đạo của Đảng cho cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.

 

Như các đồng chí đã biết, trong phương hướng, mục tiêu xây dựng Đảng, Nghị quyết Đại hội X đã xác định phải đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị, đồng bộ với đổi mới kinh tế; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là khâu mấu chốt, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nguyên tắc chung đã được xác định là: Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, quan điểm, các nghị quyết; lãnh đạo thể chế hóa, cụ thể hóa thành Hiến pháp, pháp luật, kế hoạch, các chương trình công tác lớn của Nhà nước; phải bố trí đúng cán bộ và thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện.

 

Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước; trái lại, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của Nhà nước trong quản lý đất nước và xã hội. Theo hướng đó, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung và cơ chế Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước trong từng lĩnh vực: lập pháp, hành pháp, tư pháp và từng cấp, từng loại hình tổ chức nhà nước.

 

Đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, Đảng định hướng và tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể xác định đúng mục tiêu, phương thức hoạt động; đồng thời, phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo trong xây dựng, đổi mới tổ chức và hoạt động của mình. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ; thực hiện luân chuyển cán bộ, khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ về cán bộ. Tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là thủ trưởng cơ quan nhà nước... Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị phải thường xuyên gắn với đổi mới phong cách và lề lối làm việc ở từng cấp theo hướng thật sự dân chủ, thiết thực, nói phải đi đôi với làm.

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính là nhằm mục tiêu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực; hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Cải cách hành chính phải được tiến hành trên cơ sở các nghị quyết và nguyên tắc về xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Xuất phát từ các mục tiêu và yêu cầu đó, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quy chế phối hợp để nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan và cả bộ máy nhà nước. Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất cho người dân và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Các chủ trương, giải pháp cải cách hành chính phải đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta.

 

Thưa các đồng chí,
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trình đề án về "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng" để Ban Chấp hành Trung ương xem xét quyết định theo tinh thần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với nhận thức và yêu cầu mới. Công tác kiểm tra, giám sát phải được đổi mới, tăng cường trong cả nhận thức và hành động, cả về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc; góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, công tác kiểm tra của Đảng phải góp phần thực hiện bằng được mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã đề ra, nhằm vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt cũng như lâu dài của công tác xây dựng Đảng, vừa là mong muốn của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và đông đảo cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng và của toàn dân.

 

Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí là lĩnh vực quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Trước những đòi hỏi, yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong những năm tới, Đại hội X của Đảng đã đề ra những yêu cầu mới đối với công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, đòi hỏi toàn Đảng cần tiếp tục nắm vững, phát huy vai trò to lớn của các lĩnh vực công tác này. Cần phải chủ động hơn trong công tác tư tưởng; nghiên cứu xây dựng chiến lược công tác tư tưởng trong tình hình mới. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu nhân dân, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, chăm lo, củng cố sự đoàn kết, thống nhất và tình đồng chí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình, nâng cao sức chiến đấu và sức thuyết phục của công tác tư tưởng. Bám sát thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những vướng mắc trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để giải đáp sát thực, kịp thời; đấu tranh khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, cơ hội, chạy theo lợi ích cá nhân; chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điểm phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan "diễn biến hoà bình", bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch.

 

Tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, kịp thời làm sáng tỏ hơn những vấn đề bức xúc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về đảng cầm quyền và công tác xây dựng Đảng; về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về tổ chức và hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân... Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy và học tập lý luận, công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động, báo chí xuất bản, văn hóa nghệ thuật, nắm bắt định hướng dư luận xã hội... Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong các cơ quan báo chí; khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, nhất là xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị hiếu thấp kém, vì lợi ích vật chất cá nhân, cục bộ. Đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên học tập, quán triệt, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng.

 

Thưa các đồng chí,
Như các đồng chí đã biết, Quốc hội khoá XII vừa được bầu thực sự dân chủ, đúng pháp luật và thành công tốt đẹp. Sắp tới, Quốc hội sẽ họp kỳ đầu tiên với nhiệm vụ trọng tâm là bầu và phê chuẩn nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước và cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội xem xét, bầu và phê chuẩn theo quy định của pháp luật. Đây là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện ý thức trách nhiệm rất cao của Ban Chấp hành Trung ương và toàn Đảng nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực của Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; bảo đảm đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại.

 

Thưa các đồng chí,
Với những nội dung như tôi vừa trình bày ở trên, Hội nghị Trung ương lần này sẽ thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng và có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó, một số vấn đề vẫn còn có nhận thức khác nhau. Thời gian Hội nghị lại có hạn, chúng ta vừa họp Hội nghị, vừa phải chỉ đạo giải quyết nhiều nhiệm vụ quan trọng khác ở cả Trung ương và địa phương. Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí phát huy cao độ ý thức trách nhiệm, trí tuệ tập thể, tập trung tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ, thảo luận, đóng góp ý kiến để Hội nghị thành công tốt đẹp.

 

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X)./.

 


Related news:

Last modified 30-07-2007